Một quốc gia siêu nhỏ nhưng siêu giàu ít ai biết ở châu Âu, người dân được mời đến lâu đài của Hoàng gia để tiệc tùng
Tuy sở hữu diện tích nhỏ bé, nằm lọt thỏm giữa lòng châu Âu nhưng đất nước Liechtenstein lại có nền kinh tế phát triển mạnh mẽ. Đây cũng là quốc gia duy nhất trên thế giới người dân được Hoàng gia mời đến lâu đài để mở tiệc.
Liechtenstein, tên chính thức Thân vương quốc Liechtenstein, là quốc gia Tây Âu giáp với Thụy Sĩ và Áo. Liechtenstein với diện tích chỉ vỏn vẹn 160 km2, nhỏ thứ 4 châu Âu và nhỏ thứ 6 trên thế giới. Quốc gia này chỉ rộng bằng ⅛ thành phố Los Angeles và có khoảng 39.000 dân sinh sống.
Đất nước này không có biển, không có sân bay và cũng không có quân đội. Nếu muốn đi máy bay, người dân và du khách sẽ phải sang đất nước láng giềng Thụy Sỹ để sử dụng sân bay Zurich, cách thủ đô Vaduz một tiếng rưỡi lái xe.
Thành phố lớn nhất Schaan cũng chỉ có khoảng 6.000 dân. Thủ đô Vaduz của quốc gia này thậm chí còn ít dân hơn, chỉ khoảng 5.400 người.
Tuy sở hữu phong cảnh núi non hùng vĩ từ dãy Alps, nhiều lâu đài cổ kính tuyệt đẹp trải dài khắp nơi cùng các hoạt động thể thao mùa đông phong phú, Liechtenstein vẫn trở thành đất nước ít khách du lịch nhất châu Âu. Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), chỉ có 87.000 người đến Liechtenstein vào năm 2019.
Khối tài sản khổng lồ của hoàng gia Liechtenstein có thể khiến nhiều người choáng ngợp. Người đứng đầu nền quân chủ lập hiến nước này là Vương công Hans-Adam II sở hữu khối tài sản trị giá 7 tỷ đô la Mỹ. Ông cũng là quốc vương giàu có nhất châu Âu và là một trong những nguyên thủ quốc gia giàu nhất thế giới, theo Celebrity Net Worth.
Hoàng tộc còn là chủ của Ngân hàng LGT - ngân hàng lớn nhất toàn quốc và sở hữu một bộ sưu tập nghệ thuật đồ sộ với những kiệt tác của các danh họa Raphael, Rembrandt và Van Dyck được trưng bày tại bảo tàng Liechtenstein ở Vienna (Áo).
Các thành viên hoàng gia cũng nhận được sự tín nhiệm và yêu mến của người dân. Vào dịp lễ Staatsfeiertag của quốc gia này, Vương công Hans-Adam II và con trai Alois sẽ mời toàn bộ người dân khắp cả nước và cả du khách đến cung điện Vaduz. Mọi người có thể thưởng thức bia trong những khu vườn, cùng với một bữa tiệc và pháo hoa tại trung tâm thủ đô trong ngày 15/8 hàng năm.
Mặc dù có diện tích nhỏ bé, Liechtenstein có nền kinh tế đa dạng và phát triển nhờ vào lĩnh vực sản xuất, tài chính và dịch vụ. Theo Forbes, có khoảng 4.000 công ty đặt trụ sở tại quốc gia này. Nơi đây được biết đến là thiên đường thuế cho giới ngân hàng và là trung tâm tài chính ổn định giữa châu Âu.
Theo số liệu mới nhất của World Bank, thu nhập bình quân đầu người tại quốc gia nhỏ bé này lên đến 169.049 USD vào năm 2019. Công dân của Liechtenstein cũng hưởng mức lương cao thuộc hàng top ở châu Âu. Chính vì vậy, mức sống của người dân Liechtenstein có thể cao tương đương với người Thụy Sĩ.
Nước này gần như không có nợ quốc gia và có tỷ lệ thất nghiệp luôn ở mức thấp kỷ lục. Năm 2016, chỉ có 406 người dân Liechtenstein thất nghiệp, bao gồm cả những người nghỉ thai sản theo số liệu của Văn phòng Thống kê Liechtenstein. Điều đặc biệt là hơn một nửa lực lượng lao động tại đây đến từ nước láng giềng Thụy Sĩ, Áo và Đức. Nhóm lao động này thường xuyên đi biên giới giữa các quốc gia để làm việc mỗi ngày.
Giàu có là vậy nhưng Liechtenstein chỉ có duy nhất một tỷ phú. Christoph Zeller, tỷ phú duy nhất của Liechtenstein, từng sở hữu khối tài sản trị giá 3,1 tỷ đô la Mỹ, chiếm một nửa GDP cả nước vào năm 2019. Zeller là cựu CEO công ty Ivoclar Vivadent có trụ sở tại đô thị Schaan, công ty chuyên về sản phẩm nha khoa với hơn 60 triệu chiếc răng nhân tạo được sản xuất hàng năm và xuất khẩu đi hơn 130 quốc gia.
Chính thành công từ việc kinh doanh của Zeller đã giúp Liechtenstein trở thành quốc gia sản xuất răng giả hàng đầu, chiếm đến 40% tổng số răng giả được bán ở châu Âu và 20% trên toàn thế giới.
(Tổng hợp)