Một quốc gia có tàu điện dài gần 2km: Hiện đại như ô tô điện, di chuyển ‘êm’ trên những khúc cua và dốc núi thẳng đứng
Đây là một đoàn tàu chở khách dài nhất thế giới, với 100 toa, nặng 2.990 tấn và dài gần 2 km.
Toạ lạc trên dãy núi Alps của Thuỵ Sĩ, St Morit không chỉ là địa điểm thú vị nhờ tổ chức Thế vận hội Mùa đông năm 1928. Đây là nơi được nhiều người giàu có, thích mạo hiểm ưa chuộng. Mới đây, quốc gia này đã lập kỷ lục thế giới với thành tích ấn tượng, không phải trên tuyết hay băng, mà là trên đường ray.
Đoàn tàu được kết nối bởi 25 đoàn tàu điện Capricron và có chiều dài kỷ lục 1.960 mét. Tàu mất khoảng 1 giờ để đi khoảng 25 km trên Tuyến Albula, từ Preda đến Alvaneu ở miền đông Thuỵ Sĩ, được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới
Tuyến Albula nổi tiếng với những khúc cua ngoằn ngoèo và dốc núi thẳng đứng nối nhau. Đây được coi là một kiệt tác trong lĩnh vực kỹ thuật dân dụng của thế giới, tuyến đường này dài 62 km nhưng chỉ mất 5 năm để xây dựng dù cần đến 55 cây cầu và 39 đường hầm.
Trước khi tuyến đường sắt được hoàn thiện vào tháng 7/1904, du khách đã phải di chuyển với lộ trình kéo dài 14 tiếng rất nguy hiểm, trên những con đường mòn gồ ghề bằng xe ngựa hoặc xe trượt tuyến. Trung tâm của tuyến đường này là đường hầm dài 5.866 mét, kéo dài từ lưu vực sông Rhine đến Danube.
Không giống như hầu hết các đường sắt ở Thuỵ Sĩ và châu Âu - vốn sử dụng kích cỡ “tiêu chuẩn” giữa các đường ray là 1.435 mét, các đường ray do Rhaetische Bahn (RhB) phát triển chỉ cách nhau 1 mét. Ngoài ra, một tuyến đường với những đoạn uốn lượn liên tiếp, độ dốc lớn, 22 đường hầm và 48 cây cầu bắc qua các thung lũng sâu, thì những thách thức là không thể tránh khỏi.
Đoạn video quay cảnh tàu Capricron đang di chuyển (Nguồn: Kênh Youtube HU3RAUM )
Song, công tác chuẩn bị đã được thực hiện từ nhiều tháng trước, bao gồm cả việc chạy thử nghiệm để đảm bảo an toàn. Andreas Kramer - trưởng tàu, 46 tuổi, cho biết: “Tất cả chúng tôi đều hiểu rất rõ về Tuyến Albula, cả những đoạn dốc và kể cả độ nghiêng. Chúng tôi phải làm việc một cách đồng bộ 100% trong mỗi giây. Ai cũng phải giữ tốc độ làm việc ổn định và các hệ thống khác trong tầm kiểm soát.”
Quá trình chạy thử ban đầu đã không thành công. Trước khi tàu di chuyển, hệ thống phanh khẩn cấp không thể kích hoạt và 7 người lái tàu không thể liên lạc với nhau qua radio, điện thoại trong đường hầm.
Được hỗ trợ bởi 6 lái tàu và 21 kỹ thuật viên, Kramer dã sử dụng hệ thống điện thoại tạm thời do Tổ chức Bảo vệ Dân sự Thuỵ Sĩ thiết lập để liên lạc khi tàu chạy với vận tốc 35 kph qua rất nhiều đường hầm và thung lũng sâu. Phần mềm mới được chỉnh sửa và hệ thống liên lạc nội bộ đã hoạt động, cho phép 25 đoàn tàu chạy ổn định.
Trên quãng đường dài này, tốc độ của tàu được kiểm soát bằng phanh tái tạo năng lượng, tương tự như trên một số ô tô điện, chuyển đổi dòng điện 11.000 volt trở lại đường dây cung cấp điện.
Tuy nhiên, khi có quá nhiều toa tàu trên cùng một tuyến đường, nhiều người lo ngại rằng dòng điện trở lại hệ thống sẽ quá lớn, gây quá tải cho cả đoàn tàu và lưới điện địa phương. Để tránh tính trạng này, tốc độ của tàu được giới hạn ở mức 35 kph và phần mềm điều khiển cũng được điều chỉnh để hạn chế nguồn điện tái tạo.
Ngoài ra, các dây cáp an toàn cũng được lắp đặt thêm trên toàn bộ đoàn tàu để kết nối hệ thống cơ khí và khí nén giữa các toa.
Vào ngày tàu chính thức chạy, RhB đã tổ chức một lễ kỷ niệm ở Bergün và có sự tham gia của 3.000 người sở hữu những tấm vé may mắn. Họ theo dõi tàu chạy qua đoạn video chiếu trực tiếp. 3 trạm vệ tinh, 19 máy quay trên máy bay không người lái và trực thăng, trên tàu và dọc đường ray đã được sử dụng, mang lại thước phim độc đáo về sự kiện chỉ xảy 1 lần duy nhất.
Đối với một quốc gia nhỏ với nhiều đồi núi, Thuỵ Sĩ dường như không phù hợp để vận hành đường sắt. Tuy nhiên, quốc gia này lại trở thành một trong những nơi có hệ thống đường sắt phát triển mạnh mẽ nhất. Với nhu cầu lớn, Thuỵ Sĩ từ lâu đã có những công ty tiên phong trong lĩnh vực điện, cơ khí và kỹ thuật dân dụng, công nghệ và trình độ chuyên môn của họ cũng được xuất khẩu ra khắp thế giới.
Người dân Thuỵ Sĩ cũng sử dụng phương tiện đường sắt nhiều nhất thế giới, di chuyển trung bình 2.450 km/năm bằng tàu. Nhu cầu sử dụng phương tiện công nghệ của người dân nước này cao đến mức ngay cả sự chậm trễ nhỏ cũng khiến họ “ngầm” không hài lòng. Bởi vậy, Thuỵ Sĩ cũng vận hành khéo léo đối với các phương tiện tàu hoả, xe điện, xe buýt và các điểm giao cắt cũng được điều hướng hiệu quả.
Tham khảo CNN