Một phụ nữ Trung Quốc dành cả thập kỷ để viết bài giả mạo trên Wikipedia
Người phụ nữ này đã dành cả một thập kỷ để viết rất nhiều bài giả mạo trên Wikipedia và cũng sửa hàng trăm bài của người khác, tạo ra rất nhiều thông tin sai lệch về lịch sử, được coi là “cú lừa” lớn nhất trong lịch sử Wikipedia.
Wikipedia đúng là một "kho báu" về kiến thức. Dù bạn muốn tìm thông tin chung chung vì sở thích, hay cần thông tin cụ thể để viết bài luận, thì Wikipedia hầu như luôn cho bạn những kết quả chính xác.
Nói là "hầu như" vì không có gì là hoàn hảo cả. Mà sự việc mới bị phát hiện ở Trung Quốc là một bằng chứng.
Theo các nguồn tin ở Trung Quốc, một người bí ẩn nào đó đã tạo ra "cú lừa" lớn nhất trong lịch sử Wikipedia bằng cách viết hơn 200 bài hoàn toàn bịa đặt, chủ yếu về lịch sử thời Trung Cổ của nước Nga, với đầy đủ những địa điểm, sự kiện và nhân vật (tất cả đều là giả).
Sự việc này bị phát hiện một cách khá lạ lùng. Một thời gian trước, Yifan, một tiểu thuyết gia người Trung Quốc, bắt đầu xem Wikipedia tiếng Trung để tìm cảm hứng. Anh muốn viết về lịch sử thời Trung Cổ của nước Nga và rất mừng khi đọc được các bài về mỏ bạc Kashin, tồn tại từ khoảng thế kỷ 13 đến khoảng thế kỷ 18.
Yifan rất thích những câu chuyện về các cuộc chiến và vấn đề kinh tế xung quanh mỏ bạc trên nên anh quyết định tìm thêm thông tin ở Wikipedia tiếng Nga.
Ngạc nhiên chưa, nhiều bài viết trên bản tiếng Trung lại chẳng hề tồn tại ở bản tiếng Nga. Yifan thấy rất lạ, vì đây là thời Trung Cổ của nước Nga kia mà, tại sao không được ghi lại bằng tiếng Nga?
Rất tò mò, Yifan nói chuyện với bạn bè về mỏ bạc Kashin, nhưng chẳng ai biết cả. Thế là Yifan đành tự mình mày mò nghiên cứu, để rồi anh sững sờ khi phát hiện ra rằng chẳng bao giờ có mỏ bạc Kashin nào hết, và những bài viết trên Wikipedia Trung Quốc về mỏ bạc này thì đều là bịa đặt. Và tất cả đều được viết bởi cùng một người.
Phát hiện của anh Yifan được chia sẻ nhanh chóng, khiến Wikipedia phải mở cuộc điều tra. Hóa ra suốt hơn 10 năm, chỉ một người đã dùng vài tài khoản khác nhau để viết hàng triệu từ, tạo nên hơn 200 bài viết bịa đặt và sửa chữa hàng trăm bài khác trên Wikipedia tiếng Trung.
Cuối cùng người ta cũng tìm ra "thủ phạm" là một phụ nữ Trung Quốc, có nickname là Zhemao. Trên mạng thì cô ấy bảo mình là con gái một nhà ngoại giao và có nhiều bằng cấp, nhưng khi tội danh bị lật tẩy thì cô ta khai thật rằng mình chỉ là người nội trợ mới học hết trung học, được cái là có trí tưởng tượng rất phong phú, nên mới tự "viết lại lịch sử" như vậy được.
Hiện nay, hầu hết các bài viết "dỏm" của Zhemao trên Wikipedia Trung Quốc đã được xóa. Bản thân Zhemao đã đăng lời xin lỗi bằng tiếng Anh, nói rằng chỉ vì cô thích lịch sử nên mới làm thế.
Nhiều biên tập viên của Wikipedia nói rằng một sự việc thế này mà không bị phát hiện suốt một thập kỷ đã gây ảnh hưởng lớn đến uy tín của Wikipedia, nhất là phiên bản tiếng Trung. Dù sao, hiện tại, công chúng ở Trung Quốc lại có cái nhìn khá vị tha. Họ tỏ ra khâm phục một phụ nữ nội trợ có thể nghĩ ra hàng trăm câu chuyện rất tinh vi với nhiều chi tiết phức tạp về trang phục, tiền bạc, công cụ… của thời Trung Cổ. Netizen tin rằng nếu cô này dành 10 năm vừa qua để viết tiểu thuyết thì hẳn đã có nhiều thành công rồi.
Theo Thục Hân
Hoa học trò