Một phụ nữ ở Giang Tô bị nhiễm H5N1, chủng virus liên quan đã lan rộng trên thế giới

Chia sẻ Facebook
03/03/2023 15:22:55

Gần đây, dịch cúm gia cầm lây từ người sang người đã xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới. Sau hai trường hợp người nhiễm cúm gia cầm H5N1 ở Campuchia vào tháng trước, mới đây, một phụ nữ 53 tuổi ở Giang Tô được phát hiện mắc cúm gia cầm H5N1.

(Ảnh minh họa: Pordee_Aomboon / Shutterstock)


Vào ngày 1/3, hãng truyền thông nước ngoài BNO News dẫn lời Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, một phụ nữ 53 tuổi ở Giang Tô đã xuất hiện các triệu chứng vào ngày 31/1 sau khi tiếp xúc với gia cầm và được xét nghiệm dương tính với cúm gia cầm H5N1 vào tháng Hai. Tình trạng cụ thể của của người nhiễm bệnh chưa được công bố.

Báo cáo chỉ ra rằng kết quả giải trình tự gen ở Trung Quốc cho thấy chủng virus mà người phụ nữ này nhiễm là H5N1 2.3.4.4b, loại virus này đã lan rộng khắp thế giới, làm dấy lên lo ngại về các mối đe dọa có thể xảy ra đối với sức khỏe con người.

Ngày 22/2, một bé gái 11 tuổi ở Campuchia tử vong sau khi nhiễm H5N1. Đây là trường hợp nhiễm H5N1 ở người đầu tiên được biết đến ở Campuchia kể từ năm 2014. Trước đó gà, vịt của nhà nuôi cũng đột ngột chết.

Theo thông cáo của Bộ Y tế Campuchia tối 22/2, bé gái bị ốm từ ngày 16/2 và được đưa đến bệnh viện ở thủ đô Phnom Penh để điều trị. Sau khi xuất hiện các triệu chứng như sốt cao, ho và đau họng. Bé được chẩn đoán nhiễm virus H5N1 vào ngày 22 và qua đời ngay sau đó. Người bố 49 tuổi của cháu bé cũng được xác nhận nhiễm H5N1 vài ngày sau đó, nhưng tình trạng không nghiêm trọng. Tuy nhiên, các trường hợp mắc bệnh ở Campuchia là do H5N1 chủng 2.3.2.1c, chủng virus này đã xuất hiện trong thời gian lâu.


Sau trường hợp của Campuchia, WHO đang đánh giá lại nguy cơ toàn cầu do đợt cúm gia cầm này gây ra. Bà Sylvie Briand, giám đốc bộ phận quản lý nguy cơ bệnh truyền nhiễm của WHO, ngày 24/2 cho biết, WHO có liên hệ chặt chẽ với Campuchia về vụ việc và đang theo dõi xét nghiệm những người từng tiếp xúc với bé gái. “Sự lây lan của H5N1 trên toàn cầu là đáng lo ngại.”


Đợt bùng phát H5N1 này kể từ cuối năm 2021 là đợt bùng phát cúm gia cầm tồi tệ nhất trên thế giới, khiến hàng triệu gia cầm bị tiêu hủy và số lượng lớn chim hoang dã bị chết. WHO cho biết đã có hơn 450 trường hợp mắc cúm gia cầm ở người trên toàn thế giới kể từ năm 2003 và tỷ lệ tử vong ở người do H5N1 là “hơn 50%”.

Virus H5N1 lần đầu tiên được xác định ở ngỗng nhà ở Quảng Đông, Trung Quốc vào năm 1996. Virus này chủ yếu lây nhiễm cho chim và gây ra bệnh cúm gia cầm. Khi nó lan rộng ở Hồng Kông vào năm 1997, gà ở nhiều trang trại đã chết ngay sau khi nhiễm bệnh, gây ra trường hợp đầu tiên virus H5N1 lây nhiễm sang người, khiến một học sinh mẫu giáo tử vong. Từ năm 2003 đến năm 2015, thế giới đã báo cáo 630 bệnh nhân với WHO, trong đó 375 người đã tử vong, với tỷ lệ tử vong khoảng 60%. Tất cả các trường hợp được báo cáo được xác nhận này đều xảy ra ở Trung Quốc Đại Lục và các khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Việt Nam, Thái Lan, Campuchia.

Con người chủ yếu bị nhiễm virus cúm gia cầm do tiếp xúc với gia cầm nhiễm bệnh hoặc phân của chúng, hoặc tiếp xúc với môi trường ô nhiễm. Khả năng lây truyền của virus cúm gia cầm từ người sang người tương đối thấp, thỉnh thoảng ở một số quốc gia đã ghi nhận các đợt bùng phát dịch cúm gia cầm ở gia cầm, thỉnh thoảng có trường hợp lây nhiễm ở người. Virus H5N1 có thể gây chết người, tính đến năm 2011, có 350 trường hợp tử vong được xác nhận.

Mới đây Bộ Y tế Việt Nam cũng vừa có công điện gửi UBND các tỉnh, thành phố, cảnh báo tình trạng cúm gia cầm A(H5N1) lây lan sang người.


“Tại Việt Nam, thời tiết hiện nay đang trong giai đoạn chuyển mùa và thay đổi bất thường thuận lợi cho virus cúm gia cầm phát triển, đồng thời các lễ hội sau Tết Nguyên đán vẫn tiếp tục được tổ chức, do đó hoạt động vận chuyển và buôn bán gia cầm có thể gia tăng. Vì vậy luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người”, Bộ Y tế cho hay.

Cuối năm 2022, Việt Nam cũng ghi nhận ca nhiễm cúm A(H5N1) trên người (tại tỉnh Phú Thọ) đầu tiên kể từ năm 2014 đến nay.

Bộ Y tế yêu cầu các tỉnh, thành giám sát chặt chẽ người nhập cảnh nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, nhất là người giết mổ, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm sống, người có tiền sử đến từ khu vực đang có dịch (gồm dịch trên gia cầm và ở người), lấy mẫu xét nghiệm gửi về các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur xét nghiệm chẩn đoán xác định; quản lý ca bệnh (nếu có)…

Hiện giới chức tỉnh Đồng Tháp, An Giang… đang yêu cầu kiểm soát chặt cửa khẩu; gia cầm bán tại chợ phải kiểm dịch, kiểm soát giết mổ; không vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm theo đường tiểu ngạch… để phòng dịch cúm gia cầm.


Trí Đạt (t/h)

Cúm A bùng phát ở Trung Quốc: Bệnh viện quá tải, nhiều trẻ nghỉ học Gần đây, tỷ lệ mắc bệnh cúm A ở Trung Quốc Đại Lục tăng cao, nhiều bệnh viện ở nhiều nơi đều chật kín, phần lớn bệnh nhân là trẻ em.

Chia sẻ Facebook