Một nhân vật kín tiếng vừa cho FLC vay hơn 600 tỷ đồng trong quý II

Chia sẻ Facebook
01/08/2022 15:26:09

Cùng với khoản vay gần 200 tỷ đồng từ công ty cổ phần tập đoàn Homeliday đã đỡ cho FLC khi phải thanh toán gần 2.700 tỷ đồng cho ngân hàng trong 6 tháng đầu năm.


Đến ngày 30/06, nhiều món vay tại các nhà băng đã được FLC thanh toán, như 573 tỷ đồng dư nợ tại OCB, hay 176 tỷ đồng dư nợ tại BIDV CN Đồng bằng Sông Cửu Long.

Đặc biệt, 2 khoản vay trung dài hạn tổng dư nợ 1.840 tỷ đồng của Sacombank đã được FLC thanh toán hết trong kỳ.

Còn nhớ trước đó tại Đại hội cổ đông thường niên ngân hàng Sacombank vào ngày 22/04, nhiều cổ đông đã tỏ ra lo ngại về khoản cấp tín dụng nghìn tỷ với FLC.

Theo ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT của Sacombank, dư nợ tập đoàn FLC vào khoảng 3.200 tỷ đồng. Ông Minh cho biết, ngân hàng đã thu hồi được 2.600 tỷ đồng và trong vòng một tháng nữa FLC sẽ hoàn tất trả khoản vay.


"FLC thực ra là những khoản vay tốt, nhưng vì dư luận nên chúng tôi thu hồi nợ và họ cũng đang hợp tác. Không có vấn đề gì phức tạp" , ông Dương Công Minh khi đó phát biểu tại hội nghị.

Cùng nhìn lại tình hình vay nợ của FLC tại các nhà băng đến hết quý II/2022:

Tổng hợp từ BCTC hợp nhất quý II của FLC

Tổng hợp từ BCTC hợp nhất quý II của FLC

Tổng nợ vay của FLC tại các ngân hàng đến hết quý II đã giảm gần 2.700 tỷ đồng so với đầu năm. Đáng chú ý, vay và nợ thuê tài chính của công ty đã được bù đắp một phần bởi 2 khoản vay của một cá nhân là ông Lê Thái Sâm với quy mô lên đến 621 tỷ đồng và một tổ chức là Công ty cổ phần tập đoàn Homeliday 185 tỷ đồng.


Ông Lê Thái Sâm là ai?

Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2022 lần thứ hai của CTCP Tập đoàn FLC (Mã CK: FLC) đã thông qua việc miễn nhiệm chức vụ thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) đối với ông Trịnh Văn Quyết , ông Lã Quý Hiển và bà Hương Trần Kiều Dung.

Ở hướng ngược lại, đại hội cũng đã bầu bổ sung các ông Lê Bá Nguyên, Doãn Hữu Đoàn và Lê Thái Sâm vào HĐQT FLC nhiệm kỳ 2021 – 2026. Ông Lê Bá Nguyên – anh vợ của cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết, sau đó đã được bầu làm Chủ tịch HĐQT FLC.

Biên bản cuộc họp cho thấy, tân Chủ tịch HĐQT FLC nhận được số phiếu bầu đại diện cho 256,7 triệu cổ phần, chiếm 96,7% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự đại hội. Trong khi đó, lượng phiếu bầu nhiều nhất thuộc về ông Lê Thái Sâm, với 265,9 triệu cổ phần, tương đương 100,26% số cổ phần tham dự đại hội (bầu dồn phiếu).

Trích biên bản họp ĐHĐ cổ đông bất thường năm 2022 của FLC

Bản lý lịch trích ngang mà FLC công bố cho hay, ông Lê Thái Sâm sinh năm 1964, tốt nghiệp trường Đại học Kinh tế Tp. HCM vào năm 1986, và có hơn 30 năm kinh nghiệm hoạt động đầu tư, kinh doanh trong các lĩnh vực bất động sản, thương mại dịch vụ, tài chính – ngân hàng.

Ông Sâm cũng được giới thiệu là người am hiểu sâu sắc về môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, có vốn kinh nghiệm sâu rộng trong việc xây dựng chiến lược đầu tư, quản lý rủi ro và phân tích thị trường.

Ngoài ra, ông còn có "nhiều quan hệ hợp tác với các quỹ đầu tư, các tổ chức, tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước".


So với các thành viên HĐQT khác của FLC, ông Lê Thái Sâm là một gương mặt khá bí ẩn

Khá trùng hợp, dữ liệu của VietTimes cho thấy, CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways – Mã CK: BAV) cũng từng ghi nhận một cổ đông mang mã số 100014BAV tên Lê Thái Sâm, sinh năm 1964, sở hữu tới 125.000 cổ phần. Cũng theo VietTimes, cổ đông Lê Thái Sâm từng là thành viên Hội đồng quản trị của CTCP Đầu tư và thương mại DIC (Mã CK: DIC).

Người này đồng thời là người đại diện theo pháp luật của các công ty: Công ty cổ phần thép Thăng Long, công ty CP sắt thép Cửu Long, công ty TNHH Sun, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Huỳnh Nguyên.

Theo Nhịp Sống Kinh Tế

Chia sẻ Facebook