Một người TQ nói về giáo dục Nhật Bản (P6): Giáo dục trước tiểu học
Giáo dục trước tiểu học, từ 3 đến 6 tuổi, có ảnh hưởng không nhỏ đến tương lai của con trẻ. Các bé trước 6 tuổi ngây thơ trong sáng...
“Nhân chi sơ, tính bổn thiện. Tính tương cận, tập tương viễn. Cẩu bất giáo, tính nãi thiên. Giáo chi đạo, Quí dĩ chuyên”, con người mới sinh ra, bản tính vốn hiền lành, tính ban sơ là giống nhau, chỉ là thói quen dần khiến người ta thay đổi, nếu chẳng được giáo dục, bản tính sẽ đổi dời, đường lối để giáo dục, quý ở sự chuyên cần. Giáo dục trước tiểu học, từ 3 đến 6 tuổi, có ảnh hưởng không nhỏ đến tương lai của con trẻ.
Các chương trình giáo dục trước tiểu học càng lúc càng thịnh hành ở Trung Quốc, có rất nhiều bậc phụ huynh cho con em học các loại kiến thức và kỹ năng để các bé không bị thua thiệt bạn bè, thế nhưng lại xem nhẹ giáo dục truyền thống văn hóa truyền thống ngàn đời, khiến cho bản tính tốt của các bé bị mất đi.
Có những bậc phụ huynh còn thi đua với nhau, cho con em vào học trường mẫu giáo “Elite” , có những trường mẫu giáo tư thục thậm chí còn đắt hơn trường đại học công lập, mỗi tháng phải mất đến 5.000 Nhân dân tệ (hơn 16 triệu VND). Thế nhưng những đứa trẻ được bồi dưỡng bằng tiền bạc và vật chất khi ra đời chưa chắc đã có thể phục vụ cho xã hội, cũng không hẳn sẽ có thể báo đáp cha mẹ.
Nền giáo dục trước tiểu học của Nhật Bản vẫn giữ theo cách truyền thống, chia làm Yochien (mẫu giáo) và Hoikuen (gần giống như nhà trẻ).
Trường mẫu giáo ở Nhật (từ 3-6 tuổi) có 60% là tư thục, 40% là công lập. Học phí ở mẫu giáo tư thục mỗi năm là 480.000 Yên (tương đương với 103,5 triệu đồng), và công lập là 230.000 Yên (tương đương 49,6 triệu đồng).
Nhật Bản có khoảng 8/10 số trẻ theo học trường mẫu giáo tư thục, con em của các gia đình có thu nhập thấp cũng có thể vào trường mẫu giáo tư nếu được nhà nước hỗ trợ. Nhà trẻ ở Nhật Bản (từ 0-6 tuổi) có học phí thấp hơn, thời gian giữ trẻ dài hơn, thuận tiện cho các mẹ đi làm đưa đón trẻ.
Giáo dục trước tiểu học của Nhật Bản đặt sức khỏe và tinh thần của trẻ lên hàng đầu, bồi dưỡng sức khỏe và khả năng sống an toàn của các bé, giúp các bé học được những thói quen và thái độ sống cần có. Ví dụ như:
bồi dưỡng cho trẻ sống an toàn cùng thầy cô và bạn bè; chơi các trò chơi, thể thao tăng cường vận động để các em thích thú với việc chơi đùa ngoài trời; làm quen với các hoạt động, sống tập thể, thích cùng ăn cơm với thầy cô và các bạn; học cách sống khỏe mạnh, học các thói quen sống cần thiết như tự mình làm sạch đồ dùng cá nhân, tự mặc quần áo, tự ăn cơm, đi vệ sinh; làm quen với cách sống trong trường mẫu giáo, xây dựng một môi trường sống độc lập đầy hy vọng; học kiến thức quan tâm đến sức khỏe của chính mình, dự phòng các loại bệnh; học các cách an toàn ở nơi nguy hiểm, các trò chơi mạo hiểm và khi xảy ra thiên tai…
Nhật Bản chú trọng bồi dưỡng khả năng tự lực cánh sinh từ trước khi vào tiểu học, dùng những trò chơi, vận động thú vị để nâng cao giáo dục tư duy và sức khỏe của trẻ, cũng như những thói quen ăn uống dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe để đảm bảo sự phát triển của trẻ.
Chiếm vị thế thứ hai trong nền giáo dục trước tiểu học ở Nhật là quan hệ giữa người với người, bồi dưỡng năng lực bao dung, giúp đỡ người khác, tự lập tự cường, quan tâm người khác ở trẻ, giúp trẻ học được thói quen học tập vui vẻ, sống tự lập cũng như có thái độ tin tưởng, cảm thông với người khác. Ví dụ như:
dạy trẻ sống vui vẻ cùng thầy cô và bạn bè;
tự mình tư duy, tự mình làm việc và thói quen tự làm những việc mình có thể làm được;
biết trong lúc chơi game cũng phải hoàn thành công việc;
tích cực quan tâm bạn bè, đồng cảm với niềm vui và nỗi buồn của bạn bè, nói ra suy nghĩ của mình với người khác, và cũng chú ý đến suy nghĩ của đối phương;
phải nhận ra cái tốt của bạn bè, thích thú khi được hoàn thành những điều thú vị trong game cùng bạn bè;
học cách nhận thức được việc tốt và xấu, suy nghĩ kỹ rồi mới làm;
đẩy mạnh mối quan hệ với bạn bè, phải biết yêu quý, chú ý đến tầm quan trọng cũng như giữ gìn cuộc sống hòa thuận cùng bạn bè;
phải trân trọng yêu quý những thứ đồ chơi dùng chung với mọi người và thiết bị trên sân chơi;
quan tâm người lớn tuổi, đồng cảm với họ…
Nhật Bản quan tâm đến việc giữ gìn bản chất tốt của trẻ ở độ tuổi trước tiểu học, bồi dưỡng cho trẻ phẩm chất biết tôn trọng, tin tưởng và đồng cảm. Cuối cùng mới là dạy cho trẻ kiến thức về môi trường tự nhiên, ngôn ngữ, cách diễn đạt…
Các bé trước 6 tuổi ngây thơ trong sáng, không có bất cứ quan niệm nào, giữ gìn thiên tính tốt đẹp của trẻ và mài giũa thói quen tốt mới là cốt yếu của giáo dục trước tiểu học.
(Còn tiếp)
Tâm Di
Mời xem video :