Một người TQ nói về giáo dục Nhật Bản (P5): Giáo dục sự hứng thú
Giáo dục ở Nhật là giáo dục tạo sự hứng thú, vừa học vừa chơi, học sinh giống như những chú chim nhỏ bay lượn trên bầu trời.
Tôi sống ở Trung Quốc mười mấy năm, đã quá hiểu cách thức giáo dục ở Trung Quốc: đặt áp lực cho học sinh, giáo viên, không tôn trọng ý kiến cũng như không bồi dưỡng khả năng sáng tạo, tưởng tượng của học sinh. Học sinh và phụ huynh đều khổ mà không thể nói ra. Nhiều năm sau khi đến Nhật, tôi đã biết được giáo dục ở Nhật là giáo dục tạo sự hứng thú, vừa học vừa chơi, học sinh giống như những chú chim nhỏ bay lượn trên bầu trời, rất đáng ngưỡng mộ.
Sau khi con tôi vào tiểu học, ngoài học các lớp văn hóa ra thì còn có cả lớp gia đình, học những kiến thức và kỹ năng cần thiết trong cuộc sống gia đình: dạy cho học sinh làm các món ăn của các nước, cách dùng kim hay máy may để làm đồ vật, cách trồng cây, điêu khắc các vật dụng nghệ thuật, v.v.. Ngoài học ở trong lớp thì còn được học ngoại khóa như đi tham quan viện khoa học, xưởng xử lý rác thải, trạm cứu hỏa, văn phòng quốc hội, đưa học sinh đi trồng lúa, trải nghiệm trượt tuyết, dã ngoại, v.v., để học sinh tự mình học được những kiến thức về lịch sử, khoa học đời sống, công – nông nghiệp…
Ngày thi đấu thể thao ở tiểu học giống như ngày lễ lớn vậy, phụ huynh, họ hàng đều đến xem, thậm chí cả ông bà cũng phải đi máy bay để vội về xem, mọi người vào bên trong thì vừa ngồi ăn vừa xem, cổ vũ cho các con, ghi lại hình ảnh các con lớn lên. Mỗi học kỳ đều có vài ngày được đến tham quan, phụ huynh đứng ở phía cuối lớp học để biết được tình hình học tập của con mình và cách lên lớp của giáo viên, các tác phẩm của các bé cũng được dán trên tường trong lớp học. Khi tốt nghiệp tiểu học, nhà trường có tặng một quyển album ảnh kỉ niệm, ghi lại thời gian 6 năm bằng những hình ảnh mỗi lần các bé tham gia hoạt động, hầu hết trong các bức ảnh các bé đều vui cười khiến tôi cảm động lắm.
“Học hành không có thay đổi gì cả ạ, vẫn giống như ở tiểu học, nhưng những hoạt động nhóm ở trung học thì cực kỳ vui, hơn nữa con còn có thêm rất nhiều bạn bè”.
Tôi vốn cho rằng sau khi con lên trung học thì tôi có thể nghỉ ngơi một chút, mà không ngờ phụ huynh phải phối hợp với những hoạt động vui vẻ của các con: cuối tuần và ngày lễ phải làm cơm hộp cho con (cuối tuần và ngày lễ căng-tin ở trường đóng cửa nên không có cơm trưa). Khi con tham gia thi hay hội diễn, phụ huynh phải giúp đưa nhạc cụ, đi xem các cuộc thi, quay phim lại cho các bé. Con tôi thường hay luyện tập đến gần 10h tối, lúc này phụ huynh phải tự mình đến đón con về. Ban đầu thì tôi cảm thấy không hiểu cách giáo dục này cho lắm. Bởi vì ngày nào cũng phải tham gia hoạt động sao? Chẳng lẽ giáo dục hứng thú còn quan trọng hơn học hành hay sao? Giáo dục hứng thú có ích gì cho tương lai của các con?
Một năm sau, hoạt động của con tôi có thành tích tốt, giành được cúp của các cuộc thi, mỗi ngày về nhà con đều sẽ nói rất nhiều chuyện có liên quan đến câu lạc bộ thổi kèn. Thế nhưng thành tích học tập của cháu cũng không hề giảm sút, mà ngược lại càng lúc càng tốt hơn. Có lần con hỏi tôi: “Mẹ ơi, khi mẹ học trung học mẹ đã tham gia câu lạc bộ nào vậy ạ?”. Tôi nói: “Mẹ không tham gia câu lạc bộ nào cả”. Cháu khó tin hỏi: “Vậy mẹ đã làm gì mỗi ngày ạ?”. Tôi nói: “Đương nhiên là học rồi, ngoài học ra thì vẫn chỉ có học thôi”. Con tôi lắc đầu nguầy nguậy: “Học sinh Trung Quốc thật đáng thương! May mà con sống ở Nhật”. Tôi cũng nói một cách đầy ngưỡng mộ: “Đúng thế, con thật sự rất hạnh phúc đấy”.
(Còn tiếp)
Tâm Di
Mời xem video :