Một người Hoa nghĩ về tinh thần cống hiến trong xã hội Mỹ
Tinh thần cống hiến vô tư của người Mỹ thể hiện rõ nét trong mọi mặt đời sống. Năm đầu tiên đến Mỹ, tôi tham gia một khóa học kéo dài...
Nhắc đến Mỹ và Trung Quốc, người Trung Quốc thường liên tưởng đến thể chế chính trị hay mối quan hệ giữa người dân và chính quyền… Nhưng sự khác biệt kỳ thực còn thể hiện rõ nét trong mọi mặt đời sống, đặc biệt là tinh thần cống hiến vô tư của người Mỹ.
(Ảnh minh họa: Sokor Space, Shutterstock)
Sẵn sàng phối hợp và trao đổi
Năm đầu tiên đến Mỹ, tôi tham gia một khóa học kéo dài 6 tháng có tên “Đào tạo năng lực người lãnh đạo khu vực Châu Á – Thái Bình Dương” ở Hawaii. Những người tham gia khóa học này chủ yếu là người ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương và cả người Mỹ. Trong số đó, có ba người đến từ Trung Quốc. Sau khi học xong, ba người chúng tôi thường “không hẹn” nhưng đều nói đến lý niệm và phương pháp lãnh đạo mà khóa học ấy truyền thụ lại cho chúng tôi. Quả thực, những kiến thức đó đối với những người có hoàn cảnh sinh sống và văn hóa như chúng tôi thì thật khác xa, giống như mặt trăng và mặt trời vậy.
Lý niệm lãnh đạo mà khóa học nói đến chính là tinh thần tập thể, sự hợp tác phối hợp, sự giao lưu chia sẻ, sự hiểu nhau, sự huy động các thành viên trong nhóm, cộng đồng cùng nhau làm việc. Lãnh đạo không ở trên cao “chỉ tay năm ngón” và có độc quyền kiểm soát người khác. Trên thực tế, người lãnh đạo là người phối hợp, sắp xếp. Đối với người lãnh đạo mà nói, năng lực phối hợp và trao đổi với người khác là yếu tố vô cùng quan trọng. Đương nhiên, để làm được điều đó thì đức tính kiên trì và phẩm chất đạo đức là tố chất căn bản không thể thiếu của người lãnh đạo.
Điều khiến tôi ấn tượng sâu sắc hơn cả là trong xã hội Mỹ, ai ai cũng có cơ hội làm “người lãnh đạo” . Vô luận là ở phương diện chính trị, hoạt động công ích, một nhóm từ thiện, trong bữa ăn liên hoan… các hoạt động ấy cho dù là lớn hay nhỏ, luôn có một người tự nguyện đứng ra sắp xếp tổ chức và những người còn lại sẽ luôn sẵn sàng phối hợp. Hết thảy mọi người đều hòa bình, bận bịu vội vàng mà không loạn, gọn gàng và ngăn nắp. Rất nhiều hoạt động đều là do mọi người tình nguyện gánh vác mà hoàn thành.
Khi tôi còn ở Hawaii học tập, có một người tự nguyện đứng ra phụ trách việc thu hồi phế phẩm. Nhưng khi người ấy làm việc thì luôn có không ít người tích cực tham gia giúp đỡ.
Trong trường học của con gái tôi, có câu lạc bộ âm nhạc của các phụ huynh, mục đích là để duy trì và giúp đỡ tất cả các hoạt động âm nhạc của nhà trường. Các thành viên của câu lạc bộ thường xuyên gặp gỡ, họp với giáo viên âm nhạc, giúp đỡ nhà trường và giáo viên tổ chức các hoạt động âm nhạc. Các cha mẹ giúp đỡ việc quyên góp tiền để sửa chữa và thay mới các nhạc cụ. Cha mẹ thường xuyên tham gia các hoạt động của nhà trường, vừa là để giúp đỡ nhà trường, vừa là để có cơ hội gần gũi với con cái, chia sẻ khó khăn và niềm vui với con…
Nói chung, cha mẹ có thể chủ động làm tất cả những việc mà họ có khả năng làm. Trong thành phố nhỏ nơi tôi sinh sống, hàng năm đều tổ chức một lễ hội âm nhạc lớn. Đây là hoạt động lớn nhất trong năm và tất cả mọi người đều tình nguyện chủ động tham gia.
Người già vẫn được tuyển dụng
Trước đây tôi từng đọc một báo cáo, nước Mỹ có khoảng hơn 100.000 người ở độ tuổi gần 60, có thể làm nhiều công việc cùng một lúc. Trong khi đó, tại một số quốc gia Châu Á những người này được xếp vào diện người “chuẩn bị” già yếu.
Cẩn thận suy ngẫm một chút, vì sao ở Trung Quốc những người 58, 59 tuổi đã bị giới hạn sức lao động, những người trên 60 tuổi đã trở thành “gánh nặng” xã hội? Kỳ thực, trong ấn tượng của nhiều người, người Trung Quốc ngoài 70 tuổi đã bắt đầu những bước đi chậm chạp với ánh mắt thiếu vẻ tinh thông. Nhưng ở nước Mỹ, người ta có thể bắt gặp những “ông lão, bà lão” trên 70 tuổi mà vẫn vô cùng tự tin.
Các nhà tuyển dụng ở Mỹ cảm thấy những người già thường thành thật, có kinh nghiệm nên rất yên tâm và đáng tin cậy khi tuyển dụng họ. Cho nên, yêu cầu về độ tuổi trong thông báo tuyển dụng của họ, thường chỉ có giới hạn độ tuổi nhỏ nhất mà không có giới hạn độ tuổi cao nhất. Họ không sợ bạn là 80 tuổi, chỉ cần bạn nguyện ý làm việc, hơn nữa còn có thể làm tốt thì họ sẽ vẫn tuyển dụng bạn.
Ở rất nhiều siêu thị, trung tâm thương mại, người ta có thể nhìn thấy những người già ngoài 70 tuổi vẫn đang làm việc bên cạnh những người thanh niên trẻ tuổi.
Tôi từng biết về trường hợp của bà Zlatko, 93 tuổi sinh sống ở tiểu bang New Jersey, mỗi ngày đều đến công ty của con trai bà để làm việc. Quan điểm của bà là: “Chỉ cần tâm không có nếp nhăn thì tâm thái sẽ giống như những người trẻ tuổi!”
Ở nhiều nơi như sân bay, trung tâm thương mại… không phải chỉ có những nhân viên trẻ tuổi làm việc như ở một số quốc gia Châu Á mà có thể dễ dàng bắt gặp những nhân viên lớn tuổi, khỏe mạnh, cao lớn và hơi có vẻ “thô kệch”.
Trong các đài phát thanh, đài truyền hình ở Mỹ có không ít người dẫn chương trình lớn tuổi vừa thành thục có kinh nghiệm vừa chuyên nghiệp.
Tinh thần cống hiến của người Mỹ
Gia đình chồng tôi là những người Châu Âu đến nước Mỹ sinh sống. Trong nhiều năm, năm nào chồng tôi cũng tham gia hiến máu nhiều lần, cho đến khi máu không phù hợp tiêu chuẩn mới dừng lại. Cuối tuần, chồng tôi thường xuyên đến nhà bảo tàng ở cạnh công ty làm nhân viên tình nguyện.
Lần đầu tiên tôi đến khám bệnh ở một trung tâm y tế địa phương, mấy người phụ trách việc tiếp đón bệnh nhân nhìn qua đã cao tuổi, nếu theo tiêu chuẩn ở một số nước thì họ đã đến tuổi về hưu lâu rồi. Người tiếp đón tôi là một ông lão đã hơn 70 tuổi. Quả thực, lúc vừa gặp ông, tôi thầm nghĩ: “Sao lớn tuổi như vậy rồi mà vẫn còn làm việc?”
Ông vô cùng tốt bụng, cử chỉ ân cần và nhiệt tình. Trước tiên, ông hướng dẫn tôi điền vào mẫu, ký tên và dẫn tôi đến phòng chờ khám bệnh. Ông còn chỉ cho tôi nhà vệ sinh ở đâu, giúp tôi mở ti vi để tôi thư giãn trong lúc chờ đợi. Khi đã chỉ dẫn xong, ông còn dặn tôi: “Có chuyện gì thì hãy gọi tôi!”
Sau khi bác sĩ khám bệnh cho tôi xong, ông lại dẫn tôi đi thử máu. Xét theo tuổi tác, ông là bậc cha chú của tôi, cho nên, khi ông chỉ dẫn tôi với thái độ vừa ân cần, khiêm tốn lại vừa thân thiện khiến như vậy khiến tôi rất cảm động. Tôi nói lời cảm ơn ông. Ông cười và nói: “Không cần cảm ơn! Họ đã trả cho tôi rất nhiều tiền để làm công việc này!” Lúc ấy tôi hiểu ý ông muốn nói rằng đây là công việc của ông, bởi vì nhận được tiền công nhiều nên làm việc một cách tận tâm là chuyện đương nhiên.
Tôi hỏi tiếp: “Ông làm việc ở đây được bao lâu rồi ạ?”
Ông trả lời: “Hơn 2 năm rồi!”
Tôi trộm nghĩ: “Nước Mỹ thật không có phân biệt tuổi tác! Người hơn 70 tuổi rồi mà vẫn tìm được việc làm!”
Đến bữa ăn tối, tôi kể cho chồng tôi nghe chuyện về ông và cảm thán nói: “Người hơn 70 tuổi mà vẫn có thể tìm được việc để làm!”
Chồng tôi lập tức nói: “Đó không phải là công việc của ông ấy đâu. Ông ấy là người tình nguyện đó!”
Tôi nói: “Rõ ràng là ông ấy đã nói họ trả rất nhiều tiền để thuê ông ấy làm việc!”
Chồng tôi cười nói: “Đó là ông ấy nói vui vậy thôi! Bọn anh thường xuyên nói vui như thế. Trong các bệnh viện ở Mỹ có rất nhiều người làm việc tình nguyện như vậy.”
Người già còn hết lòng cống hiến sức lực của bản thân vì người khác và vì xã hội, loại văn hóa này thực sự khiến người ta phải cảm động! Ở thời điểm còn có thể cho đi, còn có thể phó xuất, họ sẵn sàng cho đi, quên cả tuổi già của bản thân mình.
Tôi ngày càng thể nghiệm được nét văn hóa truyền thống tốt đẹp giữa người và người của nước Mỹ, đó là tinh thần cống hiến, sự tự chủ tự lập, vui vẻ cho đi và dũng cảm đảm nhận trách nhiệm.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên dịch
Mời xem video :