Một người có thể không thành công nhưng nhất định phải thành thục

Chia sẻ Facebook
05/03/2023 19:42:46

Thành công đối với một số người mà nói là điều không quá khó, nhưng thành thục, trưởng thành lại là điều rất khó có người làm được, và sự trưởng thành trong tâm lại càng khó hơn.

(Ảnh minh họa: Aphotostory, Shutterstock)

Thành công khiến một người tự tin nhưng quá nhiều thành công sẽ khiến một người dễ dàng tự phụ. Thành thục, trưởng thành thì không như vậy. Người trưởng thành không quá để tâm vào được mất, hơn thua, lý trí mà không mất đi sự nhiệt huyết, bình tĩnh với tâm thái thong dong. Họ có thể bình tĩnh đối mặt với thất bại trước mắt và thản nhiên khi đối mặt với sinh tử.

Một người trưởng thành, thành thục, chín chắn hay không thực ra không phụ thuộc vào độ tuổi của người ấy là lớn hay nhỏ. Có những người tuổi đã cao nhưng cách hành xử và những suy nghĩ trong tâm của người ấy vẫn hời hợt, thậm chí trống rỗng. Nhưng có những người tuy còn trẻ tuổi nhưng lại rất chín chắn, suy nghĩ cân nhắc thấu đáo, kỹ càng.


Trong sách “Hàn Phi Tử” thiên “Dụ Lão” có chép một câu chuyện về Triệu Tương Tử học đánh xe như vậy.

Triệu Tương Tử học đánh xe với Vương Vu Kỳ. Khi học xong, trước lúc về nhà, Triệu Tương Tử muốn tỉ thí công phu đánh xe với Vương Vu Kỳ.


Lần tỉ thí thứ nhất Triệu Tương Tử thua, bèn nói: “Không đúng không đúng, là do ngựa của ta không tốt.” Thấy thế Vương Vu Kỳ đổi ngựa cho Triệu Tương Tử rồi tiếp tục tỉ thí.


Lần tỉ thí thứ hai Triệu Tương Tử lại thua, Triệu nói: “Không đúng không đúng, là do xe của ta cũng không tốt.” Vương Vu Kỳ thấy thế bèn đổi xe ngựa với Triệu.


Lần tỉ thí thứ ba Triệu Tương Tử đánh xe ngựa của Vương Vu Kỳ, Vương Vu Kỳ đánh xe của Triệu Tương Tử, kết quả Triệu vẫn thua. Lần này Triệu Tương Tử lại viện lý do: “Là do huynh không dạy hết kỹ thuật cho ta, nếu không sao lần này xe của ta tốt hơn nhưng ta vẫn thua huynh?”


Bấy giờ Vương Vu Kỳ nói: “Kỹ thuật thì ta đã chỉ dạy hết cho huynh rồi. Khi đánh xe thì ngựa phải liền với xe, dùng tâm điều khiển ngựa. Nhưng còn huynh, khi bị tụt lại phía sau ta thì cứ muốn vượt qua ta, khi hơn ta rồi lại e ta sẽ thắng huynh. Huynh đánh xe ngựa nhưng tâm huynh chỉ đặt ở nơi ta, thì làm sao có thể đạt được tiến tốc trí viễn?”


Câu chuyện này quả thật đã nói rõ đạo lý của “thành công”“thành thục” . Người đánh xe nếu chỉ chăm chăm vào chuyện thắng được người khác, dẫu có thành công cũng không thể thấu hiểu chuyện đánh xe. Chỉ có người thành thục mới hiểu rằng đánh xe không chỉ cần có kỹ pháp, mà quan trọng hơn là cần có tâm pháp. Kỹ pháp thì thông qua miệng nói, tai nghe, thầy có thể truyền lại cho trò, rồi qua quá trình luyện tập là có thể nắm vững được. Còn tâm pháp thì người học phải tự mình cảm nhận, tự mình tu dưỡng thì mới có thể đạt được. Tâm pháp đánh xe của Vương Vu Kỳ chính là người đánh xe chuyên tâm toàn chí vào việc điều khiển xe, ngựa, thì người và xe, ngựa đạt được sự hài hoà cao độ, phối hợp nhất trí, từ đó có thể “tiến tốc trí viễn” , đi được nhanh, tiến được xa.


Trong chính sử cũng có nhiều câu chuyện về “thành công”“thành thục” . Sở Bá Vương Hạng Vũ được gọi là Bá Vương, bởi vì ông đánh đâu thắng đó, nói về dũng lực và khả năng cầm quân thì không ai bằng. Trong Sử Ký của Tư Mã Thiên ghi chép rằng Hạng Vũ đánh quân Tần 9 trận thắng cả 9, đại phá quân Tần. Tướng các nước chư hầu khi vào bái kiến, mọi người đều “quỳ gối xuống mà đi tới, không ai dám ngẩng lên nhìn”.


Sử Ký cũng mô tả Hạng Vũ là người võ dũng, cương cường, nhưng thiếu “thành thục” . Thuở nhỏ, Hạng Vũ học chữ nhưng học không thành, nên bỏ đi học kiếm thuật, học cũng không nên. Khi bị mắng, Hạng Vũ nói: “Biết chữ chỉ đủ để viết tên họ mà thôi. Kiếm chỉ đánh lại một người, không bõ công học. Nên học cái đánh lại được vạn người!”. Tuy nhiên khi được dạy binh pháp, Hạng Vũ cũng chỉ học để biết qua ý nghĩa, chứ không chịu học đến nơi đến chốn.


Hạng Vũ có một quân sư là Phạm Tăng mà có thể xưng bá thiên hạ. Có thể nói Hạng Vũ là “dũng” , mà Phạm Tăng chính là “trí” . Phạm Tăng là người vô cùng sáng suốt, ngay từ đầu đã nói Lưu Bang là tử địch của Hạng Vũ, nhiều lần tìm cách giết đi. Thế nhưng vì Hạng Vũ nhiều lần mềm lòng mà khiến Lưu Bang chạy thoát, lại còn trúng kế của Lưu Bang mà mất đi Phạm Tăng.


Sử Ký của Tư Mã Thiên mô tả Hạng Vũ là bậc dũng giả, khoáng đạt, còn Lưu Bang thì có phần lưu manh, nhỏ nhen. Bá Vương Hạng Vũ nhiều lần “thành công” , danh vang thiên hạ. Tuy nhiên trong cuộc chiến Hán Sở, Hạng Vũ chỉ vì thiếu “thành thục” mà mất đi đại kế, cuối cùng không còn mặt mũi về Giang Đông, lựa chọn tự vẫn bên bờ sông Dương Tử.

Trải qua thị phi thành bại, nhấm nháp qua ngọt bùi đắng cay, chứng kiến qua những buồn vui của cuộc đời mới có thể thành thục. Một người nếu không có sẵn tố chất thành thục thì mặc dù thành công cũng sẽ dễ dàng thất bại. Thành công khiến một người dễ hồ đồ nhưng thành thục lại khiến con người ta thanh tỉnh. Một người dễ dàng thành công nhờ thuận cảnh, nhưng để thành thục thì cần dựa vào nghịch cảnh.


Thành công và thành thục không nhất định song hành cùng nhau, thành công thường đến trước, thành thục thì đến sau. Người thành thục hiểu rằng thất bại cũng không phải điều xấu, mà chính là sự trui rèn. Người thành thục có thể “thắng không kiêu, bại không nản” , dẫu thắng hay bại cũng không oán thán, trách trời trách đất.


An Hòa biên tập

Người càng trưởng thành thì tâm tính càng ôn hòa và tĩnh lặng


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook