Một ngày tập luyện khắc nghiệt của các chiến sĩ trị "giặc lửa"

Chia sẻ Facebook
20/08/2022 03:13:44

Trong quá trình học tập, học viên Đại học Phòng cháy chữa cháy phải tập luyện khắc nghiệt, đeo bình dưỡng khí nặng 12 kg leo tầng cao chữa cháy, đu dây cứu người.

Thời gian qua, Hà Nội và một số địa phương trên cả nước xảy ra nhiều vụ cháy gây thiệt hại cả về người và tài sản. Nhiều chiến sĩ cảnh sát PCCC đã dũng cảm hy sinh trong cuộc chiến chống "giặc lửa". Để giảm thiểu mất mát, hy sinh khi chiến đấu với "giặc lửa", các chiến sĩ cảnh sát Phòng cháy chữa cháy phải trải qua quá trình đào tạo khắc nghiệt với yêu cầu thành thục về kỹ thuật, chiến thuật trong nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.

Đại học Phòng cháy chữa cháy (Hà Nội) là ngôi trường hàng đầu về đào tạo những chiến sĩ phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ… Hiện nay, trường có quy mô đào tạo hơn 6.000 học viên. Để trở thành người chiến sĩ trị "giặc lửa", những học viên Đại học Phòng cháy chữa cháy phải trải qua những bài tập luyện gian khó, khắc nghiệt ở thao trường trong suốt 4 năm học.

Đu dây trên tầng cao, dùng dây tự cứu mình từ trên cao, đeo bình dưỡng khí leo thang tiếp cận ngọn lửa và học cách cứu nạn cứu hộ dưới nước, cứu nạn cứu hộ trong điều kiện đặc biệt (có khói, khí độc, thiếu ôxy, trong không gian hẹp), cứu nạn cứu hộ trên cao, vực sâu… là những bài tập không đơn giản với các học viên, đòi hỏi họ phải thường xuyên khổ luyện.

Ở bài huấn luyện leo thang lên tầng cao tiếp cận đám cháy, các học viên lớp D36C chuẩn bị bình dưỡng khí, mặt nạ chống độc, thang và cuộn vòi chữa cháy. Trong lúc leo thang, mỗi học viên phải vác trên vai bình dưỡng khí 12 kg và dây vòi chữa cháy.

Những chiếc thang nặng khoảng 45 - 50 kg, hai học viên phải vác chạy và kéo dựng lên các độ cao nhất định (10 - 12 m). Mỗi bình dưỡng khí có trọng lượng 12 kg, sử dụng tối đa trong khoảng 10 phút... Ở bài tập này, học viên phải có thể lực thật tốt và kỹ thuật điều hòa nhịp thở để phát huy tối đa dưỡng khí cung cấp trong quá trình chiến đấu với “giặc lửa”. Các chiến sĩ cũng được học vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân.

Khi đi xuống, học viên phải áp sát người vào thang, chân bè và tì sang hai bên để thang đỡ rung và tránh trơn trượt, gây nguy hiểm đến tính mạng.

Đại tá Phạm Văn Năm - Phó hiệu trưởng Đại học Phòng cháy chữa cháy - cho biết, học viên được rèn luyện trong môi trường nguy hiểm như đám cháy thật với các điều kiện khác nhau như không có ánh sáng, không gian hẹp, làm việc trên cao, làm việc dưới sâu, môi trường nhiều khói và khí độc…

Theo Đại tá Năm, qua quá trình đào tạo, chiến sĩ Phòng cháy chữa cháy sẽ hiểu được rằng, khi vào đám cháy phải thực hiện kỹ năng gì, giúp làm giảm nguy cơ đe doạ đến tính mạng của bản thân. Người lính cứu hỏa phải đảm bảo an toàn cho mình mới có thể tổ chức công tác cứu hộ, cứu nạn được an toàn và hiệu quả hơn.

“Phải hiểu, khắc chế được và sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ, chứ không phải là bản năng lao vào biển lửa. Quá trình học tập tại nhà trường cũng như kinh nghiệm thực tế chiến đấu tích luỹ dần sẽ giúp cho chiến sĩ có đủ bản lĩnh, dám hy sinh”, Đại tá Năm nói.

Bài huấn luyện tiếp cận ngọn lửa dưới mặt đất đòi hỏi học viên phải phối hợp nhịp nhàng với đồng đội, giữ khoảng cách và cầm chắc vòi cuộn chữa cháy, di chuyển từng bước để tiếp cận đám cháy.

Việc triển khai phương án chữa cháy từ tiếp cận mục tiêu, xác định nguồn cung cấp nước... phải hết sức khẩn trương. Mọi thao tác đảm bảo tuyệt đối chính xác trong khoảng thời gian ngắn nhất để hạn chế tổn thất về người và tài sản.

Tham gia buổi huấn luyện leo thang lên tầng cao tiếp cận đám cháy, học viên Vũ Trường An (20 tuổi, học viên lớp D36C, Đại học Phòng cháy chữa cháy) cho biết: “Từ thời học phổ thông, tôi đã xem nhiều tư liệu về lính Phòng cháy chữa cháy, các anh như những siêu nhân ngoài đời thực khi dũng cảm cứu người bị nạn trên cao hay trong đám cháy. Tôi rất ngưỡng mộ họ và cũng có niềm khao khát được trở thành chiến sĩ Phòng cháy chữa cháy”.

Theo Trường An, chiến sĩ cảnh sát Phòng cháy chữa cháy cần ý chí, không sợ khó khăn, không sợ gian khổ, mới có thể cứu giúp được người gặp nạn.

Ngoài học ở trên lớp, Trường An và các học viên thường xuyên được thực hành. Tại đây, các thầy chuyên môn hướng dẫn tận tình, từ đó tiếp thêm sức mạnh, ý chí hơn khi đối mặt với khó khăn. “Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”, đó là câu học viên Trường An rất tâm đắc khi quyết theo nghề Phòng cháy chữa cháy.

Trong nội dung huấn luyện sử dụng dây để tự cứu mình từ trên cao, học viên phải luôn "khóa tay" vào dây tự cứu được nối từ trên cao xuống đất. Dây đai háng phải được tạo bởi những nút buộc chắc, tránh tuột hoặc trôi, thắt chặt vào người và kiểm soát được tốc độ khi trượt xuống.

Nữ học viên Ngọc Hà tâm sự, cô lựa chọn Đại học Phòng cháy chữa cháy một phần do bố mẹ hướng nghiệp và bản thân cũng muốn trở thành người có ích trong xã hội.

"Học viên trong trường chủ yếu là con trai và phải học các môn khá nặng nên có những lúc tôi cảm thấy nản lòng. Tuy nhiên, được sự giúp đỡ, động viên của các bạn, cũng như thầy cô, tôi cảm thấy tự tin và trưởng thành hơn”, Ngọc Hà chia sẻ.

“Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ là một trong những nghề nguy hiểm, nhiều rủi ro. Trước sự hy sinh anh dũng để cứu người của 3 chiến sĩ Phòng cháy chữa cháy vừa qua, là học viên của trường, tôi luôn tâm niệm đây là trách nhiệm của người lính để bảo vệ bình yên cho nhân dân. Chúng tôi sẽ cố gắng noi gương các anh”, Ngọc Hà bày tỏ.

Không chỉ huấn luyện kỹ năng chữa cháy, mỗi tình huống lại là những cuộc đấu trí đối với các học viên khi họ phải nắm bắt nhanh tình hình, đưa ra quyết định và xử lý kịp thời, giải quyết những tình huống thực tế nhằm đảm bảo hiệu quả trong công tác phòng cháy chữa cháy.

Ngoài huấn luyện trên thao trường, học viên được học lý thuyết về quy định của pháp luật liên quan công tác phòng cháy chữa cháy, cũng như kiến thức cơ bản về phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ.

Ngoài ra, học viên còn được học chuyên sâu về những nguyên lý làm việc, cách sử dụng, bảo quản, kiểm tra hệ thống cấp nước chữa cháy như: Hệ thống trụ nước chữa cháy ngoài nhà, họng nước chữa cháy vách tường, cách dải vòi, cuộn vòi, bảo quản, kiểm tra vòi chữa cháy.

Sau khi ra trường, các học viên của Đại học Phòng cháy chữa cháy đảm bảo các năng lực về phẩm chất chính trị, kiến thức chuyên môn, kỹ năng tổ chức thực hiện, cũng như vấn đề sức khỏe, thể chất và tinh thần, là nguồn nhân lực kế cận cho lực lượng cảnh sát Phòng cháy chữa cháy.

Chia sẻ Facebook