Một ngành nghề thoáng nghe tưởng lạ nhưng cực kỳ gần gũi, lương thưởng tốt
Ngành F&B đang nhận được sự đặc biệt quan tâm của giới trẻ.
Có một ngành nghề nghe tên rất lạ nhưng tính chất công việc rất quen thuộc, gần gũi. Đó là ngành F&B, dự báo cực phát triển trong tương lai, trở thành một xu hướng nghề nghiệp. Ngành nghề này đang thu hút nhiều bạn trẻ thử sức. Đặc biệt, khi làm việc trong ngành F&B, bạn sẽ nhận được mức lương thưởng tương đối tốt. Vậy ngành này là gì, yêu cầu ra sao, cơ hội việc làm thế nào? Hãy theo dõi thông tin ngay ở phần dưới đây.
NGÀNH F&B LÀ GÌ? MÔN CHUYÊN NGÀNH RA SAO?
Ngành F&B (Food and Beverage) là loại hình dịch vụ kinh doanh ẩm thực, nhà hàng, ăn uống. Nơi cung cấp dịch vụ F&B phổ biến có thể kể đến là khách sạn và các đơn vị kinh doanh đồ ăn thức uống độc lập như nhà hàng, quán café, quán ăn,… Riêng với lĩnh vực kinh doanh khách sạn, F&B là một trong những yếu tố mang lại nguồn doanh thu cao nhất, bên cạnh dịch vụ thuê phòng lưu trí, bởi tốc độ phát triển cũng như tỷ suất lợi nhuận mà nó mang lại.
Hiện nay, dịch vụ F&B được chia thành 3 nhóm chính:
- Phục vụ tại bàn (Waiter service): Thực khách được nhân viên phục vụ ngay tại bàn ăn.
- Tự phục vụ (Self service): Khách hàng được phục vụ một phần bữa ăn tại bàn và tự phục vụ đối với một số món ăn, thức uống tự chọn.
- Phục vụ hỗ trợ (Assisted service): Khách được phục vụ một phần bữa ăn tại bàn và tự phục vụ đối với một số món ăn, thức uống tự chọn.
Các bạn cần phân biệt ngành dịch vụ là một khái niệm tổng quan, trong khi đó, F&B là một chuyên ngành, phân hệ nhỏ trong ngành dịch vụ, có nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu ăn uống của khách hàng. Sinh viên theo đuổi ngành F&B sẽ có những trải nghiệm thú vị khi xây dựng kiến thức về các loại rượu, bia, cocktail và nghệ thuật ăn uống. Ngoài ra, kiến thức trong ngành này rất thực tế. Chẳng hạn, bạn sẽ được học các môn như:
- Nghiệp vụ cơ bản trong ngành dịch vụ.
- Quản trị đa văn hóa.
- Tính toán chi phí thực phẩm và nguyên liệu.
- Thiết kế thực đơn.
- Cách bố trí không gian - ẩm thực.
- Lập kế hoạch tài chính.
Đặc thù của ngành F&B là yêu cầu sinh viên nắm được quá trình vận hành dịch vụ ăn uống tại nhà hàng. Và hiểu rõ những vấn đề trong thực phẩm, chẳng hạn như nguồn cung ứng thực phẩm địa phương, thực pahẩm hữu cơ. Ngoài ra, chương trình đào tạo còn khơi dậy tiềm năng về sự tinh tế khi chế biến và phục vụ các món ăn, cũng như đòi hỏi sự chăm chỉ, nắm vững lý thuyết và tập trung đầu tư vào sản phẩm phục vụ đến khách hàng.
YÊU CẦU ĐỐI VỚI NGƯỜI LÀM TRONG NGÀNH F&B VÀ CƠ HỘI VIỆC LÀM
Để làm việc trong ngành F&B, bạn cần đáp ứng những yêu cầu sau:
- Được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ bài bản.
- Có kinh nghiệm thực tế.
- Có sức khỏe tốt, có thể làm việc liên tục trong thời gian dài.
- Tác phong làm việc chuyên nghiệp, nghiêm túc và nhanh nhẹn.
- Luôn giữ vệ sinh sạch sẽ, nhất là đôi bàn tay.
- Giữ thái độ thân thiện, vui vẻ với khách hàng và hòa đồng với đồng nghiệp.
Theo nghiên cứu ngành thực phẩm tại Việt Nam, ngành F&B có xu hướng gia tăng nhanh chóng. Chính sự phát triển mạnh mẽ ấy đã kéo theo nhu cầu nhân lực tăng cao. Từ những vị trí không yêu cầu nhiều kinh nghiệm như thu nhân, tiếp tân, nhân viên phục vụ,… Đến những vị trí có nhiều kinh nghiệm như: Đầu bếp, người quản lý, bartender,… đều được các doanh nghiệp tuyển dụng liên tục.
Thực tế cho thấy, những việc làm ngắn hạn trong ngành F&B là công việc dễ tìm kiếm nhất hiện nay. Do đó, nếu bạn yêu thích môi trường làm việc trẻ trung, năng động và nhiều thử thách thì những việc làm trong ngành F&B hoàn toàn phù hợp.
TRƯỜNG NÀO ĐÀO TẠO NGÀNH F&B, MỨC LƯƠNG THƯỞNG THẾ NÀO?
Nếu muốn làm việc trong ngành F&B, bạn có thể học chuyên ngành Quản lý nhà hàng, quản lý khách sạn tại các trường Đại học sau: Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Thương Mại, Đại học Ngoại Thương, Đại học RMIT, Cao đẳng Du lịch Hà Nội, Cao đẳng Du lịch và Công thương, Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội,…
Mức lương của ngành F&B được đánh giá khá cao so với mặt bằng chung. Cụ thể như sau:
- Tổng thu nhập cấp Quản lý điều hành nhà hàng khách sạn dao động từ 12 – 50 triệu đồng/tháng.
- Tổng thu nhập của nhân viên bếp/phụ bếp dao động từ 6 – 25 triệu đồng/tháng.
- Tổng thu nhập vị trí nhân viên ẩm thực/bàn/bar dao động từ 8 – 12 triệu đồng/tháng.