Một ngân hàng tăng hơn 40% thu nhập cho nhân viên trong quý I

Chia sẻ Facebook
18/05/2022 23:47:34

Không chỉ tăng lương, ngân hàng này cũng tăng tuyển dụng trong 3 tháng đầu năm.

Số liệu từ báo cáo tài chính hợp nhất quý I của Kienlongbank cho thấy, thu nhập bình quân nhân viên trong 3 tháng đầu năm ở mức 20 triệu đồng/tháng, tăng gần 43% so với cùng kỳ 2021.

Riêng tại ngân hàng mẹ, thu nhập bình quân cũng tương đương mức trung bình cả hệ thống là 20 triệu đồng, tăng gần 43%.


Như vậy, bình quân mỗi nhân viên Kienlongbank có thu nhập 60 triệu đồng trong quý I/2022.

Nguồn: BCTC Kienlongbank


Trong 3 tháng đầu năm, lượng nhân sự làm việc trên toàn hệ thống Kienlongbank dao động quanh mức 3.402 người, tăng 200 người so với cùng kỳ 2021 (tương đương hơn 6%). Riêng lượng nhân sự làm việc tại ngân hàng mẹ là 3.227 người, tăng 212 nhân sự.

Về kết quả kinh doanh, lợi nhuận trước thuế Kienlongbank đạt 127 tỷ trong quý I. Theo giải trình của KienlongBank, lợi nhuận quý 1 năm nay thấp hơn là do trong quý I/2021, ngân hàng phát sinh khoản thu nhập từ việc thu hồi nợ gốc và lãi phải thu của các khoản vay có tài sản đảm bảo là cổ phiếu của Sacombank theo phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đã được NHNN phê duyệt. Mất đi các khoản thu nhập đột biến nói trên khiến lợi nhuận ngân hàng sụt giảm.

Tại thời điểm 31/3/2022, tổng tài sản của ngân hàng đạt 80.844 tỷ đồng; Dư nợ cho vay khách hàng ở mức 36,2 nghìn tỷ; Tiền gửi khách hàng 52.419 tỷ đồng. Nợ xấu nội bảng của ngân hàng tăng nhẹ 25 tỷ lên 751 tỷ vào cuối tháng 3, chiếm 2,08% trên tổng dư nợ cho vay khách hàng.

Trước đó, Kienlongbank ghi nhận kết quả những con số ấn tượng trong năm 2021 với lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt hơn 1.010 tỷ đồng, cao gấp 6,4 lần năm trước. Ngân hàng đã hoàn thành 101% kế hoạch đề ra và đánh dấu mốc lần đầu tiên lợi nhuận vượt mức 1.000 tỷ đồng.

Tính đến ngày 31/12/2021, tổng tài sản của KienlongBank tăng 46% so với đầu năm lên mức hơn 83.822 tỷ đồng. Cho vay khách hàng tăng 10% lên hơn 38.387 tỷ đồng. Tiền gửi của khách hàng tăng 22,3% so với đầu năm khi đạt 51.397 tỷ đồng, trong đó tiền gửi không kỳ hạn (CASA) có mức tăng ấn tượng hơn 5 lần so với mốc báo cáo năm trước.

Đáng chú ý, tỷ lệ nợ xấu toàn hàng giảm xuống dưới 2% nhờ xử lý dứt điểm các khoản cho vay có tài sản bảo đảm là cổ phiếu Sacombank.


Theo Quốc Thuỵ

Nhịp sống kinh tế

Chia sẻ Facebook