Một 'mỏ vàng' lớn tới 310 tỉ USD, cần có chính sách tự chủ ngành này
Việt Nam cần có định hướng chính sách để phát triển mạnh ngành luyện kim, vật liệu, đặc biệt là các loại thép chế biến, chế tạo để phục vụ việc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tự chủ nguyên liệu.
Bộ Công thương vừa có báo cáo gửi Thủ tướng đề xuất xây dựng Chiến lược phát triển ngành thép Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, dự báo tổng nhu cầu thị trường các ngành chế tạo của Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 có thể đạt tới 310 tỉ USD.
Do đó, đây sẽ là thị trường rất lớn cho ngành thép trong nước - đặc biệt là các loại thép chế tạo, thép hợp kim chất lượng cao phục vụ các ngành công nghiệp chế tạo.
Đơn cử, nhu cầu thị trường từ cơ khí phục vụ công trình công nghiệp là 120 tỉ USD; cơ khí phục vụ xây dựng, nông nghiệp, chế biến là 15 tỉ USD; thiết bị tiêu chuẩn là 10 tỉ USD; giao thông đường sắt là 35 tỉ USD; tàu điện ngầm là 10 tỉ USD và ôtô là 120 tỉ USD.
Đặc biệt đặt trong bối cảnh Việt Nam cần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ngành thép có vai trò then chốt, quan trọng đối với tiến trình này, nên việc t ự chủ về sản xuất thép trong nước là yêu cầu tất yếu. Việt Nam cần có định hướng chính sách để phát triển mạnh ngành luyện kim, vật liệu, đặc biệt là các loại thép chế biến, chế tạo như HRC, thép hợp kim khi những sản phẩm này đa phần đều phải nhập khẩu.
Bộ Công thương dẫn chứng, ngoài các khu liên hợp gang thép của Hòa Phát - Dung Quất, Formosa đầu tư đầy đủ công đoạn luyện cốc, thêu kết, lò cao, lò thổi oxy, cán thép, thì đa phần các nhà máy thép đầu tư từ trước đều có quy mô vừa và nhỏ, dưới 500.000 tấn/năm, sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng, nên khả năng cạnh tranh thấp, gây ô nhiễm môi trường.
Đến năm 2021, năng lực sản xuất thép còn nhiều hạn chế, với sản xuất phôi là 27 triệu tấn/năm, gồm thép cuộn cán nóng (HRC) là 7-8 triệu tấn/năm. Các sản phẩm chưa thể cung cấp đủ nhu cầu thép cho toàn bộ nền kinh tế, khi chỉ thép xây dựng đảm bảo 100% nhu cầu, nhưng thép phục vụ ngành cơ khí là HRC mới chỉ đáp ứng một phần, còn lại phải nhập tới 10 triệu tấn/năm. Việt Nam cũng chưa sản xuất được thép hợp kim.
Bộ Công thương đánh giá, năng lực cạnh tranh của ngành thép Việt Nam khá thấp khi phần lớn các nguyên liệu đầu vào phải nhập khẩu. N guồn nguyên liệu cơ bản cũng phụ thuộc vào nhập khẩu. Đơn cử nguồn quặng sắt của Việt Nam có trữ lượng, tài nguyên dự báo là 1,3 tỉ tấn, nhưng chưa có chính sách để huy động sử dụng quặng sắt trong nước.
Về lâu dài để đảm bảo nhu cầu cần phải tiếp tục thu hút, đầu tư một số nhà máy liên hợp sản xuất lớn để phục vụ nhu cầu nội địa, giảm nhập khẩu. Do đó, Bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng giao bộ xây dựng Chiến lược phát triển ngành thép Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
"Việt Nam cần xây dựng các tổ hợp luyện kim có quy mô lớn, trong đó tập trung vào sản xuất các loại thép chế biến chế tạo có trình độ công nghệ, dung lượng thị trường lớn để bước đầu làm chủ công nghệ sản xuất các loại thép chế biến chế tạo cơ bản" - Bộ Công thương nêu quan điểm.
Việc đầu tư của các doanh nghiệp sẽ tập trung vùng duyên hải miền Trung, nơi có nhiều cảng nước sâu, có nguồn năng lượng tái tạo tương đối dồi dào (tiêu thụ năng lượng tại chỗ), quỹ đất còn nhiều và chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng thấp. Để thúc đẩy đầu tư, Nhà nước có các chính sách ưu đãi về đất đai, hạ tầng, khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực.
Tiêu thụ được 23 triệu tấn thép trong năm 2021, tăng 17% so với năm trước, ngành thép thu về 12,7 tỉ USD từ xuất khẩu, nhưng cũng chi đến 12,2 tỉ USD để nhập khẩu thép các loại.