Một mảnh thiên thạch nổ trên bầu trời New Zealand tương đương 1.800 tấn thuốc nổ TNT
Các thiên thạch 'dạo qua' New Zealand 3 hoặc 4 lần một năm. Tuy nhiên, quả cầu lửa từ mảnh thiên thạch bay qua bầu trời nước này tuần vừa qua là điều bất thường.
Video ghi lại cảnh mảnh thiên thạch nổ giữa ban ngày trên bầu trời New Zealand - Video: Curtis Powell
Theo truyền thông địa phương, vụ nổ mạnh tương đương 1.800 tấn thuốc nổ TNT và được vệ tinh của Mỹ chụp từ không gian vào tuần trước. Nó lớn đến nỗi được nghe thấy khắp các khu vực phía nam của quần đảo The North.
Các nhân chứng mô tả đó là một "quả cầu lửa màu cam sáng khổng lồ" và "một tia chớp để lại một vệt khói lơ lửng trong vài phút".
"Quả cầu lửa" này rất có thể do một thiên thạch nhỏ, đường kính vài mét, bay ngang qua bầu khí quyển của Trái đất gây ra, theo The Conversation .
New Zealand từng ghi nhận 9 thiên thạch rơi xuống. Gần đây nhất là thiên thạch Auckland đâm xuyên qua mái nhà ở thị trấn Ellerslie vào năm 2003. Phân tích của các nhà khoa học cho thấy nó thuộc nhóm chondrite thông thường và là một phần của một tiểu hành tinh nhỏ chỉ trẻ hơn Mặt trời một chút.
Trái đất chủ yếu "đón" các thiên thạch từ vành đai tiểu hành tinh, Mặt trăng và sao Hỏa. Chúng bao gồm những loại chỉ có thể nhìn thấy bằng kính hiển vi đến những loại khổng lồ, như thiên thạch rộng khoảng 10km khiến loài khủng long tuyệt chủng cách đây 65 triệu năm.
Tuy nhiên h ầu hết thiên thạch đi qua Trái đất đều rất nhỏ, tạo ra những "ngôi sao băng" chỉ lướt qua bầu khí quyển trong một thời gian ngắn.
Năm 2021, mạng cầu lửa UKFall đã ghi lại được cảnh quay một "quả cầu lửa" khổng lồ do thiên thạch lướt qua miền nam nước Anh. Mảnh vỡ thiên thạch sau đó được tìm thấy trên một con đường ở Winchcombe, hạt Gloucestershire và hiện đang được trưng bày trong Bảo tàng Lịch sử tự nhiên ở London, là một loại cực kỳ hiếm trên Trái đất.
Thiên thạch là mỏ vàng của khoa học. Một số chứa vật chất từ trước khi Mặt trời hình thành, cho chúng ta biết về lịch sử hình thành đĩa hành tinh của Mặt trời trẻ, khi bụi lưu thông xung quanh nó bắt đầu tụ lại thành những tảng đá lớn hơn và cuối cùng là các hành tinh.
Các thiên thạch trên Mặt trăng cho thấy Mặt trăng có nguồn gốc từ vụ va chạm của một hành tinh nhỏ với Trái đất.
Nếu một thiên thạch được camera ghi lại, các nhà khoa học có thể tính toán quỹ đạo của nó và định vị nó.
Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết một thiên thạch nhỏ đã va vào kính viễn vọng không gian James Webb, làm biến dạng một trong những tấm gương của kính song không ảnh hưởng đến lịch trình quan sát dự kiến.