Một góc London: 20 năm kiên định bảo vệ chính nghĩa và kêu gọi lương tri
Một góc London: 20 năm kiên định bảo vệ chính nghĩa và kêu gọi lương tri
Thứ tư, 20/07/2022
Tại một góc nhỏ ở London, trước cửa Viện Kiến trúc Hoàng Gia Anh (địa chỉ: 66 Portland Palace), đối diện Đại sứ quán Trung Quốc, chúng ta không khó để bắt gặp những con người ngồi tĩnh tọa, bên cạnh là tấm bảng thông tin ghi dòng chữ to bằng 2 ngôn ngữ Anh – Trung với nội dung: “Chấm dứt cuộc bức hại Pháp Luân Công”
và “Nội tạng bị cưỡng bức thu hoạch và bán để kiếm tiền”
Thấm thoát 20 năm đã trôi qua kể từ ngày 5/6/2002, hơn 100 học viên Pháp Luân Công liên tục thay phiên nhau thỉnh nguyện trong ôn hòa, tịch mịch, không ngừng nghỉ dù chỉ 1 ngày. Họ vẫn đứng vững mặc cho gió tuyết mưa giông, quấy nhiễu từ phía Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cũng như phản ứng trái chiều của những người đi đường.
Bà Yudong Gao (Cao Úc Đông), 60 tuổi, đến từ Trung Quốc, hiện đang làm kế toán tại Anh, là người dành nhiều thời gian nhất cho hoạt động kể trên. “Thật không thể tin được là chúng tôi đã làm công việc này trong ngần ấy năm. Chính quyền ĐCSTQ đàn áp Pháp Luân Công suốt ngày đêm. Không phải chúng ta nên liên tục trực 24 giờ sao?” , bà chia sẻ. Quả thật, làm việc này trong vài ngày thì dễ, nhưng có thể duy trì nhiều năm tới vậy thì thực sự không đơn giản chút nào.
Mới đây, phóng viên của Trí Thức VN có mặt tại London đã có cuộc trò chuyện với bà Cao, từ đó được nghe người phụ nữ kiên định phi thường này chia sẻ về câu chuyện bảo vệ chính nghĩa và kêu gọi lương tri mà bản thân bà cùng các học viên Pháp Luân Công khác đã trải nghiệm trong suốt 20 năm qua.
Cơ duyên tu luyện Pháp Luân Công và chuyến đi định mệnh đến Anh Quốc
Được biết, bà Cao là người điều phối chính của hoạt động thỉnh nguyện ôn hòa đối diện Đại sứ quán Trung Quốc bắt đầu vào 20 năm trước. Bà cho hay rằng một trong những thử thách lớn nhất của mình là làm thế nào chia ca trực để đảm bảo việc thỉnh nguyện không bị gián đoạn vào bất cứ lúc nào, bởi hầu hết mọi người đều phải đi học, đi làm và có công việc riêng. Bà thường nhận trực vào buổi đêm, sáng hôm sau chỉ rửa mặt và đi thẳng tới chỗ làm. Ngoài ca trực của riêng mình, nếu các khoảng thời gian khác không có ai trực, bà Cao sẽ thu xếp để trực ca đó.
Xin hỏi bà bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công từ khi nào?
Tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1996 khi còn ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Tôi biết pháp môn này thông qua người mẹ của mình. Bà là bác sĩ châm cứu nhưng sức khỏe của bà không tốt và không thể tự chữa khỏi bệnh cho bản thân mình. Gia đình tôi đã trải qua thời kỳ Đại Cách mạng Văn hóa đầy khắc nghiệt do ĐCSTQ phát động. Bố của tôi công tác trong trường đại học, bị chính quyền đàn áp sau khi liệt ông vào “phần tử trí thức” . Tại thời điểm đó, mẹ của tôi chịu rất nhiều áp lực và sức khỏe của bà bị sa sút. Bà đã thử rất nhiều môn thiền định tại Trung Quốc nhưng không thực sự giải quyết được vấn đề. Vào năm 1996, mẹ tôi có cơ hội biết đến Pháp Luân Công và môn tu luyện này đã giúp tình trạng của bà được cải thiện rõ rệt, cả về sức khỏe và tâm tính. Các mối quan hệ trong gia đình cũng trở nên tốt đẹp hơn.
Sau đó, bà giới thiệu Pháp Luân Công cho tôi, nói rằng môn tu luyện này rất tốt và khuyên tôi nên tu luyện Pháp Luân Công. Lúc ấy, tôi nói với mẹ rằng mình vẫn còn trẻ và tôi sẽ tu luyện khi về hưu. Mẹ tôi nói rằng: “Môn này rất tốt, càng tu luyện sớm thì càng thu được nhiều lợi ích, vì lẽ đó, con nên bắt đầu ngay từ giờ” . Và tôi đã nghe theo lời khuyên của bà. Khi ấy, con trai tôi mới 5 tuổi và chúng tôi đã cùng nhau bắt đầu tu luyện.
Năm 1996, mẹ tôi là người đầu tiên trong vùng tu luyện Pháp Luân Công. Năm 1999, tức là chỉ 3 năm sau, số người tu tập môn này đã lên thành 2.000 người, và điều tương tự cũng diễn ra tại các nơi khác ở Trung Quốc. Mọi người cảm thấy rằng họ được cải thiện cả về thể chất lẫn tinh thần. Môn tu luyện được lan rộng rất nhanh chóng, không phải thông qua quảng cáo trên các phương tiện truyền thông mà mọi người tự giới thiệu cho nhau. Như trong trường hợp của tôi, mẹ tôi giới thiệu cho tôi, chồng tôi, con trai, bố tôi… Chính điều này đã khiến cho ĐCSTQ cảm thấy sợ hãi rằng Pháp Luân Công sẽ đe dọa chính quyền nhưng sự thật hoàn toàn không phải vậy.
Pháp Luân Công dạy con người sống dựa trên nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn. ĐCSTQ sợ rằng các nguyên lý này sẽ phơi bày mặt xấu của chính quyền. Nếu mọi người đều có thể hiểu rõ chân tướng thì ĐCSTQ sẽ không thể nắm quyền được nữa. Nhiều người Trung Quốc đang chịu ảnh hưởng của thông tin sai lệch ở trong nước. Họ rất lo ngại khi nghe nói về Pháp Luân Công.
Bà có thể chia sẻ về lý do vì sao bà có mặt ở đây và làm công việc này trong thời gian lâu như vậy?
Mọi người không biết chuyện gì đang xảy ra ở Trung Quốc nên tôi có trách nhiệm cố gắng chấm dứt cuộc bức hại này. Tôi có thể gặp rắc rối nếu lên tiếng, nhưng tôi biết rằng những gì mình đã làm là không sai.
“Tôi từng mơ ước được đi du học từ khi còn trẻ. Và rồi cơ hội đã đến. Tôi nhận được học bổng thạc sĩ từ một ngôi trường của Anh Quốc. Thật may mắn bởi tôi đã có mặt tại Anh vào tháng 9/1999, chỉ 2 tháng sau khi ĐCSTQ bắt đầu tiến hành cuộc bức hại Pháp Luân Công từ ngày 20/7/1999 và nó vẫn đang diễn ra cho đến tận hôm nay. Chúng tôi sẽ tiếp tục nói rõ sự thật về Pháp Luân Công chừng nào cuộc bức hại còn chưa kết thúc”.
Trên thực tế, chúng tôi thực hiện công việc này đều đặn mỗi ngày trong suốt 24 giờ kể từ tháng 6/2002, tức khoảng 20 năm trước. Lúc đầu, chúng tôi chỉ làm vào buổi sáng từ thứ 2 đến thứ 6. Người đầu tiên tham gia là một vị đến từ Scotland. Khi người này nghe được thông tin về cuộc bức hại bắt đầu diễn ra ở Trung Quốc, cũng như sự kiện các học viên Pháp Luân Công đến quảng trường Thiên An Môn để thỉnh nguyện , ông ấy đã nói rằng mình cũng nên thực hiện việc thỉnh nguyện, với mục đích gửi đến một thông điệp cho chính phủ Trung Quốc rằng mọi người đều có nhân quyền cũng như quyền tự do tín ngưỡng. Khi nghe về điều đó, tôi đã rất cảm kích và tham gia cùng ông. Lúc ấy, tôi đang học thạc sĩ tại Anh Quốc. Tôi biết mình có thể luyện công 2 giờ trong buổi sáng tại điểm thỉnh nguyện cùng với người này và những học viên khác. Vào thời điểm đó, chúng tôi chỉ có 1 tấm áp phích và để tờ rơi có ghi thông tin về cuộc bức hại ở gần đấy. Nếu trời mưa, thì mọi chuyện sẽ trở nên khó khăn, nên chúng tôi nghĩ rằng mình nên có một bảng thông tin vững chãi hơn.
Bà có thể chia sẻ một chút về những học viên Pháp Luân Công đến thỉnh nguyện tại nơi đây không?
Người lớn tuổi nhất tham gia hoạt động là 90 tuổi, trẻ nhất là 10 tuổi (chính là con trai bà Cao, tên Ben Chen, hiện cậu đã 30 tuổi, là vũ công lưu diễn quốc tế của Shen Yun – công ty hàng đầu về nghệ thuật truyền thống Trung Quốc – được thành lập tại New York vào năm 2006. Hàng năm, cậu vẫn thường từ Mỹ trở về Anh Quốc để thăm gia đình cũng như thực hiện hoạt động thỉnh nguyện trước Đại sứ quán Trung Quốc). Họ đến từ nhiều tầng lớp khác nhau, làm những công việc khác nhau, từ nhà nghiên cứu cấp cao trong trường đại học cho đến sinh viên trẻ tuổi…
Xin bà kể lại những câu chuyện đáng nhớ trong quá trình thực hiện hoạt động này?
Có những thời điểm mà tưởng chừng như chúng tôi phải dừng việc thỉnh nguyện, nhưng mỗi lần như vậy, nhiều điều bất ngờ đã xảy ra và chúng tôi lại tiếp tục nó. Tôi còn nhớ vào một buổi tối khi chúng tôi đang thay tấm bảng thông tin về Pháp Luân Công đặt bên cạnh chỗ ngồi, thì một chiếc xe ô tô bỗng dưng đi ngang qua, người lái xe bên trong mở cửa kính và nói với chúng tôi rằng: “Này, mọi người định rời đi đó à? Tại sao lại đi chứ? Các bạn phải làm cho đến cùng chứ!”
Đoạn clip ghi lại cảnh bà Cao vẫn một mình tĩnh tọa, thỉnh nguyện ôn hòa trước Đại sứ quán Trung Quốc vào buổi đêm dưới cơn mưa tầm tã:
Có lần, tôi nhớ đó là vào một ngày đông, có một vị cảnh sát đứng ở trước cửa Đại sứ quán Trung Quốc, trong khi tôi đang luyện công bên này, thì viên cảnh sát đó băng qua đường và nói với tôi rằng: “Ồ, tôi có thể cảm nhận được năng lượng phát ra từ bà, ngay cả khi tôi đứng ở bên kia. Trước đó, một người bạn đã từng nói với tôi về Pháp Luân Công. Tôi sẽ tìm hiểu để biết thêm về môn này khi về nhà, và có thể một ngày nào đó, tôi cũng sẽ tu luyện Pháp Luân Công” .
Lần khác, có một cậu thanh niên trẻ tuổi bước đến phía tôi và nói: “Khi đi ngang qua đây mỗi ngày, cháu không biết mọi người đang làm gì ở đây, nhưng cháu đã đọc bảng thông tin về Pháp Luân Công, về Chân – Thiện – Nhẫn. Khi lớn lên, cháu đã nghĩ nhiều hơn về ý nghĩa nhân sinh của cuộc đời. Cháu cảm thấy chán ngán với lối sống buông thả như hút thuốc, rượu bia, tiệc tùng bởi những thứ đó không mang lại điều gì tốt đẹp cho cháu. Nhưng ngày hôm đó, cháu cảm thấy thật tuyệt vời khi mình đã giúp đỡ một cụ bà lên xe buýt. Vào khoảnh khắc ấy, 3 từ Chân – Thiện – Nhẫn xuất hiện trong cuộc sống của cháu. Cháu cảm thấy cuộc sống này thật ý nghĩa. Cháu phải chạy đến đây để chia sẻ chuyện này với cô” . Tôi nghĩ rằng thế giới sẽ trở nên tốt đẹp hơn khi mọi người trở nên tử tế hơn. Xã hội sẽ trở nên tốt đẹp hơn khi các mối quan hệ giữa người với người được cải thiện hơn. Đó quả thực là một xã hội tuyệt vời, mang đến lợi ích cho tất cả chúng ta.
Một hôm, trong giờ cao điểm vào buổi sáng, có một người đàn ông đã đến chỗ chúng tôi và ký vào đơn thỉnh nguyện. Tôi hỏi: “Anh có biết đây là gì không?” . Anh ấy trả lời: “Tôi biết mình đang làm gì, tôi hiểu rằng ĐCSTQ không phải là Trung Quốc” . Anh chỉ vào tòa nhà Đại sứ quán, và nói thêm rằng: “Nó không đại biểu cho Trung Quốc” .
Còn một chuyện nữa. Vào khoảng 2 giờ sáng, lúc đó tôi đang ở điểm thỉnh nguyện, tôi cảm nhận thấy có một ai đó đang đứng trước mặt mình. Tôi hỏi: “Bạn có biết tại sao chúng tôi ở đây không?” Cô đáp: “Có, tôi biết về Pháp Luân Công” . Sau đấy, chúng tôi đứng ra một góc và nói chuyện với nhau. Lúc này, một thanh niên trẻ tuổi đi xe đạp tiến đến, tôi liền đưa cho cậu tờ đơn thỉnh nguyện để yêu cầu chấm dứt cuộc bức hại ở Trung Quốc. “Ồ, không, cháu đã ký vào đơn thỉnh nguyện rồi. Cháu đi ngang qua đây mỗi ngày mà. Luôn có người trực ở đây, nhưng sao hôm nay lại không có ai? Cuộc bức hại đã kết thúc rồi sao? Nếu vậy cháu sẽ nói với những người bạn của mình rằng cuộc bức hại Pháp Luân Công tại Trung Quốc đã chấm dứt. Nếu không phải là vậy, thì cháu có thể ngồi đây thay cô”, cậu nói.
Thực hiện công việc này trong thời gian lâu như vậy, phải chăng đã không ít lần bà gặp phải đủ dạng người cũng như phản ứng trái chiều? Bà có cảm thấy việc mình làm là vô ích và phí thời gian không?
Có một lần vào buổi tối, khi tôi đang ở một mình tại địa điểm thỉnh nguyện, thì một người đàn ông Trung Quốc bước ra từ Đại sứ quán và bất ngờ ném thẳng một cốc rượu vào tôi từ phía sau. Ngoài ra, anh ta cũng đá tôi khá mạnh. Tôi quay lại và bình tĩnh hỏi: “Tại sao anh lại làm như vậy?” Người đàn ông này đã hét vào mặt tôi. Tôi lập tức đứng dậy và gọi nhân viên cảnh sát đang làm nhiệm vụ ở phía bên kia đường, đồng thời chạy tới chỗ cảnh sát. Người đàn ông đã chạy theo và đánh vào đầu tôi, khiến tôi loạng choạng gần như ngã xuống đất. Sau đó, nhân viên cảnh sát đã đến khống chế người đàn ông kia và bắt anh ta ngay lập tức. Toàn bộ sự việc này đã được ghi lại bởi camera 24 giờ của Viện Kiến trúc Hoàng gia Anh và cảnh sát London đã giữ đoạn video làm bằng chứng.
Tôi không biết người đàn ông đó, cũng như không có bất kì mâu thuẫn nào với anh này. Tại sao lại tấn công tôi, một người phụ nữ đang ngồi tĩnh tọa? Tôi nghĩ rằng người đàn ông đã bị lừa dối bởi tuyên truyền của ĐCSTQ như việc chính quyền dàn dựng vụ tự thiêu giả ở quảng trường Thiên An Môn, từ đó hiểu sai về giá trị Chân – Thiện – Nhẫn và nảy sinh sự thù hận với các học viên Pháp Luân Công. Không chỉ có vậy, ĐCSTQ còn ra tay đàn áp một cách tàn độc đối với các học viên Pháp Luân Công bằng hàng trăm thủ đoạn tra tấn khủng khiếp.
Nhiều người đã hỏi tôi rằng: “Bà có nghĩ việc này phát huy tác dụng hay không? Bà ngồi đây, ngày lẫn đêm, không nhiều người chú ý tới (đặc biệt là khi đêm về), đối diện với thời tiết không phải lúc nào cũng dễ chịu, vậy sao bà vẫn tiếp tục làm?” Thực ra, tôi luôn nhớ lý do tại sao mình ở đây, rất đơn giản, đó là để phát đi thông điệp đến ĐCSTQ, yêu cầu chấm dứt cuộc bức hại Pháp Luân Công. Chúng tôi nhận ra rằng đây là cơ hội để nói với mọi người (trên toàn thế giới nói chung và cộng đồng người Anh nói riêng) sự thật về Pháp Luân Công, tại sao ĐCSTQ bức hại Pháp Luân Công. Tôi nghĩ rằng việc thỉnh nguyện trong 24 giờ ở đây sẽ giúp cho thông điệp của chúng tôi trở nên mạnh mẽ hơn, giúp mọi người có nhiều cơ hội hơn để tìm hiểu về Pháp Luân Công, vẻ đẹp của môn tu luyện này cũng như cuộc bức hại đang xảy ra tại Trung Quốc. Ngoài ra, chúng tôi đã nhận được rất nhiều sự động viên, ủng hộ, đồng thời cộng đồng cũng chú ý hơn về việc chúng tôi đang làm và nhận thức được những gì đang diễn ra ở Trung Quốc. Điều này giúp chúng tôi hiểu rằng những việc mình làm thực sự phát huy tác dụng.
Khi mọi người đi ngang qua, họ thấy chúng tôi đang tĩnh tọa ôn hòa trong một thời gian dài, họ sẽ cảm nhận được rằng Pháp Luân Công là như thế nào và sẽ muốn biết lý do tại sao chúng tôi lại ở đây. Và đây chính là cơ hội để chúng tôi có thể nói lên sự thật về cuộc bức hại, về những hành vi tra tấn, sát hại, thu hoạch nội tạng của các học viên Pháp Luân Công đang diễn ra ở Trung Quốc. Đó cũng là lúc mà chúng tôi nhắc nhở bản thân mình rằng nên tiếp tục công việc để cho nhiều người hơn nữa biết về môn tu luyện này, đồng thời kêu gọi lương tri cũng như sự ủng hộ từ phía cộng đồng.
Môn tu luyện Pháp Luân Công giúp tôi trở nên kiên định hơn, mạnh mẽ hơn cả về tinh thần và thể chất để có thể vượt qua được những thời điểm khó khăn. Mọi người có thể nghĩ rằng có nhiều lúc thời tiết rất không thuận lợi. Nhưng bạn biết không, khi tu luyện Pháp Luân Công, chúng tôi sẽ cảm thấy thân thể khỏe mạnh, bình yên trong tâm hồn và không bị ảnh hưởng bởi những tác động bên ngoài. Tôi nghĩ rằng đó là lý do tại sao chúng tôi vẫn có thể ở đây để nói lên sự thật về cuộc bức hại vẫn đang tiếp diễn tại Trung Quốc.
Có nhiều người đã hỏi khi nào chúng tôi dừng việc này lại? Chúng tôi luôn trả lời rằng, cho đến khi cuộc bức hại chấm dứt.
Công việc thỉnh nguyện ôn hòa này sẽ không bị gián đoạn dẫu chỉ là 1 ngày. Tôi thường nói cho mọi người biết rằng nhiều học viên Pháp Luân Công đã bị giết để thu hoạch nội tạng trên quy mô lớn tại Trung Quốc. ĐCSTQ đã thực hiện những hành vi vi phạm nhân quyền, không quan tâm đến mạng sống của bất kì ai, lừa dối cả thế giới và dẫn đến việc nhiều người tử vong . Chúng tôi nghĩ rằng điều quan trọng là phải cho mọi người biết được bản chất tà ác của ĐCSTQ để có thể tránh xa tổ chức này cũng như mối hiểm họa do nó gây ra, nhờ đó mà được bình an.
Cảm ơn bà đã tham gia cuộc trò chuyện!
Vì sao ĐCSTQ bức hại Pháp Luân Công trong suốt 23 năm qua và vẫn tiếp diễn cho đến ngày nay?
Pháp Luân Công (còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp) được Đại Sư Lý Hồng Chí truyền xuất ra vào năm 1992 và đã trở thành một hiện tượng nổi bật ở Trung Quốc Đại Lục thời bấy giờ, đi đâu cũng có thể nghe người ta bàn tán và nói về Pháp Luân Công. Đây là một tu luyện tinh thần bao gồm 5 bài công pháp chậm rãi và các bài giảng giúp con người cải thiện tâm tính cũng như thể chất dựa trên nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn tới hiện tượng người Trung Quốc say mê tập luyện Pháp Luân Công và tại sao môn tu luyện mang đến rất nhiều lợi ích về thân lẫn tâm như vậy lại bị ĐCSTQ tiến hành đàn áp và bức hại không ngừng nghỉ trong suốt 23 năm qua?
Trên thực tế, Pháp Luân Công dạy con người sống chiểu theo nguyên lý “Chân – Thiện – Nhẫn” trong cuộc sống hàng ngày, từ suy nghĩ cho đến hành vi. Môn tu luyện ôn hòa này không sử dụng hình thức tôn giáo để phổ cập phương pháp tu luyện của mình, không có hình thức như chùa chiền, chức sắc, mà dùng hình thức khí công, gọi người đến học và thực hành là học viên. Môn pháp chú trọng tu tâm tính, cho phép học viên tu luyện giữa đời thường, nhấn mạnh phù hợp tối đa với đời sống bình thường, không ăn chay, không nhịn ăn, không cần xuất gia, nhấn mạnh học viên không theo đuổi các hình thức tôn giáo cũ, cũng không được làm những sự việc khác thường như từ bỏ gia đình hay công việc. Người học cần theo đuổi một lối sống lành mạnh, không uống rượu, không hút thuốc, giữ gìn giới hạn nam nữ truyền thống, giữ gìn đạo đức hôn nhân. Học viên cần bắt đầu từ chỗ làm người tốt nơi xã hội người thường, rồi dần dần tốt hơn nữa, tốt hơn nữa, thăng hoa đến cảnh giới đạo đức cao thượng.
Sự xuất hiện của Pháp Luân Công tạo ra rung động lớn trong xã hội Trung Quốc bấy giờ, thu hút gần như toàn bộ giới khí công theo học. Đơn cử như trong các sự kiện khí công như Hội sức khỏe Đông phương lần thứ nhất và lần thứ 2, người ta đã xếp hàng dài đợi từ sáng đến chiều chỉ để chờ vào quầy Pháp Luân Công. Rất nhanh chóng, chỉ trong 7 năm truyền bá, đài truyền hình nhà nước đã khảo sát và cho biết có khoảng từ 70 đến 100 triệu người theo học Pháp Luân Công. Tính đến nay, môn tu luyện đã được phổ truyền rộng rãi tại hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Chính vì những điều trên, ĐCSTQ cảm thấy sợ hãi trước Pháp Luân Công. Số lượng người theo tập quá đông, ngang với số Đảng viên ĐCSTQ. Mức độ phổ biến quá nhanh, với phương thức người truyền người, tâm truyền tâm, chỉ 7 năm đã đạt tới con số mà ĐCSTQ phải mất 50 năm mới đạt được. Vậy nên, vào ngày 20/7/1999, cựu lãnh đạo ĐCSTQ là ông Giang Trạch Dân đã ra lệnh Pháp Luân Công trên toàn quốc thông qua chính sách “ bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính, hủy hoại thân thể”. Không dừng lại ở đó, ngày 10/6/1999, ông Giang Trạch Dân còn hạ lệnh thành lập “Phòng 610” – một tổ chức chịu trách nhiệm đàn áp Pháp Luân Công, có quyền hạn vượt trên mọi quy định của pháp luật và không chịu bất cứ hạn chế nào.
Cũng cần nhắc lại rằng, trong cuộc Đại Cách mạng Văn hóa cũng như hàng loạt các cuộc vận động, ĐCSTQ đã tìm mọi cách để thủ tiêu bằng được văn hóa truyền thống Trung Quốc, nhồi nhét văn hóa Đảng, cướp đi sinh mạng của hàng chục triệu người.
Dân số Trung Quốc lúc đó là khoảng 1,2 tỷ người. Theo thống kê, cứ khoảng 20 người thì có 1 người tập Pháp Luân Công. Người theo tu tập môn này đánh giá đúng sai dựa trên nguyên lý “Chân-Thiện-Nhẫn” . ĐCSTQ đã bắt đầu triều đại đỏ của mình bằng những lời dối trá về thiên đường trên mặt đất, nên tất nhiên là ĐCSTQ ghét “Chân” . ĐCSTQ đã duy trì quyền lực của mình thông qua việc đàn áp nhân dân, như những gì đã xảy ra trong cuộc thảm sát Thiên An Môn 1989, nên tất nhiên là ĐCSTQ ghét “Thiện” . ĐCSTQ đã nuôi dưỡng và sống bằng những cuộc đấu tranh chính trị một mất một còn bên trong nội bộ Đảng, nên tất nhiên là Đảng ghét “Nhẫn” . Có thể thấy rằng, “Chân-Thiện-Nhẫn” dạy người ta làm người tốt, tất nhiên sẽ là trở ngại cho việc duy trì văn hóa Đảng.
Cuộc đàn áp Pháp Luân Công đã chỉ ra sự đối lập cố hữu về bản chất của ĐCSTQ và văn hóa truyền thống Trung Quốc, và càng bộc lộ ra bộ mặt của ĐCSTQ. Trên thực tế, 70 – 100 triệu người dân vô tội bị đàn áp, con số này vượt qua dân số của một quốc gia. Hành vi thu hoạch nội tạng từ người sống mà ĐCSTQ thực hiện với người tập Pháp Luân Công cho thấy một sự thật rằng: ĐCSTQ là thế lực ma quỷ và tà ác nhất trên hành tinh này.
Anh Quốc chính thức hình sự hóa việc đồng lõa với tội ác thu hoạch tạng
Đầu tháng 5 vừa qua, một điều luật sửa đổi của Vương quốc Anh đã chính thức có hiệu lực , theo đó công dân nước này sẽ không được tới Trung Quốc để cấy ghép nội tạng dưới hình thức du lịch ghép tạng, đồng thời cũng cấm việc thương mại hóa du lịch ghép tạng tới các quốc gia khác trên thế giới. Việc sửa đổi luật này xuất phát từ những nỗ lực nhằm chấm dứt tội ác thu hoạch tạng từ tù nhân lương tâm tại Trung Quốc do ĐCSTQ hậu thuẫn.
Luật về Sức khỏe và Chăm sóc sức khỏe của Anh sửa đổi đã được thông qua vào ngày 28/4, trong đó quy định hình sự hóa việc công dân Anh tham gia dưới bất kỳ hình thức nào vào tội ác thu hoạch tạng hoặc buôn bán tạng. Điều đó có nghĩa là công dân Anh sẽ không được phép mua tạng để cấy ghép tại nước ngoài. Quy định trên được đưa ra nhằm mục đích ngăn chặn việc thương mại hóa nội tạng người, nhưng vẫn cho phép các công dân Anh tiếp nhận nội tạng được hiến tặng hợp pháp, không theo con đường thương mại.
Bộ trưởng Bộ Y tế Vương Quốc Anh Edward Argar cho biết các hành vi bị cấm bao gồm “việc trả tiền để được cung cấp nội tạng, tìm kiếm người sẵn sàng cung cấp nội tạng hoặc bắt đầu hay đàm phán bất kỳ thỏa thuận thương mại nào để cung cấp một cơ quan tạng” . Ông cũng cho hay rằng luật sửa đổi này sẽ “phát đi một tín hiệu rõ ràng rằng sự đồng lõa đối với các hành vi liên quan đến buôn bán nội tạng ở nước ngoài sẽ không được dung thứ” . Ngay cả các công ty Anh tham gia vào bất cứ công đoạn nào (dù gián tiếp hay trực tiếp) trong quá trình này đều sẽ phải đối mặt với những rủi ro về mặt pháp lý.
Sự thay đổi lập pháp nêu trên là kết quả của những nỗ lực trong nhiều năm từ một số nghị sĩ Anh, với mục tiêu chủ yếu là giúp chấm dứt nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc, cũng như ngăn chặn công dân Anh trở thành người đồng lõa trong tội ác này.
Thu hoạch nội tạng là hành vi mổ lấy nội tạng của một người còn sống hoặc đã tử vong mà không có sự đồng ý từ trước của họ. Tội ác này hiện đang diễn ra trên quy mô lớn tại Trung Quốc, trong hệ thống nhà tù và trại tập trung, nơi chính quyền ĐCSTQ sử dụng tù nhân lương tâm còn sống làm nguồn thu hoạch nội tạng. Tù nhân lương tâm là các tù nhân không vi phạm pháp luật, bị bắt giữ chỉ vì quan điểm chính trị, sắc tộc hoặc tín ngưỡng của bản thân.
Mổ lấy nội tạng tử tù: Toàn văn lời “thú tội” của một bác sĩ phẫu thuật Trung Quốc:
Theo ước tính của các nhà hoạt động nhân quyền và các báo cáo điều tra độc lập, ngành công nghiệp cưỡng bức thu hoạch nội tạng tại Trung Quốc thu về khoảng 1 tỷ USD/năm, với số nạn nhân là từ 60.000 đến 100.000 người/năm, theo tờ Daily Mail .
Vào tháng 6/2019, một tòa án nhân dân độc lập có trụ sở tại Anh đã đưa ra kết luận như sau: “Việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ tù nhân lương tâm đã được thực hiện trên quy mô lớn, trong một thời gian dài, dẫn tới số lượng nạn nhân rất lớn” , và “người tập Pháp Luân Công là một nhóm nạn nhân, và có thể là nguồn cung cấp tạng chính cho hoạt động này”.
Kiên định trên con đường bảo vệ chính nghĩa và nói lên sự thật
Đã 23 năm trôi qua kể từ khi cuộc đàn áp bắt đầu, những người tập Pháp Luân Công trên toàn thế giới vẫn tiếp tục phơi bày, vạch trần tội ác của ĐCSTQ một cách ôn hòa nhất có thể, từ việc phát tờ rơi, xuất hiện trên truyền thông cho đến lặng lẽ thỉnh nguyện. Họ có thể từ bỏ lợi ích cùng cuộc sống cá nhân thoải mái để làm việc nhân nghĩa, kêu gọi lương tri và đem đến những điều tốt đẹp cho người khác. Ở nhiều điểm du lịch trên khắp thế giới, chúng ta có thể nhìn thấy họ. Trên sân khấu, trong triển lãm ảnh, thông qua nghệ thuật truyền thống, họ bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc cũng như những khó khăn mà mình phải chịu đựng. Đối với các học viên Pháp Luân Công, những cố gắng đó không chỉ nhằm mục đích vạch trần bức hại mà còn để bày tỏ đức tin của họ vào giá trị Chân – Thiện – Nhẫn.
Tại các quốc gia tự do như Anh, Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan, những hoạt động dân sự kể trên là hết sức bình thường và phổ biến. Tuy nhiên, tại các nước độc đảng như Trung Quốc, trong môi trường có tính chất phong bế, người ta có thể khó lý giải được điều này. Vì sao cứ phải nói về cuộc đàn áp, vì sao cứ phải phơi bày ĐCSTQ, vì sao không tự tập luyện ở nhà cho khỏe người? Họ thường đặt ra những câu hỏi kiểu như thế. Kỳ thực, người tập Pháp Luân Công xem đây là một pháp môn tu luyện, không phải là một môn khí công chữa bệnh khỏe người. Khoảng 2.000 năm trước, các tín đồ Kitô giáo đã kiên trì dưới sự đàn áp tàn bạo của đế chế La Mã nhằm chứng thực đức tin cũng như cảnh giới tâm linh cao thượng của mình và họ coi đó như là một sứ mệnh. Đây cũng có thể được xem là ví dụ tham chiếu nếu cần đến để có thể phần nào liễu giải về Pháp Luân Công.
Lời kết
Khổng Tử đã dạy con người về chính nghĩa, chúng ta nên làm điều đúng đắn kể cả có thành công hay không. Hơn nữa, chúng ta nên làm một cách toàn tâm toàn ý sao cho xứng đáng với lương tâm của mình. Dù kết quả có ra sao, thì chúng ta cũng đều thành công, ít nhất là về phương diện lương tâm và đạo đức. Chúng ta sẽ luôn hạnh phúc nếu có thể luôn giữ một tâm hồn lương thiện, bất kể hoàn cảnh thế nào đi nữa. Khi luôn có Chân – Thiện – Nhẫn ở trong tâm, chúng ta sẽ cảm thấy ngập tràn ánh sáng. Và khi gặp những người khác, chúng ta cũng muốn lan tỏa điều ấm áp và tốt đẹp này với họ.
Đăng ký học thiền, rèn luyện cả tâm lẫn thân tại đây .
Phan Anh