Một doanh nghiệp “ôm” hàng trăm tỷ đồng trái phiếu của Novaland, DIC Corp và nhiều ngân hàng chuẩn bị lên sàn chứng khoán

Chia sẻ Facebook
28/09/2022 11:25:53

Thời điểm 30/6, VIMID đang đầu tư 322 tỷ đồng vào trái phiếu ngắn và dài hạn.

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông báo chấp thuận cho CTCP Đầu tư Phát triển Máy Việt Nam (VIMID) được đăng ký giao dịch cổ phiếu với mã chứng khoán VVS. Số lượng chứng khoán đăng ký giao dịch là 20,5 triệu cổ phiếu, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

Thành lập từ tháng 3/2010, VIMID hoạt động chính trong lĩnh vực nhập khẩu, phân phối các loại xe tải hạng trung, hạng nặng, các sản phâm Sơ mi – rơ mooc và xe chuyên dụng; kinh doanh dịch vụ bảo danh bảo dưỡng, sửa chữa; Đại lý liên kết ngân hàng, bảo hiểm, các công ty tài chính...

Theo giới thiệu trên website công ty, VIMID hiện là đại diện độc quyền chính thức của Howo ủy quyền về bảo hành của Sinotruk Howo tại Việt Nam. Đến nay thương hiệu VIMID đã hiện diện với hơn 20 chi nhánh - trạm 3S cùng hàng loạt các showroom của đại lý ủy quyền tại Việt Nam.

Tính đến thời điểm 30/6/2022, VIMID có vốn điều lệ 205 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu chưa đến 229 tỷ đồng. Công ty duy trì một lượng tiền mặt khá thấp chỉ hơn 55 tỷ đồng và mang 322 tỷ đồng đi đầu tư vào trái phiếu ngắn và dài hạn. Trong đó, các lô trái phiếu của Novaland (NVL) và Goodwill Group chiếm phần lớn. Được biết, Goodwill Group có trụ sở đặt tại dự án của Novaland. Ngoài ra, VIMID còn nắm giữ gần 35 tỷ đồng trái phiếu của DIC Corp (DIG).

Các khoản đầu tư tài chính. Nguồn: BCTC quý 2 của VIMID


Đáng chú ý, nợ phải trả của doanh nghiệp này lên đến gần 3.500 tỷ đồng, gấp hơn 15 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, nợ vay tài chính tại các ngân hàng ở mức gần 650 tỷ đồng, gấp đôi thời điểm đầu năm. Khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản và nguồn vốn của VIMID là các khoản phải thu và phải trả ngắn hạn khác.

Thời điểm 30/6, các khoản phải trả ngắn hạn khác chiếm hưn 2.300 tỷ đồng, tăng gần 700 tỷ so với đầu năm chủ yếu là các khoản tiền phải trả Ngân hàng liên quan đến LC Upas, phí trong kỳ từ 1,02% đến 6%/năm. Đối ứng trên tài sản, phải thu ngắn hạn khác của VIMID cũng tăng 850 tỷ đồng so với đầu năm trong đó chủ yếu là các khoản ký quỹ, ký cược ngắn hạn gần 2.170 tỷ đồng, chiếm 57% tổng tài sản.

Các khoản phải trả ngắn hạn khác. Nguồn: BCTC quý 2 của VIMID

Về kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, VIMID ghi nhận doanh thu 2.383 tỷ đồng, tăng đến 67% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá vốn tăng cao đã khiến biên lãi gộp bị thu hẹp đáng kể, lợi nhuận gộp chỉ tăng 17,5% lên mức 102,7 tỷ đồng.

Trong khi đó, các khoản phí, lãi từ các nghiệp vụ tín dụng với ngân hàng ăn mòn đáng kể lợi nhuận của doanh nghiệp này. Chi phí lãi vay trong 6 tháng đầu năm chiếm đến hơn 93 tỷ đồng, gấp 5,5 lần cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ các chi phí hoạt động, VIMID lãi ròng 4,2 tỷ đồng, giảm đến 67% so với nửa đầu năm ngoái.

Chia sẻ Facebook