Một doanh nghiệp “họ FLC” doanh thu giảm 94% trong quý 3

Chia sẻ Facebook
21/10/2022 15:32:43

CTCP Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu CFS (HNX: KLF) công bố BCTC quý 3/2022 với doanh thu giảm đến 94% so với cùng kỳ.

Một doanh nghiệp “họ FLC” chia gần 17 lần doanh thu trong quý 3


Cụ thể, trong quý 3, doanh thu của KLF chỉ đạt 33.5 tỷ đồng, thua cùng kỳ tới 16.7 lần. Dẫu vậy, nhờ giá vốn hàng bán cũng giảm 95%, còn 28 tỷ đồng, Công ty có lãi gộp 5.5 tỷ đồng, tăng trưởng 53%.

Kết quả kinh doanh quý 3/2022 của KLF Nguồn: VietstockFinance


Doanh thu từ hoạt động tài chính trong kỳ tăng tương đối mạnh lên 8 tỷ đồng (43%). Tuy nhiên, hầu hết chi phí đều bật tăng mạnh, như chi phí tài chính (61%, lên 8.4 tỷ đồng), chi phí bán hàng (gấp 3 lần cùng kỳ, lên 1.8 tỷ đồng)… khiến lợi nhuận của doanh nghiệp hao hụt. Kết quả, KLF chỉ lãi sau thuế hơn 1 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ.


Lũy kế 9 tháng, KLF có tổng doanh thu 448 tỷ đồng, giảm mạnh 65% so với cùng kỳ; và lỗ sau thuế 15.2 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 5.2 tỷ đồng). Với việc chỉ còn 3 tháng là kết thúc năm tài chính 2022 và tình hình kinh doanh đầy ảm đạm, mục tiêu 1,500 tỷ đồng doanh thu và 9.6 tỷ đồng lãi sau thuế đặt ra tại ĐHĐCĐ thường niên của KLF đang như một giấc mơ khó chạm tới.


Thời điểm cuối tháng 09/2022, tổng tài sản của KLF giảm nhẹ còn 2.37 ngàn tỷ đồng. Nhưng đáng chú ý, tài sản ngắn hạn bật tăng mạnh lên gần 2.1 ngàn tỷ đồng, gấp 2.2 lần đầu năm và chiếm tỷ trọng 88% trong cơ cấu tổng tài sản. Mức tăng chủ yếu đến từ các khoản phải thu ngắn hạn, gấp gần 3 lần đầu năm, lên 1.8 ngàn tỷ đồng, đa phần là khoản thu ngắn hạn từ Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Sip (454 tỷ đồng) và Công ty TNHH Newand Holdings Việt Nam (595.5 tỷ đồng). Các khoản nợ dài hạn (hơn 529 tỷ đồng) với 2 công ty trên đều đã được tất toán.


Ở bên kia bảng cân đối, nợ phải trả của doanh nghiệp gần như không biến động, với hầu hết là nợ ngắn hạn (647 tỷ đồng). Thời điểm cuối tháng 9, Công ty còn hơn 474 tỷ đồng vay nợ thuê tài chính ngắn hạn, trong đó phát sinh thêm khoản vay gần 150 tỷ đồng với FLC .


CTCP Đầu tư thương mại và Xuất nhập khẩu CFS được đổi tên từ CTCP Liên doanh Đầu tư Quốc tế KLF , với tiền thân là CTCP Dịch vụ, Thương mại và Đầu tư Tân Mỹ Đình. Doanh nghiệp hoạt động từ tháng 09/2009 với mảng kinh doanh chính là thương mại, bất động sản và du lịch. Vốn điều lệ tính đến cuối tháng 09/2022 là 1.65 ngàn tỷ đồng.


KLF được biết tới là cổ phiếu thuộc “họ FLC”, do đó chịu ảnh hưởng lớn từ việc ông Trịnh Văn Quyết bị bắt giữ. Tại ĐHĐCĐ 2022 lần 3, ông Nguyễn Đức Công - Tổng Giám đốc KLF - đã khẳng định điều này khi thông báo hoạt động của Công ty chịu nhiều ảnh hưởng từ sau vụ ông Trịnh Văn Quyết bị bắt vì thao túng giá cổ phiếu. Tuy nhiên, lãnh đạo KLF khẳng định ông Quyết không phải là cổ đông lớn và cũng không tham gia điều hành tại KLF , nên vụ việc này là sự việc cá nhân và không liên quan tới Công ty. Dẫu vậy, vụ việc trên đã gây thiệt hại không nhỏ - đặc biệt là với giá cổ phiếu KLF , bởi việc mua bán cổ phiếu dựa trên cung cầu thị trường, trong khi nhiều cổ đông hiểu rằng KLF có liên quan đến FLC và từ đó tạo ra hiệu ứng bán tháo, làm giảm giá trị cổ phiếu và thương hiệu Công ty.


Ngày 07/10, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội ( HNX ) ra quyết định chuyển cổ phiếu KLF sang diện hạn chế giao dịch, do chậm nộp báo cáo tài chính bán niên 2022 quá thời hạn quy định. Như vậy, cổ phiếu KLF chỉ được giao dịch vào phiên thứ Sáu hàng tuần.


So với đỉnh 10,500 đồng/cp ngày 10/01, giá cổ phiếu KLF đã đi lùi đáng kể, chia hơn 10 lần giá trị theo thị giá ngày 21/10 (900 đồng/cp).

Diễn biến giá cổ phiếu KLF từ đầu năm 2022

Hồng Đức

Chia sẻ Facebook