Một địa phương đang lọt vào "mắt xanh" của hơn 20 nhà đầu tư Hàn Quốc với khoản đầu tư 2-4 tỷ USD
Năm 2021, Hàn Quốc đứng thứ 2 trong 106 quốc gia và vùng lãnh thổ về tổng số vốn FDI đầu tư vào Việt Nam và là quốc gia dẫn đầu về số dự án đầu tư mới cũng như số lượt dự án điều chỉnh vốn.
Mới đây, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đã phối hợp với Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư các doanh nghiệp Hàn Quốc năm 2022. Chia sẻ với các nhà đầu tư, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài cho biết, trong 30 năm qua, các nhà đầu tư Hàn Quốc đã có mặt ở hầu hết các ngành kinh tế tại Việt Nam.
Tính đến 31/3/2022, Hải Phòng đã thu hút được 171 dự án FDI từ Hàn Quốc với tổng số vốn đăng ký khoảng 9,56 tỷ USD chiếm tỷ trọng 36,6% tổng vốn FDI đầu tư vào thành phố. Riêng trong Khu Công nghiệp, Khu kinh tế thu hút được 102 dự án với tổng số vốn đầu tư lên tới 8,5 tỷ USD, chiếm 43,7% tổng vốn đầu tư FDI toàn KCN, KKT, chiếm tỷ trọng 36,6% tổng vốn đầu tư FDI toàn TP Hải Phòng.
Theo đó, các dự án chủ yếu tập trung vào ngành điện tử, ô tô như sản xuất các sản phẩm, linh kiện điện - điện tử; linh kiện, phụ tùng ô tô; máy móc, thiết bị và các sản phẩm từ plastic...
Năm 2021, doanh thu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư từ Hàn Quốc đạt 13,1 tỷ USD; giá trị xuất khẩu đạt 13,59 tỷ USD (trong đó, hệ sinh thái của LG đã là 12,4 tỷ USD); giá trị nhập khẩu đạt 12,13 tỷ USD, nộp ngân sách khoảng 3.249,02 tỷ đồng, tương đương 142 triệu USD (riêng hệ sinh thái của LG đã đóng góp hơn 95,3 triệu USD).
Tổng số lao động làm việc tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư từ Hàn Quốc khoảng 40.940 người. Trong đó, có 39.230 lao động Việt Nam và 1.710 lao động nước ngoài; thu nhập bình quân khoảng 10.500.000 đồng/người/tháng.
Trong đó tiêu biểu là Tổ hợp các dự án của Tập đoàn LG. Cụ thể, tập đoàn này đã đầu tư 7,24 tỷ USD vào Khu Công nghiệp Tràng Duệ, hiện tổ hợp này đã mang lại gần 25 nghìn việc làm cho người lao động, doanh thu trong năm 2021 ước đạt 14,5 tỷ USD, nộp ngân sách hơn 95 triệu USD.
Ông Lê Trung Kiên, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cho biết, Hải Phòng hiện có 13 khu công nghiệp với tổng diện tích là 5.694 ha. Các khu công nghiệp này được đầu tư hạ tầng rất bài bản và được kết nối đồng bộ với hệ thống giao thông quốc gia qua 5 loại hình giao thông: đường biển, đường sắt, đường bộ, đường không và đường thủy nội địa, do vậy sẽ tiết kiệm tối đa chi phí logistics cho các doanh nghiệp.
Để tiếp tục thu hút nguồn vốn đầu tư vào Hải Phòng, ông Kiên cho biết, từ nay đến năm 2025, Hải Phòng sẽ mở thêm 15 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 6.200 ha, đồng thời thành phố tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng cả về giao thông, đô thị và du lịch - dịch vụ nhằm tạo nên một hệ sinh thái tuần hoàn, bền vững.
Về công tác đào tạo, hiện Hải Phòng có 5 trường đại học và 48 trung tâm dạy nghề, hàng năm các trường, các trung tâm này đã thu hút được hàng nghìn học viên đến từ các địa phương trong khu vực, đây sẽ là nguồn cung lực lượng lao động có chất lượng cao cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư thứ cấp.
Hơn 20 nhà đầu tư Hàn Quốc đang nhắm Hải Phòng cho khoản đầu tư 2-4 tỷ USD
Nhận định về môi trường đầu tư kinh doanh tại Hải Phòng, ông Park Jae Hong, Phó Tổng Giám đốc phụ trách tài chính Công ty TNHH LG Display Việt Nam Hải Phòng cho biết, Hải Phòng có vị trí đắc địa để phát triển các loại hình kinh tế, do thuận lợi về giao thông, nguồn cung nhân lực dồi dào, cần cù, trung thực kết hợp với sự đồng hành của bộ máy chính quyền với doanh nghiệp đã tạo ra một sức mạnh tổng hòa giúp Hải Phòng có được một môi trường đầu tư an ninh, an toàn.
"Hiện, LG đã đầu tư gần 5 tỷ USD vào Hải Phòng nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư, với cam kết đồng hành cùng phát triển cùng mảnh đất này", ông Park Jae Hong khẳng định.
Ông Min Moon Ki, Tùy viên Thương mại, Đại diện Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết, năm 2022, Chính phủ 2 nước sẽ nâng khuôn khổ hợp tác lên tầm toàn diện và Hải Phòng sẽ có những đóng quan trọng trong mối quan hệ này.
"Năm nay, chúng ta sẽ chứng kiến làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam với số vốn lớn, công nghệ tiên tiến. Hải Phòng là địa phương có lợi thế gần Hà Nội, có hạ tầng phát triển, nên các nhà đầu tư luôn ưu tiên xem xét về điểm đến Hải Phòng", ông Min Moon Ki chia sẻ.
Dự kiến, trong năm 2022, tổng số nhà đầu tư Hàn Quốc có nhu cầu về mặt bằng mà Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cùng các công ty đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế đang tiếp cận, trao đổi thông tin là hơn 20 nhà đầu tư, với tổng nhu cầu khoảng 200ha, tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 2- 4 tỷ USD, tạo thêm 10.000 - 12.000 việc làm.
Ngay tại Hội nghị, thỏa thuận hợp tác giữa Trung tâm Xúc tiến đầu tư và dịch vụ việc làm Khu kinh tế Hải Phòng và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam chi nhánh Hải Phòng về việc hợp tác cung cấp dịch vụ ngân hàng, dịch vụ tài chính cho các dự án, doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, Khu kinh tế trên địa bàn Thành phố.
Biên bản ghi nhớ giữa Khu công nghiệp Deep C và Công ty TNHH LogisValley HTNS về việc nghiên cứu lắp đặt mái pin năng lượng mặt trời.
Trung tâm hậu cần LogisValley HTNS Hải Phòng là trung tâm lưu thông tối ưu phản ánh nhu cầu của khách hàng bằng cách kết hợp KNOW-HOW. Vận hành trung tâm lưu thông là Hanaro TNS - một công ty vật liệu tổng hợp dựa trên giải pháp công nghệ thông tin logistic tiêu biểu của Hàn Quốc.
Trung tâm hậu cần LogisValley HTNS Hải Phòng có diện tích xây dựng 39,755 m2 và diện tích kho lạnh 19,877m2. Kho đang được xây dựng và dự kiến cho thuê từ tháng 7/2022 sau khi hoàn thành vào cuối tháng 6/2022
Cũng tại Hội nghị, ông Lê Trung Kiên, Trưởng ban HEZA đã trao Giấy chứng nhận điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho Công ty TNHH Halla Electronics Vina - KCN Tràng Duệ với số vốn tăng thêm là 30 triệu USD.