Một đêm thị tẩm 30 mỹ nữ: Hoàng đế Trung Hoa "khét tiếng" trăng hoa qua đời vì xuân dược

Chia sẻ Facebook
10/05/2022 11:02:07

Chuyện một hoàng đế một đêm “chiêu hạnh” 30 phi tần là một chuyện có thật được chính sử ghi lại. Cũng từ khả năng "phi thường" này mà nhiều người cho rằng chính loại "xuân dược" ông thường sử dụng đã giết chết vị hoàng đế hoang dâm.


May mắn trở thành hoàng đế

Ông vua được ghi danh trong lịch sử Trung Quốc bởi kỷ lục không giống ai này chính là Tống Độ Tông Triệu Kỳ(1240—1274)hoàng đế nhà Nam Tống.

Triệu Kỳ, nhũ danh Triệu Mạnh Khải, tên tự Trường Nguyên là hoàng đế thứ 15 của vương triều nhà Tống, hoàng đế thứ 6 của triều đại Nam Tống.

Ông là hậu duệ đời thứ 11 của Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận; là con trai của Vinh vương Triệu Dữ Nhuế, cháu gọi Tống Lý Tông Triệu Dữ Cử là bác. Theo thứ bậc trong hoàng gia thì Triệu Kỳ không phải dòng chính nên cơ hội đăng quang lên ngôi vị hoàng đế không cao.

Tuy nhiên, do các con trai của Tống Lý Tông đều chết sớm, không còn người kế vị nên đã nhận Triệu Kỳ con trai người em ruột Triệu Dữ Nhuế làm hoàng tử vào năm 1253 rồi phong làm thế tử (năm 1260).

Năm 1264, khi Tống Lý Tông qua đời, Triệu Kì với thân phận hoàng tử được kế vị lên ngôi năm 25 tuổi, trở thành Tống Độ Tông.

Lúc nhỏ, Triệu Kỳ tuyệt đỉnh thông minh. Sử ghi, khi mang thai, Hoàng thị - vợ lẽ của Dữ Nhuế nằm mộng thấy có thần nhân áp một con rồng vào bụng mình. Khi Triệu Kỳ chào đời, có ánh sáng màu đỏ chiếu xuống khắp nhà.

Lên bảy tuổi mới bắt đầu học nói nhưng vừa học Triệu Kỳ đã biết nói trôi chảy, Tống Lý Tông cảm thấy ngạc nhiên. Thế nhưng khi lớn lên, sau khi đăng quang thì lại lú lẫn bất lực, hoang dâm vô độ.


“Tiên đơn, xuân dược” đã giết chết hoàng đế?

Trong suốt 10 năm Tống Độ Tông ngồi trên ngai vàng, ông ta chẳng hề nghĩ đến chuyện xây dựng quân đội để lo chống ngoại xâm, mà chỉ ngày ngày uống rượu tiêu sầu, đêm đêm ôm gái đẹp.

Giống như nhiều hoàng đế Trung Hoa khác, ông ta không chỉ mong muốn trường sinh bất lão, mà còn hy vọng duy trì được mãi khả năng phòng the mạnh mẽ hơn người. Ngoài việc thường xuyên dùng “tiên đơn bất lão dược”, ông ta còn cho người lùng kiếm “tráng dương dược” khắp chốn để có sức “ngự hạnh” cả bầy người đẹp trong cung.

Sách “Tục tư trị thông giám. Tống kỷ” do Tất Nguyên biên soạn vào đời Hoàng đế Càn Long nhà Thanh hiện còn lưu được bản gốc đã chép về sự dâm loạn của Tống Độ Tông như sau:

“Hoàng đế (Tống Độ Tông Triệu Kỳ) từ khi còn làm thái tử đã nổi tiếng là kẻ háo sắc. Sau khi lên ngôi càng chìm đắm trong tửu sắc. Có chuyện rằng, theo quy định của hậu cung lúc bấy giờ, nếu như cung phi nào đêm hôm trước được Hoàng đế sủng hạnh thì sáng sớm hôm sau phải tới cửa Hợp Môn để cảm tạ ơn mưa móc sủng hạnh của Hoàng đế.

Các thái giám chủ quản sẽ ghi chép đầy đủ tên tuổi, ngày tháng mà phi tần đó được sủng hạnh để tiện việc theo dõi khi các phi tần này mang long chủng. Triệu Kỳ khi mới lên ngôi, có ngày thái giám chủ quản thấy cửa Hợp Môn có tới hơn 30 phi tần trong cung tới để tạ ơn”. Qua đoạn văn này, giới sử học mới biết được Tống Độ Tông có khả năng tình dục phi thường, một đêm có thể lâm hạnh hơn 30 phi tần.

Tống Độ Tông Triệu Kỳ lên ngôi ở tuổi 25, chính là ở độ tuổi dục tính mạnh nhất. Hoàng đế lại có đặc quyền được ngủ với bất cứ người phụ nữ nào nếu muốn.

Hậu cung thì giai nhân hàng bầy. Triệu Kỳ vừa được hưởng quyền lợi đó dĩ nhiên sướng đến phát cuồng, không bỏ qua cơ hội hưởng thụ. Do đó, việc ông ta một đêm ngự hạnh hơn 30 người đẹp ghi trong sử sách là đáng tin cậy.

Tuy nhiên cũng có điểm khiến có người hoài nghi khi tính toán: nếu như tính một đêm có 12 tiếng, với 30 người đẹp thì mỗi lần sủng hạnh của Triệu Kỳ trung bình chỉ khoảng 24 phút. Vấn đề đặt ra là, trong một khoảng thời gian ngắn ngủi như vậy, liệu Triệu Kỳ có thể hoàn thành một cuộc giao hoan với trạng thái sinh lý của một người bình thường hay không?

Vì vậy, giới sử học cho rằng, nhất định Triệu Kỳ đã nhờ đến các loại thuốc tráng dương hay “xuân dược”. Xuân dược đem lại cho hoàng đế sự thỏa mãn tình dục, giúp những ông chủ thiên hạ có thể thoải mái tận hưởng những người đẹp trong khắp thiên hạ mà không cần quan tâm tới khả năng sinh lý của bản thân.

Tuy nhiên, cái gì cũng có tính hai mặt của nó. Xuân dược đem lại cho các hoàng đế sự thỏa mãn về trong nhu cầu hưởng lạc nhưng cũng lại là nguyên nhân cướp đi sinh mạng của họ.

Do quá lạm dụng xuân dược, nhiều hoàng đế đã chết một cách đau đớn và bi kịch, mà Tống Độ Tông Triệu Kỳ là một trường hợp điển hình.

Sau thời Độ Tông, nhà Tống không còn một hoàng đế trưởng thành nào. Các hoàng đế lên ngồi đều còn rất nhỏ, không có khả năng điều hành chính sự, trong khi triều đình rối ren vì sức tấn công của Mông Cổ.

Năm 1279, Tống đế Bính, con trai thứ của Độ Tông, khi đó mới 8 tuổi, cùng hơn 10 vạn binh lính, quan lại và người hầu của nhà Tống, chết đuối trong trận chiến cuối cùng với quân Mông Cổ ở Quảng Đông. Nhà Tống đến đây là chấm dứt.

Chia sẻ Facebook