Một cuộc chiến xe điện giá rẻ sắp diễn ra: nhiều mẫu xe chỉ có giá khoảng 600 triệu đồng - VinFast có gì trong tay?

Chia sẻ Facebook
04/06/2022 14:45:32

Ngành công nghiệp ô tô toàn cầu đang đứng trước một 'cuộc chiến giá cả' lớn trong những năm tới, khi chi phí xe điện giảm và nhiều xe điện được bán ra trong tầm giá 25.000 USD.


Thách thức về pin có sớm được giải quyết?

Giá lithium đã tăng hơn 430% trong năm qua. Đầu tháng 4 này, Giám đốc điều hành Tesla, Elon Musk, lưu ý rằng giá lithium đã tăng đến "mức điên rồ". Ông tweet: "Lithium hầu như có ở khắp nơi trên trái đất, nhưng tốc độ khai thác rất chậm". Musk nói với các nhà phân tích rằng sản xuất lithium là một trở ngại để đáp ứng nhu cầu xe điện và kêu gọi các doanh nhân tham gia vào lĩnh vực kinh doanh, khai thác lithium…

Doanh thu của Tesla trong quý I là khoảng 18,76 tỷ USD so với mục tiêu 17,85 tỷ USD. Doanh thu Tesla tăng bởi nhiều đợt tăng giá nhằm bù đắp chi phí gia tăng của lithium, niken, coban và các nguyên liệu thô khác.

Theo Hiệp hội Lithium Quốc tế (ILiA), Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã ước tính rằng sự tăng trưởng về xe điện có thể khiến nhu cầu lithium tăng hơn 40 lần vào năm 2030. Năm 2021, nhu cầu lithium là khoảng 320.000 tấn và dự kiến đạt 1 triệu tấn vào năm 2025 và 3 triệu vào năm 2030, theo Reuters.

Trung Quốc đã tiên liệu việc nhu cầu lithium sẽ tăng cao cách đây nhiều năm và đang dồn sức sản xuất nguyên liệu này. Các mỏ lithium lớn khác nằm ở Nam Mỹ và Australia. Mỹ chỉ sản xuất khoảng 2% nguồn cung của thế giới nhưng dự kiến sẽ tăng cường khả năng khai thác trong những năm tới.

Jiangxi Ganfeng Lithium Co., Ltd có trụ sở tại Trung Quốc với giá trị vốn hóa thị trường là 38,6 tỷ USD. Đây là nhà sản xuất lithium lớn nhất trên thế giới. Công ty này nắm giữ các nguồn lithium trên khắp Australia, Argentina và Mexico và có hơn 4.844 nhân viên.

Hiện nhiều nước đang có kế hoạch khai thác lithium nhằm tránh phụ thuộc nguyên liệu này từ Trung Quốc. Tuy nhiên, đây là điều không dễ dàng vì khai thác các nguyên liệu làm pin điện sẽ phá vỡ môi trường sống và cân bằng sinh thái. Do đó, việc khai thác lithium ở Mỹ đang vấp phải sự phản đối quyết liệt của những nhà bảo vệ môi trường.

Kích thước của pin cũng là một vấn đề. Những chiếc EV cỡ nhỏ sẽ gặp khó khăn với kích thước pin. Cách duy nhất để gia tăng phạm vi lái cho xe điện là tăng kích thước của pin. Với một chiếc xe nhỏ hơn, cơ hội này bị hạn chế.

Để tạo ra một chiếc EV nhỏ gọn, chi phí thấp, không chỉ chi phí pin phải giảm đáng kể mà pin cũng sẽ phải được đóng gói dày đặc hơn, điều này có thể ảnh hưởng đến cách thở của các tế bào. Để một bộ pin tương đối nhỏ có phạm vi hoạt động xa, công nghệ pin cần phải hiệu quả hơn.

CEO Ford: 'Xe điện sẽ bước vào cuộc chiến về giá ngay khi chi phí giảm'

Do tình hình sản xuất vẫn còn hạn chế vì các vấn đề liên quan đến nguồn cung chuỗi cung ứng, trong khi đó nhu cầu mua đang mạnh mẽ, nên hiện tại có vẻ không hề có cuộc chiến về giá đối với ô tô điện. Ngược lại, lượng hàng tồn kho thấp và nhu cầu mạnh mẽ nên các đại lý có phần "kênh kiệu" và áp mức giá lớn đối với các sản phẩm ô tô nói chung, xe điện nói riêng. Nhưng Ford, một công ty lớn trong ngành ô tô, tin rằng điều đó sắp thay đổi.

Tại Hội nghị Quyết định Chiến lược Bernstein mới đây, Giám đốc điều hành của Ford, Jim Farley, nói rằng ông hy vọng chi phí sản xuất xe điện sẽ giảm trong những năm tới - mức chi phí sẽ đủ thấp để một số xe điện được bán ra trong khoảng giá 25.000 USD, tức gần 600 triệu đồng.

CEO của Ford lưu ý rằng Mustang Mach-E có giá khởi điểm khoảng 45.000 USD, nhưng riêng bộ pin đã tiêu tốn của Ford 18.000 USD. Điều này khiến mức giá khó có thể thấp hơn.

Farley tin rằng những cải tiến đáng kể sẽ giúp chi phí pin giảm xuống. Ngoài ra, Ford đang phát triển nền tảng EV thế hệ tiếp theo mà ông tin rằng sẽ giảm đáng kể chi phí sản xuất.

Để sẵn sàng cạnh tranh trong "cuộc chiến giá cả" sắp xảy ra này, Farley nói rằng Ford sẵn sàng cắt giảm chi phí phân phối và quảng cáo.

Farley không chia sẻ kế hoạch cụ thể của Ford về mẫu xe điện 25.000 USD, nhưng trong ngành công nghiệp ô tô đã có một vài dự án như vậy.

VW có concept ID.Life mà nhà sản xuất ô tô Đức cho biết là bản xem trước chiếc xe điện giá gần 24.000 USD sắp ra mắt của hãng. Tesla cũng đã nói về việc tung ra một chiếc ô tô điện trị giá 25.000 USD, nhưng CEO Elon Musk gần đây cho biết rằng họ đã tạm dừng dự án về mẫu xe này vì công ty tập trung vào việc tăng cường sản xuất các loại xe hiện có của mình.

Nhu cầu về xe điện vẫn sẽ vượt xa sản lượng xe điện tại thời điểm đó, nhưng sẽ có nhiều lựa chọn hơn, tạo ra sự cạnh tranh tốt hơn, bao gồm cả về cạnh tranh về giá.


VinFast có gì trong tay?

Trước bối cảnh các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất pin như lithium đang ngày một khan hiếm, gây khó khăn cho các hãng xe trên toàn thế giới. Về việc này, ông Phạm Nhật Vượng chia sẻ tại đại hội cổ đông thường niên rằng, không chỉ lithium bị thiếu, thậm chí, các nguyên liệu khác như coban, niken cũng đang dần khan hiếm hơn. Vingroup đã lập ra các nhóm vật liệu chiến lược để tính toán phương án dự trữ lâu dài.

Việc công xưởng thế giới là Trung Quốc đang gián đoạn cung ứng do Covid-19, theo ông Vượng, cũng gây khó khăn không nhỏ cho doanh nghiệp khi một phần linh kiện được nhập từ thị trường này. Nhiều nhà máy của Mỹ, Đức, châu Âu tại Trung Quốc đã đóng cửa. Trong khi đó, một chiếc xe ôtô có khoảng 3.000-4.000 linh kiện mà thiếu một con ốc thì không xuất xưởng được tạo áp lực rất lớn.

Việc phụ thuộc nguồn cung bên ngoài cũng khiến lãnh đạo Vingroup muốn thúc đẩy chiến lược nội địa hoá linh kiện. Tập đoàn này đang mời các nhà sản xuất linh kiện, chip về Việt Nam mở nhà máy với các ưu đãi lớn như miễn tiền thuê đất, nhà xưởng trong 10-15 năm...

"Chúng tôi muốn phát triển mạnh mẽ công nghiệp phụ trợ cho ô tô. Mức độ nội địa hoá xe VinFast khoảng 60%, và tiến tới là 80%" , ông Vượng nói.

Đặc biệt, theo ông Vượng, hiện nguồn cung xe trên thị trường rất khan hiếm nên "chỉ cần VinFast có hàng tốt là có thể bán được".

Đồng thời, việc mở nhà máy sản xuất tại Mỹ đang giúp VinFast có thể chủ động trong nguồn cung, ổn định giá thành và rút ngắn thời gian cung cấp sản phẩm. Điều này sẽ giúp xe điện của VinFast trở nên dễ tiếp cận hơn với khách hàng, góp phần hiện thực hoá các mục tiêu cải thiện môi trường của địa phương.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA (Mỹ), chính quyền tổng thống Mỹ Joe Biden đang rất quyết liệt trong việc giảm lượng khí thải từ các loại phương tiện ra ngoài môi trường. Tới năm 2030, ông Joe Biden mong muốn 50% số xe bán ra ở Mỹ sẽ là xe không phát thải. Hiện nay, Mỹ đang là quốc gia ưu ái xe điện hơn nhiều quốc gia lớn khác trên thế giới.

Để thực hiện chiến lược giảm lượng khí thải, Ông Joe Biden cũng ban hành nhiều chính sách ưu đãi về thuế cho các công ty sản xuất xe điện. Chính quyền tổng thống Mỹ đã đưa ra kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng trị giá 2.000 tỷ USD để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu bằng việc khuyến khích người Mỹ chuyển sang sử dụng xe điện.


Tham khảo: ABC News, Forbes


Theo Khánh Vy

Nhịp sống kinh tế

Chia sẻ Facebook