Một công ty khởi nghiệp đang biến các loại nhựa khó tái chế nhất trở thành khối xây dựng
Được thành lập vào năm 2017, ByFusion phát triển thành công một loại máy xử lý nhựa có tên Blocker với khả năng tạo ra các "ByBlock".
Ô nhiễm rác thải nhựa là vấn đề nhức nhối và ngày càng lan rộng tại nhiều quốc gia. Đến năm 2040, ước tính có tới 710 triệu tấn chất thải nhựa gây tắc nghẽn hệ sinh thái trái đất, từ đại dương, sông ngòi đến đất liền.
Công ty khởi nghiệp ByFusion, có trụ sở tại Los Angeles, đã lên kế hoạch giải quyết bài toán đó. Doanh nghiệp này đã tạo ra một hệ thống thu gom và xử lý các loại rác “khó nhằn’’ nhất: Nhựa không thể tái chế.
“Bạn sẽ ngạc nhiên với những thứ không thể tái chế, những thứ mà bạn chạm vào mỗi ngày như bút hay bàn chải đánh răng. Điều thú vị là chúng tôi đã tự thiết kế hệ thống của mình xoay quanh những thứ có giá trị thấp, tưởng chừng như vô giá trị và không thể tái chế’’, CEO của ByFusion, Heidi Kujawa, chia sẻ với CNN Business.
Sau khi nghiên cứu về rác thải nhựa, Kujawa cho biết trong tổng số 7 loại nhựa, chỉ có 2 loại là có thể tái chế. Hệ thống Blocker sẽ nén rác thải thành các khối vuông lớn mà không cần đến khâu phân loại hay rửa nước - thứ được cho là trở ngại lớn trong quá trình tái chế nhựa.
Sau khi ByFusion thu gom chất thải, sẽ chỉ mất vài phút để cắt nhỏ nhựa, nung chảy bằng hơi nước và nén thành khối. Do không sử dụng chất phụ gia hay các tạp chất khác nên 22 pound nhựa sẽ tạo ra 22 pound ByBlock.
"Chúng tôi mô hình hóa ByBlocks theo các kích thước của một khối xi măng rỗng. Mỗi viên có kích thước 16 inch x 8 inch x 8 inch", Kujawa nói, đồng thời cho biết mỗi ByBlock sẽ nhẹ hơn khoảng 10 pound so với một khối xi măng tiêu chuẩn.
Tuy nhiên, do nhựa dễ chịu tác động bởi ánh nắng, nên các ByBlocks, nếu phục vụ cho các dự án ngoài trời, cần được phủ một lớp sơn trong hoặc kết hợp với một vật liệu chịu thời tiết khác.
“Là một lựa chọn bền vững cho vật liệu xây dựng, nhựa tái chế có thể được sử dụng cho các dự án thương mại, khu dân cư và cơ sở hạ tầng’’, Kujawa chia sẻ. "Ngay từ đầu, chúng tôi đã đặt mục tiêu trung hòa khí carbon, vậy nên, toàn bộ hệ thống và quy trình sản xuất của chúng tôi đều không phát khí thải".
Theo bà Kujawa, mục tiêu cuối cùng của công ty là đưa Hệ thống Blocker đến các cộng đồng trên toàn thế giới, từ đó giúp họ có thể tái sử dụng chất thải nhựa phục vụ các dự án xây dựng địa phương.
ByFusion hy vọng có thể tái chế 100 triệu tấn nhựa vào năm 2030 đồng thời bày tỏ mong muốn có thể lắp đặt ít nhất một hệ thống Blocker ở mỗi thành phố để thu gom và xử lý rác thải.
“Mọi người đều đang phải vật lộn với rác thải nhựa. Hệ thống Blocker vì thế sẽ giúp giảm thiểu việc chôn lấp rác thải, giảm khí nhà kính cũng như nhu cầu vận chuyển", bà Kujawa tâm huyết chia sẻ.
Được biết lượng nhựa toàn cầu đã tăng từ 20 triệu tấn vào năm 1966 lên 381 triệu tấn vào năm 2015, tức gấp 20 lần chỉ trong nửa thế kỷ. Do hầu hết các loại nhựa đều có khả năng chảy ra đại dương thông qua sông và suối nên hàng nghìn loài sinh vật biển đang phải đối mặt với nguy cơ vướng hoặc ăn phải nhựa và hạt vi nhựa. Nếu chúng sau đó trở thành thức ăn cho con người, nhựa sẽ được gián tiếp đưa vào cơ thể mỗi chúng ta.
Theo: CNN
Vũ Anh
Theo Nhịp Sống Kinh Tế