Một công ty buôn than lãi đột biến gần 300 tỷ đồng trong 9 tháng 2022, gấp 15 lần cùng kỳ, EPS hơn 26.000 đồng/cp
Trong tháng 7 năm nay, giá cổ phiếu công ty đã tăng 3 lần từ 32.000 đồng/cp lên 98.000 đồng/cp vào ngày 1/8.
CTCP Xuất nhập khẩu Than - Vinacomin (Coalimex – HNX: CLM) vừa công bố báo cáo tài chính quý 3. Theo đó, doanh thu thuần quý 3 của CLM đạt 3.048 tỷ đồng, cao gấp 4,8 lần cùng kỳ. Sau khi trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp CLM đạt 75,6 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ.
Kết quả, CLM báo lãi trước thuế hơn 11 tỷ đồng, tăng 21,5% và lãi sau thuế 9 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ. Sau quý 2, lãi đột biến lên 273 tỷ, lợi nhuận quý 3 của Coalimex đã quay về mức bình thường như những quý trước.
Luỹ kế 9 tháng, CLM ghi nhận doanh thu thuần đạt 10.027 tỷ đồng, gấp 5 lần cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế là 293 tỷ đồng, bằng 14,7 lần so với cùng kỳ 2021. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) của CLM trong 9 tháng đầu năm ở mức cao đạt 26.666 đồng/cp.
Năm 2022, CLM chỉ đặt mục tiêu doanh thu là 5.500 tỷ đồng và lợi nhuận là 36 tỷ đồng, như vậy, sau 9 tháng, công ty đã vượt 82% kế hoạch doanh thu và 714% kế hoạch lợi nhuận.
Công ty giải thích nguyên nhân khiến lợi nhuận trong 9 tháng đầu năm 2022 tăng cao so với 9 tháng đầu năm 2021 là do sản lượng nhập khẩu và pha trộn than tăng cao dẫn đến lợi nhuận tăng tương ứng, một số lĩnh vực kinh doanh như cho thuê văn phòng, xuất khẩu lao động, … bắt đầu khởi sắc sau thời kỳ kiểm soát được dịch bệnh Covid – 19 so với năm 2021. Đặc biệt, công ty đã thực hiện thành công một số gói chào thầu quốc tế cung cấp than cho nhà máy luyện thép trong nước với tỷ lệ lợi nhuận cao.
Trong 9 tháng đầu năm nay, giá than thế giới đã tăng cao. Cụ thể, theo số liệu của tradingeconomic, giá than giao sau tại Newcastle đã tăng khoảng gấp đôi so với đầu năm 2022 và đang ở mức 392 USD/tấn.
Được biết, than là nhiên liệu đầu vào chiếm tỷ trọng cao nhất trong quá trình sản xuất gang thép. Việc giá than khiến doanh nghiệp than lãi lớn nhưng lại gây áp lực rất lớn đến chi phí đầu vào sản xuất của ngành thép.
Bên cạnh đó, đầu ra sản phẩm thì giá thép lại giảm, cụ thể, giá thép nội địa từ tháng 4 đến tháng 8/2022, đã giảm liên tiếp 15 lần với mức giá từ gần 20 triệu đồng/tấn xuống chỉ còn khoảng 14 triệu đồng/tấn. Cuối tháng 9, giá thép tăng trở lại sau nhiều lần hạ giá với mức 15-16,5 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên đến 12/10, giá thép lại giảm 2 lần liên tiếp đưa về mức khoảng 14,5-15,5 triệu đồng/tấn. Giá thép trên thế giới cũng đang giảm mạnh.
Diễn biến thị trường ảnh hưởng lớn tới biên lợi nhuận của doanh nghiệp thép, nhiều doanh nghiệp đã báo lỗ trong quý như HMC, Tisco, Vicasa, Thép Thủ Đức.
Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản của CLM tại ngày 30/9 đạt 1.270 tỷ đồng, tăng 61% so với thời điểm đầu năm, chiếm phần lớn trong đó là các khoản phải thu ngắn hạn. Lượng tiền CLM nắm giữ là 116 tỷ đồng, tăng 3,6 lần thời điểm đầu năm, giá trị hàng tồn kho cũng tăng gấp đôi lên 400 tỷ đồng.
Phía nguồn vốn, tổng nợ tăng 37% lên 809 tỷ đồng còn vốn chủ sở hữu tăng 2,4 lần lên 461 tỷ đồng, do lợi nhuận trong kỳ cao.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày giao dịch 21/10, giá cổ phiếu CLM giảm 5,75% về 82.000 đồng/cp. Ở mức giá hiện tại, vốn hóa của CLM đạt 902 tỷ đồng, gấp 3 lần tổng lãi ròng của 4 quý gần nhất, tương đương hệ số P/E chỉ ở mức 3 lần. Trong tháng 7 năm nay, giá cổ phiếu CLM đã tăng từ 32.000 đồng/cp lên mức đỉnh 98.000 đồng/cp vào ngày 1/8, tương đương với mức tăng 3 lần trong 1 tháng.