Một cổ phiếu tăng trần 8 phiên liên tiếp
Đóng cửa phiên 1/8, cổ phiếu CLM của Xuất nhập khẩu Than - Vinacomin tăng trần phiên thứ 8 liên tiếp lên 98.200 đồng/cp.
Tương tự nhiều trường hợp tăng đột biến khác, thanh khoản của cổ phiếu CLM thấp, khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình 10 phiên đạt 2.311 đơn vị. 11 triệu cổ phiếu CLM giao dịch lần đầu trên sàn HNX vào ngày 15/4/2016.
Coalimex thành lập từ năm 1982. Đến 2005, doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần với vốn điều lệ ban đầu 20 tỷ đồng. Sau hai đợt tăng vốn, hiện vốn điều lệ đạt 110 tỷ đồng, trong Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản Việt Nam (Vinacomin, TKV) sở hữu 55,41% cổ phần, tương đương gần 6,1 triệu cổ phiếu.
Hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh, xuất nhập khẩu trực tiếp và ủy thác than mỏ, các sản phẩm chế biến từ than. Ngoài ra, đơn vị cũng kinh doanh các phương tiện vận tải, phụ tùng, vật tư các loại; kinh doanh, xuất nhập khẩu cát đã qua chế biến...
Theo nghị quyết cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm nay, Coalimex đặt mục tiêu xuất khẩu 300.000 tấn than và nhập khẩu 1,5 triệu tấn than (trong đó 1,355 triệu tấn cung cấp cho các đơn vị pha trộn trong ngành và 145.000 tấn công ty tự pha trộn).
Về công tác pha trộn – chế biến than, Coalimex phấn đấu đạt 600.000 tấn than pha trộn loại 5b.10 (200.000 tấn) và 6a.10 (300.000 tấn) theo kế hoạch đầu năm, đồng thời đăng ký mở rộng thêm loại than pha trộn 5a.10 (100.000 tấn) để giao cho các nhà máy nhiệt điện theo hợp đồng TKV ký với khách hàng.
Ngoài ra, Coalimex hoàn thành mục tiêu 570.000 tấn sản lượng than kinh doanh nội địa và 4,5 triệu tấn than giao nhận.
Về kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm nay, đơn vị ghi nhận doanh thu thuần và giá vốn hàng bán đều gấp 5 lần cùng kỳ, lần lượt lên mức 6.979 tỷ đồng và 6.398 tỷ đồng. Trong cơ cấu doanh thu, doanh thu bán hàng chiếm 99,4% với 6.940,4 tỷ đồng, gấp 5,1 lần con số 1.356,6 tỷ đồng thực hiện 6 tháng đầu năm ngoái. Lợi nhuận gộp là 581 tỷ đồng, cùng kỳ 118,2 tỷ đồng.
Doanh thu tài chính 17,2 tỷ đồng, tăng 48%; với lãi chênh lệch tỷ giá tăng từ 5,3 tỷ đồng lên 16,8 tỷ đồng, còn lãi bán hàng trả chậm, chiết khấu thanh toán giảm từ 6 tỷ đồng uống 139,2 triệu đồng. Chi phí tài chính tăng 60% lên 20 tỷ đồng; trong đó phí lãi vay giảm từ 10,2 tỷ đồng xuống 3,7 tỷ đồng, còn lỗ chênh lệch tỷ giá tăng từ 2,3 tỷ đồng lên 16,3 tỷ đồng. Các chi phí hoạt động đều ghi nhận đà tăng trong 6 tháng đầu năm nay.
Kết quả, doanh nghiệp ghi nhận lãi sau thuế 283,2 tỷ đồng, gấp gần 23 lần cùng kỳ. EPS đạt 25.745 đồng, cùng kỳ 1.131 đồng.
Với kế hoạch tổng doanh thu 5.500 tỷ đồng và 36 tỷ đồng lợi nhuận, tính đến cuối tháng 6, đơn vị đã vượt chỉ tiêu cả năm.
Tại ngày 30/6, tổng tài sản tăng 132% lên 1.827,4 tỷ đồng. Tài sản ngắn hạn chiếm 95,5% với 1.745 tỷ đồng, gấp 2,5 lần cùng kỳ. Các khoản phải thu gấp 2,6 lần lên 1.215,3 tỷ đồng, riêng phải thu ngắn hạn của khách hàng là 1.210 tỷ đồng.
Hàng tồn kho tăng 74,8% lên 343 tỷ đồng. Tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn gấp 7,7 lần lên 185,2 tỷ đồng, còn lượng tiền mặt giảm 71% xuống 321,2 triệu đồng.
Về nguồn vốn, đơn vị không có vay nợ dài hạn. Vay ngắn hạn tăng gần 73% lên 384,3 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 296 tỷ đồng, quỹ đầu tư phát triển 34,7 tỷ đồng, và vốn góp chủ sở hữu 110 tỷ đồng.