Một cổ phiếu ngân hàng đang giảm sàn bất ngờ đảo chiều đóng cửa trong sắc "xanh lá"
Trong khi 7 mã ngân hàng giảm kịch sàn phiên hôm nay (7/10) thì một cổ phiếu bất ngờ được kéo mạnh phiên ATC, không chỉ thoát nằm sàn mà còn đóng cửa trong sắc "xanh lá".
VNIndex ngày 7/10 lao dốc mạnh ngay từ khi mở cửa và nhiều cổ phiếu, đặc biệt là nhóm ngân hàng còn bị bán mạnh hơn về cuối phiên. Đóng cửa, VNIndex giảm 38,61 điểm xuống 1.035,91 điểm (-3,59%). Nhóm ngân hàng chỉ có 2 mã kết phiên tăng giá là EIB và SGB.
Trong đó, SGB tăng 7,8% lên 13.800 đồng/cp. Thanh khoản cổ phiếu này đạt 87.500 đơn vị, giá trị chỉ hơn 1,1 tỷ đồng.
EIB gây bất ngờ khi kết phiên tăng 0,7% lên 37.200 đồng/cp dù ngay trước ATC giảm sàn xuống 34.400 đồng/cp. Thanh khoản cổ phiếu này tăng vọt, với hơn 7,4 triệu cp được khớp lệnh, giá trị 271 tỷ đồng. Về phương thức thỏa thuận, có hơn 29 triệu cp EIB được trao tay, giá trị hơn 1.100 tỷ đồng. Hôm nay là ngày đầu tiên nhóm cổ đông liên quan Tập đoàn Thành Công bắt đầu bán hơn 120 triệu cổ phiếu EIB theo phương thức khớp lệnh.
Trước đó, trong phiên 6/10, giá cổ phiếu EIB cũng có diễn biến tương tự khi cổ phiếu đang giảm mạnh thì bất ngờ được kéo dựng đứng trong ATC.
Có tới 23 cổ phiếu ngân hàng giảm giá phiên 7/10, trong đó có 7 mã giảm sàn là TCB, VPB, MSB, STB, TPB, CTG, LPB.
Đáng chú ý, nhiều mã có thanh khoản tăng đột biến, chẳng hạn như STB, MBB với giá trị giao dịch đạt gần 700 tỷ đồng, tương đương khối lượng khớp lệnh đều là 41 triệu cổ phiếu. Theo đó, thanh khoản MBB phiên hôm nay gấp 5 lần bình quân các phiên trước trong tuần này, STB cũng gấp khoảng 2,5 lần. Giá trị giao dịch toàn ngành theo đó đạt 3.500 tỷ đồng, gấp khoảng 2-2,5 lần so với các phiên trước.
Ngoài ra, nhiều cổ phiếu UPCoM cũng giảm rất mạnh, như ABB giảm 10,5%, BVB giảm 9% trong phiên hôm nay.
Về động thái khối ngoại, lượng lớn cổ phiếu ngân hàng được khối này giao dịch trong phiên 7/10. Trong đó, 12,39 triệu cp TCB, hơn 8 triệu cp MBB đã được trao tay giữa các nhà đầu tư nước ngoài.
Trong khi đó, STB bị nhà đầu tư nước ngoài “xả” mạnh, bán ròng hơn 6,5 triệu đơn vị. Hay CTG cũng bị bán ròng 800.000 đơn vị. Ở chiều ngược lại, SHB được gom mạnh khi ghi nhận lượng mua ròng hơn 1,6 triệu cp, tiếp đến là HDB (hơn 240.000 cp),…