Một chuyện xưa cảm động về “đại nghĩa”

Chia sẻ Facebook
21/04/2023 09:34:28

Người xưa có tiêu chuẩn rất cao về “nghĩa”. Trong “Đại Đường Tân Ngữ” có ghi chép một câu chuyện lịch sử cảm động về “nghĩa” như vậy.


Ngày nay người ta cho rằng “nghĩa” chính là giúp đỡ bằng hữu không tiếc cả mạng sống, bất kể sự việc có thật sự đúng đắn hay không. Nhưng người xưa lại có tiêu chuẩn rất cao về “nghĩa”. Các tác phẩm như “Phong Thần Diễn Nghĩa”, “Tam Quốc Diễn Nghĩa”, “Thất Hiệp Ngũ Nghĩa” đều đề cao “nghĩa”. Mặc dù “nghĩa” được nhắc đến là muôn màu muôn vẻ, nhưng tựu chung lại đó đều là những hành vi cao thượng, khiến người khác thấy cảm phục, thậm chí có phần không thể với tới. Trong “Đại Đường Tân Ngữ” có ghi chép một câu chuyện lịch sử cảm động về “nghĩa” như vậy.

(Tranh minh họa: Chí Thanh, Vision Times tiếng Trung)

Vào triều Đường, Trưởng Tôn Vô Kỵ vốn là một công thần trải 3 đời Hoàng đế, nhưng đến gần cuối đời, ông vì quyền lực mà ngụy tạo ra án oan tạo phản, hại chết nhiều người. Trưởng Tôn Vô Kỵ sau đó đối lập với Võ Tắc Thiên. Như một lẽ nhân quả, ông bị Võ Tắc Thiên hãm hại vu cáo có ý đồ tạo phản, bị đi đày, rồi bị buộc tự sát.

Bấy giờ tại Lương Châu có một vị quan Trường sử tên Triệu Trì Mãn, là người thân của Trưởng Tôn Vô Kỵ. Lễ bộ Thượng thư Hứa Kính Tông tuân theo ý chỉ của Hoàng hậu Võ Tắc Thiên mà hãm hại Trưởng tôn Vô Kỵ. Vì lo sợ lưu lại Triệu Trì Mãn sẽ gây bất lợi cho mình, ông ta liền kết tội Triệu Trì Mãn và Trưởng tôn Vô Kỵ cùng âm mưu phản loạn.

Triệu Trì Mãn bị triệu về kinh đô Trường An, sau đó bị bắt giam trong ngục và bị tra tấn. Nhưng dù có đau khổ đến đâu, Triệu Trì Mãn vẫn khẳng khái nói:

“Các ngươi có thể giết chết ta, nhưng để làm ta thay đổi lời khai. Thừa nhận ta cùng Trưởng tôn Vô Kỵ âm mưu phản loạn thì không thể được. Xin tấu lên Hoàng thượng, ta nguyện ý thay thế Trưởng tôn Vô Kỵ nhận tội này”.

Thế là Triệu Trì Mãn chết ở trong ngục, thi thể bị vứt ở Thành Tây, không một người thân thích nào dám đến thu nhận thi thể.

Tướng quân Vương Phương Dực biết chuyện, cảm khái nói:

“Trước kia, Loan Bố khóc thương cho Bành Việt bị sát hại. Đây là nghĩa cử coi trọng tình nghĩa lớn nhất. Chu Văn Vương hạ lệnh chôn cất hài cốt đã mục rữa, đây là trị vì nhân từ vĩ đại nhất. Đoạn tuyệt nghĩa khí với bằng hữu, che mờ lòng nhân đức của quân vương, người như vậy có thể phục vụ quân vương sao?”

Nói xong, Vương Phương Dực lệnh cho người đi đến phía Thành Tây để liệm thi thể Triệu Trì Mãn và mai táng ông theo lễ nghi.

Đường Cao Tông biết chuyện, cho rằng hành động của Vương Phương Dực là cử chỉ hào hiệp, cũng không hỏi đến việc này nữa.


“Nghĩa, giả nghi dã” , nghĩa, là phù hợp, cũng có nghĩa là điều tiết sự vật phù hợp với đạo lý. Trong lý niệm của cổ nhân, “nghĩa” thông thường chỉ đạo đức, đạo lý hoặc hành vi công bằng, chính trực và phù hợp. Nói cách khác, “nghĩa” là phải phù hợp với giá trị phổ quát của con người, chính là những giá trị mà Thần an bài cho con người trong các tín ngưỡng khác nhau, hình thành nên bộ quy tắc phổ quát để nhân loại sinh tồn.


Triệu Trì Mãn kiên định bảo vệ sự thật, thà chết chứ không muốn vu khống hãm hại người khác. Đó là giữ vững cái nghĩa của “Chân” , của “Nhẫn” . Vương Phương Dực không nỡ nhìn người tốt bị phơi thây đầu phố. Đó là đề cao nghĩa “Thiện” . Đường Cao Tông hiểu nghĩa mà không hỏi tội của Vương Phương Dực, là đề cao đạo nghĩa. Qua câu chuyện cảm động này, có thể thấy cổ nhân lý giải về chữ “Nghĩa” vô cùng tường tận, muôn màu muôn vẻ chứ không đơn giản là một khái niệm thước đo.

Cổ nhân luận giải hàm nghĩa chân thực của từ Đại nghĩa

Đăng trên ChanhKien.org

Tác giả: Chân Nguyện

Chia sẻ Facebook