Một chuyện đáng suy ngẫm về nguồn gốc của sự khổ đau

Chia sẻ Facebook
12/08/2022 18:36:47

Nỗi buồn khổ của con người đến từ đâu? Nguồn gốc của khổ đau chính là những điều mà một người không muốn buông bỏ. Kỳ thực nỗi khổ của...


Nỗi buồn khổ của con người đến từ đâu? Là đến từ ngoại cảnh, là người khác gây ra cho mình? Thật ra thống khổ hay hạnh phúc của con người thường đến từ nội tâm, đến từ niềm vui đạt được, nỗi sợ bị mất đi. Nguồn gốc của khổ đau chính là những điều mà một người không muốn buông bỏ.

(Ảnh minh họa: Mongkolchon Akesin, Shutterstock)

Chuyện kể rằng ở vùng nọ, có một khách sạn hết sức danh tiếng. Một dạo, ông chủ khách sạn phát hiện ra có một người lang thang ngày nào cũng ngồi bất động ở ghế đá công viên mà nhìn chằm chằm vào khách sạn của mình. Ông cảm thấy rất tò mò.


Đến một hôm, ông chủ khách sạn không thể kìm được, bèn đi đến chỗ người lang thang và hỏi: “Xin lỗi, anh bạn, tôi muốn hỏi anh một chút, tại sao ngày nào anh cũng nhìn chằm chằm vào khách sạn của tôi vậy?”


Người lang thang nói: “Bởi vì cái khách sạn này quá đẹp! Mặc dù tôi chỉ có hai bàn tay trắng và ngủ trên ghế đá, nhưng mỗi ngày tôi đều nhìn nó như vậy, đến tối sẽ mơ thấy mình được ngủ ở trong đó”.


Bất ngờ trước câu trả lời, ông chủ khách sạn liền hào phóng nói: “Anh bạn, đêm nay tôi sẽ cho anh được mãn nguyện, anh có thể ở miễn phí tại phòng tốt nhất của khách sạn trong một tháng”.

Sau một tuần lễ đi du lịch, ông chủ khách sạn trở lại và muốn xem thử tình hình của người lang thang kia như thế nào. Nhưng ông lại ngỡ ngàng khi phát hiện ra người lang thang đã sớm rời khách sạn, trở lại ghế đá công viên ngủ như trước đây.


Ông chủ khách sạn bèn đến hỏi người lang thang: “Rốt cuộc thì đã xảy ra chuyện gì?”


Người lang thang nói: “Lúc trước tôi ngủ trên ghế đá, mơ thấy được ở trong khách sạn, nên thấy rất vui vẻ. Nhưng khi ngủ trong khách sạn, tôi lại thường mơ thấy mình trở lại với chiếc ghế đá cứng nhắc này. Thật là đáng sợ. Cho nên tôi không thể chịu đựng được nữa!”


Kỳ thực nỗi khổ của một người rất nhiều khi không liên quan đến việc họ “có” hay “không có” thứ gì. Nguồn gốc của khổ đau là sự chấp trước, không buông bỏ được của người ta. Cổ nhân giảng rằng: “Con người sở dĩ thống khổ là bởi vì họ truy cầu quá nhiều”.

Đời người không thể việc gì cũng thuận theo lòng mình, nhưng con người lại thường hay lấy đó làm khổ. Người trí tuệ hiểu rõ rằng trong cuộc sống có những ước mơ là xa vời không thành hiện thực, có một số vấn đề vĩnh viễn không có câu trả lời, có một số chuyện luôn luôn không có kết thúc, có một số người mãi mãi không thể trở thành người thân…

Khổ đau thực sự cũng không phải có nguồn gốc ở bên ngoài, không phải bởi người khác đem đến cho mình, mà bởi sự tu dưỡng của bản thân mình chưa đủ, không có khả năng chấp nhận, không có khả năng buông tha cho một chút chấp niệm ấy. Có những việc rất đơn giản nhưng bị người ta làm phức tạp lên, rồi lại cảm thấy thống khổ. Thế gian ấm lạnh đều có, sau khi nếm đủ trăm vị, người ta mới ngộ ra: Mọi việc đều cần coi nhẹ, tuỳ duyên mới có thể yên lòng.

Hơn thế nữa, một người khi lâm vào ranh giới sinh tử mới hiểu được rằng trên thế gian này chẳng có gì là mãi mãi. Người ấy càng hiểu ra rằng hết thảy danh, lợi cũng chỉ như mây gió thoảng qua, hết thảy đều là vô thường.


Con người được Thiên thượng ban cho sinh mệnh, và cũng đồng thời được ban cho hoàn cảnh sống vô thường này. Cũng chỉ có sự an bài của tạo hóa như vậy thì con người mới biết quý trọng cuộc sống, mới có thể cảm ngộ ra rằng nhân sinh bất quá chỉ là quán trọ mà thôi. Cũng chỉ có vậy thì con người mới luôn vô ý hay hữu ý mà không ngừng tự hỏi trong suốt cuộc đời: “Ta là ai? Ta từ đâu tới? Đến thế gian này để làm gì? Chết rồi sẽ đi về đâu?”.


Người xưa có câu: “Triêu văn đạo, tịch khả tử” , sáng sớm nghe đạo, tối chết cũng an lòng. Trong tâm có thấu hiểu, có lĩnh ngộ, có buông bỏ thì mới có thể an yên mà vượt qua. Nhân sinh là vô thường, nhưng Trời đất không vận chuyển một cách tùy ý ngẫu nhiên. Từ xưa đến nay, niềm tin về một quy luật, một dòng năng lượng hài hòa chảy xuyên suốt toàn vũ trụ đã là trọng tâm của nhiều nền văn minh. Đạo gia gọi sự cân bằng ấy là “Đạo”. Đức Phật thể hiện quy luật ấy thông qua lòng từ bi đối với tất cả chúng sinh.

Con người chỉ có tu luyện, hướng về quy luật vũ trụ mà hòa tan vào, thì mới có thể buông bỏ và vượt thoát khỏi nhân thế gian, thì mới có thể thực sự nhìn thấy được sự bất biến chân thực bên trong lẽ vô thường của Trời đất.


Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập


Xem thêm:


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook