Một chương trình trợ cấp cho hàng triệu lao động có hiệu lực từ hôm nay
Chương trình này có mức hỗ trợ tối đa lên tới 9 triệu đồng/lao động.
Hôm nay (9/4/2022), Thông tư 12/2022/TT-BTC hướng dẫn nội dung và mức chi từ ngân sách Nhà nước để thực hiện nhiệm vụ xúc tiến, quảng bá và hỗ trợ phát triển du lịch chính thức có hiệu lực. Theo đó, doanh nghiệp, tổ chức trong ngành du lịch sẽ được hỗ trợ một phần kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho lao động ngành du lịch. Cụ thể:
- Người tham gia khóa đào tạo nghề đến 3 tháng được hỗ trợ theo mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 4,5 triệu đồng/người/khóa đào tạo.
- Người tham gia khóa đào tạo nghề trên 3 tháng được hỗ trợ theo mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 1,5 triệu đồng/người/tháng (thời gian hỗ trợ tối đa không quá 06 tháng). Như vậy, mức hỗ trợ không quá 9 triệu đồng/người/khóa đào tạo.
Trường hợp khóa đào tạo nghề có những ngày lẻ không đủ tháng thì từ 14 ngày trở xuống tính là ½ tháng và từ 15 ngày trở lên được tính là 1 tháng.
Ngoài ra, các doanh nghiệp, tổ chức về du lịch còn được hỗ trợ mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về quản lý Nhà nước, quản trị doanh nghiệp và đạo đức nghề nghiệp cho người lao động nghề du lịch.
Bên cạnh đó, ngân sách cũng chi tổ chức các cuộc thi trong nước tìm hiểu sáng kiến về xúc tiến, quảng bá du lịch nhằm khẳng định thương hiệu du lịch Việt Nam do Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch tổ chức. Mức chi giải thưởng tập thể tối đa 20 triệu đồng/giải thưởng, giải cho cá nhân không quá 15 triệu đồng/giải thưởng.
Đối với các hoạt động tổ chức xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam ở nước ngoài, ngân sách chi tổ chức hội nghị, hội thảo, triển lãm, họp báo, tọa đàm, lễ hội văn hóa du lịch; các sự kiện về du lịch, văn hóa, thể thao và sự kiện giới thiệu ẩm thực, văn hóa, con người Việt Nam...; chi tham dự hội chợ du lịch quốc tế ở nước ngoài gồm thuê mặt bằng, thiết kế, gian hàng, tuyên truyền quảng bá cho hoạt động tham dự hội chợ...
Thông tư mới cũng đề cập đến ngân sách chi phát triển marketing điện tử phục vụ xúc tiến, quảng bá du lịch, như xây dựng cơ sở dữ liệu, phát triển các ứng dụng cho thiết bị di động thông minh, quảng bá du lịch trên các trang mạng xã hội và các ứng dụng tìm kiếm... Nội dung này sẽ góp phần thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam theo xu hướng của nền kinh tế số.
Theo Nhã Mi
Nhịp Sống Kinh tế