Một chai nước có thể tự phân hủy sinh học, giá chỉ 2,99 USD sắp ra mắt lần đầu tiên
Dự kiến 20 triệu chiếc chai Cove sẽ được sản xuất trong 1 năm để đáp ứng nhu cầu từ “khá nhiều nhà bán lẻ và thương hiệu lớn”.
Chai Cove hình trụ mỏng, trắng sữa như vỏ trứng và có nắp đậy vừa vặn. “Nếu ai đó đưa nó cho bạn, có thể bạn sẽ nghĩ đây chỉ là chiếc chai nhựa bình thường”, Alex Totterman, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành Cove, chia sẻ với tờ Bloomberg.
Nhiều năm trở lại đây, các nhà khoa học đã cố gắng nghiên cứu các giải pháp thay thế bao bì sử dụng hàng ngày bằng vật liệu tự nhiên không gây ô nhiễm, chẳng hạn như ống hút giấy. Rất nhiều thách thức đã được đặt ra, song điều này không ngăn cản hành trình 5 năm của Cove: từ khi thai nghén ý tưởng đến lúc ra mắt thị trường và trở thành chai nước đầu tiên “có thể phân hủy sinh học hoàn toàn”. Trong những tháng tới, Totterman cho biết Cove sẽ được bày bán tại các cửa hàng tạp hóa với giá 2,99 USD.
Trước đó, Cove dự định ra mắt thị trường vào tháng 2/2019 song thất bại. Đến tháng 10/2020, kế hoạch lên kệ sản phẩm vào đầu năm 2021 cũng chưa thể thực hiện. Đại dịch và sự chậm trễ của chuỗi cung ứng đã khiến kế hoạch của công ty khởi nghiệp này trật nhịp.
Theo Bloomberg, Cove đã huy động thành công 20 triệu USD kể từ năm 2018 từ một số chuyên gia, chẳng hạn như đồng sáng lập Salesforce Marc Benioff, người thừa kế truyền thông James Murdoch và Valor Equity Partners. Totterman cũng đã nhận được khoản vốn đầu tư từ Diplo, Kygo, ca sĩ Ellie Goulding và một số ngôi sao nhạc pop khác. Ai nấy đều chờ đợi được cầm trên tay một chiếc chai nhựa vứt đi không cần cảm thấy tội lỗi.
Quá trình sản xuất chai Cove đã được tờ Bloomberg ghi lại. Đầu tiên, RWDC Industries, một nhà cung cấp hóa chất có trụ sở chính tại Georgia, Mỹ, sẽ thu gom dầu ăn từ các nhà hàng và lên men chúng thành polyhydroxyalkanoates, hay PHA, một loại polymer hòa tan trong nước hoặc đất nhưng không chứa bất kỳ dư lượng độc hại nào. RWDC sau đó đưa hợp chất này đến nhà kho của Cove ở phía bắc Los Angeles, tạo nén và thêm một số thành phần bí mật vào công thức pha chế.
Các viên PHA nhỏ cuối cùng được chuyển đến nhà máy của Cove, đi qua máy hút ẩm, sàng lọc kim loại, kéo căng và tạo hình. Mực in trên chai được làm từ tảo nhằm mục đích phân hủy sinh học. Ước tính, nó sẽ mất chưa đầy 5 năm để phân hủy hoàn toàn trong nước và đất.
Khi công ty quyết định mở một nhà máy cho riêng mình vào đầu năm 2021, Cove phát hiện ra vật liệu sản xuất chai không dễ đoán như mình tưởng. Nếu PHA quá lạnh, nó sẽ giòn. Nếu PHA quá nóng, nó sẽ mềm. Trong một lần chạy thử nghiệm, nhiệt độ cao khiến sàn nhà máy của Cove xuất hiện hơi nước và có mùi thơm cay nồng của caramel (một đặc tính của PHA).
Thời gian đầu, Cove sẽ vận chuyển các viên PHA đến phòng thí nghiệm để kiểm tra đặc tính vật lý. Quá trình này mất khá nhiều thời gian.
“Nó không đủ nhanh. Vì vậy, công ty đã xây dựng một phòng thí nghiệm của riêng mình: một phòng với 8 máy đo khả năng phục hồi, điểm nóng chảy và trọng lượng phân tử PHA”, Agnes Steckler, giám đốc nghiên cứu của Cove nói, đồng thời cho biết phòng thí nghiệm này đã tiêu tốn hàng triệu USD của công ty.
“Chúng tôi đã chấp nhận lùi lại một bước để tiến hai bước”, Totterman nói.
Tuy nhiên, khi Cove bắt đầu tiến hành sản xuất hàng loạt, một vấn đề nữa phát sinh: chất lượng các chai hầu hết đều không đủ tốt để chịu lực rơi từ độ cao vài feet. “Hóa ra, rất khó để đưa một công nghệ mới ra thị trường”, Peter Rahal, một nhà đầu tư vào Cove cho biết.
Ngoài Cove, rất nhiều công ty cũng đã nỗ lực tạo ra loại nhựa có thể tự phân huỷ. Năm 1990, hãng công nghiệp ICI của Anh công bố loại nhựa thân thiện với môi trường được làm từ hỗn hợp vi khuẩn và đường glucose sau 15 năm phát triển. ICI cho biết vật liệu này đã hấp thụ đủ CO2 để tương thích với lượng khí thải từ quá trình sản xuất, sau đó được tung ra thị trường lần đầu tiên dưới dạng chai dầu gội đầu ở Đức. Sáu năm sau, ICI bán bằng sáng chế cho Monsanto, sau đó chuyển nhượng dự án phân hủy sinh học cho một công ty có tên Metabolix.
Trong khi đó, các gã khổng lồ về thực phẩm và đồ uống, dưới áp lực phải loại bỏ đáng kể nhựa khỏi quy trình sản xuất, đã thử nghiệm rất nhiều các phương pháp thay thế tự nhiên, song không phải dự án nào cũng thành công. Năm ngoái, Coca-Cola đã phải từ bỏ kế hoạch sản xuất bao bì làm từ thực vật vì cho rằng người tiêu dùng chỉ thích các sản phẩm chai nhựa có thể tái sử dụng.
Trước đó, Danimer Scientific Inc., một công ty dự định sản xuất ống hút, túi Skittles và chai rượu rum sử dụng PHA có nguồn gốc thực vật, đã bị các nhà khoa học chỉ trích vì “làm quá” khả năng tự phân hủy của chúng. Trong khi đó, thành phần chính của chai Cove đã được tổ chức chứng nhận Tüv Austria xác nhận có thể phân hủy sinh học.
Sau khi bắt tay với các nhà thầu, Totterman quyết định đưa quy trình của Cove vào nội bộ, đồng thời chiêu mộ một vài nhà khoa học dù không ai trong số họ là chuyên gia PHA. Trước Cove, Totterman từng làm việc cho một công ty khởi nghiệp về máy lọc nước ở quê hương Anh.
“Chúng tôi đang cố gắng tìm ra các tiêu chuẩn bởi vì không có bản thiết kế ban đầu”, Totterman nói.
Tuy nhiên, khó khăn vẫn hiện hữu khi Luật môi trường tại California phân loại PHA như một loại nhựa, qua đó hạn chế số lượng vật liệu mà Cove có thể sử dụng. Lạm phát cũng khiến giá cả thay đổi.
Hai năm trước, Cove hứa hẹn cho ra mắt sản phẩm với giá 2,29 USD/chai, song buộc phải tăng thêm 70 xu do nguyên liệu thô đầu vào tăng vọt. Với Totterman, việc mong đợi người tiêu dùng tái sử dụng chai lọ hoặc tái chế thường xuyên hơn là một điều rất “ngây thơ”, song thực tế, vẫn có rất nhiều thương hiệu sẵn sàng mong chờ, chỉ để tạo ra những sản phẩm thực sự thân thiện với môi trường.
Theo: Bloomberg
Vũ Anh