Một anh hùng hàng không vũ trụ bị kết án oan vì tu luyện Pháp Luân Công
Khuất Nguyên là một nhà thơ nổi tiếng trong lịch sử. Câu chuyện theo đuổi chân lý và sự thanh bạch của ông được lưu truyền ngàn năm. Hậu thế bình phẩm rằng chí khí và tiết tháo của ông “có thể sánh cùng nhật nguyệt” . Hàng ngàn năm sau, ông Hùng Huy Phong sinh ra ở huyện Tỷ Quy, tỉnh Hồ Bắc, quê hương của Khuất Nguyên, không phải nhà thơ, cũng không làm quan trong triều, mà là một nhà khoa học, nhưng ông cũng kiên cường bất khuất, cương trực như Khuất Nguyên vậy.
Với khuôn mặt vuông chữ Điền, đôi mắt cương nghị, lông mày rậm và đôi môi dày, ông Hùng Huy Phong trong bức ảnh, trông giống một học giả nghiêm nghị, chỉn chu khi đứng trước người vợ nhút nhát của mình. Ông và vợ mình, bà Lưu Nguyên Kiệt, đều là những trí thức cấp cao.
Ông Hùng Huy Phong sinh năm 1938, là con trai út trong gia đình có 6 anh chị em. Tuy là em út nhưng ông không hề được nuông chiều, ngược lại, từ nhỏ ông đã rất chăm chỉ học hành. Khi thi đại học, ông không chỉ thi đỗ Học viện Công nghệ Bắc Kinh, mà còn là thủ khoa của kỳ thi tuyển sinh đại học ở tỉnh Hồ Bắc.
Vợ của ông, bà Lưu Nguyên Kiệt, là một thần đồng đáng kinh ngạc. Bà ấy nhảy hai lớp ở trường trung học và được nhà trường gửi thẳng đến Học viện Công nghệ Bắc Kinh. Hai người trở thành bạn học cùng trường.
Vào những năm 1960, khi 2 ông bà tốt nghiệp đại học, lúc đó ngành hàng không vũ trụ của Trung Quốc đang phát triển ở giai đoạn đầu, nên họ được phân công làm việc trong Viện nghiên cứu 8358 của Bộ Hàng không và Du hành vũ trụ.
Chuyên ngành của ông Hùng Huy Phong là ra-đa lazer. Sau khi vào viện, ông đã giữ đúng chức trách của mình và làm việc rất tận tâm. Có thể nói ông đã cống hiến hết mình cho công việc nghiên cứu.
Tuy nhiên, ông mới gia nhập viện được vài năm thì đến năm 1966, Cách mạng Văn hóa bắt đầu.
Dưới khẩu hiệu “Cách mạng vô tội, phản nghịch có lý” của Hồng vệ binh, các di tích văn hóa và văn vật nghìn năm đã bị phá hủy, giáo viên cùng phụ huynh bị học sinh và con em mình đấu tố một cách tàn nhẫn, đạo đức luân lý trong xã hội truyền thống hoàn toàn biến mất.
Cha của ông Hùng Huy Phong là một cán bộ kỳ cựu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Ông từng giữ chức quận trưởng, nhưng cuối cùng lại bị quân nổi dậy đánh chết, mẹ của ông cũng phát điên. Rất khó khăn, ông mới có thể vượt qua đại kiếp 10 năm này.
Từ những năm 1980 – 1990, với tư cách là một học giả trao đổi, ông Hùng Huy Phong được cử đến Thụy Sĩ và Hoa Kỳ. Ông sống và làm việc ở nước ngoài gần 10 năm.
Theo quy định của Cục Di trú Thụy Sĩ lúc bấy giờ, với thân phận của mình, ông hoàn toàn có thể xin cư trú vĩnh viễn. Vì tố chất chuyên môn của ông quá xuất sắc, nên những người đồng nghiệp của ông tại Thụy Sĩ cũng tích cực thuyết phục ông ở lại.
Nhưng ông đã từ chối công việc và đãi ngộ cao cấp mà Thụy Sĩ đưa ra. Dù thân ở nước ngoài, nhưng tâm ông vẫn luôn hướng về việc xây dựng ngành hàng không vũ trụ của đất mẹ, nên cuối cùng ông đã từ chối.
Trong bức ảnh chụp chung với các chuyên gia nước ngoài, với hàng lông mày rậm và đôi mắt to cười rạng rỡ, ông Hùng Huy Phong mặc một chiếc áo sơ mi màu chàm cổ phẳng, với hàng cúc được cài tỉ mỉ.
Trong những năm tháng huy hoàng nhất của đời mình, với đôi mắt đen láy, khóe miệng lộ ra một nụ cười ý nhị, gương mặt ông không hề có chút cao ngạo, chỉ toát lên một vẻ chính trực.
Bất chấp những khó khăn của Cách mạng Văn hóa, ông Hùng Huy Phong vẫn sống như một bậc quân tử nho nhã. Những đồng nghiệp từng làm việc với ông không chỉ ngưỡng mộ tài năng, mà còn cảm phục nhân phẩm, sự tốt bụng, giản dị và chính trực của ông.
Năm 1985, ông giành được “Giải Tiến bộ Khoa học và Công nghệ Quốc gia”, năm 1993, ông đạt “Giải Quỹ Khoa học và Công nghệ Quang Hoa”. Từ những giải thưởng cao cấp này, có thể thấy được sự chuyên nghiệp và những đóng góp của ông cho xã hội.
Ông Hùng Huy Phong có danh tiếng hiển hách là vậy, vợ ông – bà Lưu Nguyên Kiệt cũng xuất sắc không kém. Bà Lưu đạt nhiều thành tích trong lĩnh vực tên lửa hàng không, nhiều lần đạt giải thưởng nhì và giải 3 của Bộ Hàng không Vũ trụ, có uy tín cao trong Bộ Hàng không Vũ trụ và viện nghiên cứu.
Những danh hiệu và danh tiếng này là thành quả lao động suốt những đêm quên ăn mất ngủ của vợ chồng ông. Hậu quả là sức khỏe của họ dần sa sút, và một số bệnh mãn tính ập đến.
Cuối năm 1995, khi đang đi công tác, ông Hùng Huy Phong vô tình nhận được cuốn sách “Chuyển Pháp Luân”. Khi đó là thời điểm Pháp Luân Đại Pháp đang được truyền bá khắp Trung Quốc, khắp mọi nơi trong các công viên và trên quảng trường đều nhìn thấy mọi ngươi đang luyện tập các bài công pháp.
Là một người làm công tác khoa học và công nghệ cẩn trọng, ông Hùng Huy Phong không ngừng nghiên cứu và xác minh, không ngừng tìm kiếm sự tiến bộ và chân lý. Thái độ này đã xuyên suốt trong cuộc sống của ông. Khi đọc xong cuốn “Chuyển Pháp Luân”, ông vô cùng kinh ngạc và bị thuyết phục bởi nội dung cuốn sách. Ông đã thốt lên: “Đây mới là khoa học thực sự” .
Ông hào hứng nói với cả gia đình rằng: “Tôi sẽ tu luyện Pháp Luân Công”.
Chịu ảnh hưởng của chồng, bà Lưu Nguyên Kiệt cũng bắt đầu đọc các sách của Pháp Luân Công. Vị chuyên gia về tên lửa ưu tú này cũng rất xúc động trước những nguyên lý sâu sắc của Phật pháp được trình bày trong cuốn sách, đến nỗi bà và chồng mình đã cùng nhau bước trên con đường tu luyện Phật pháp.
Vào thời điểm đó, hai vợ chồng ông mắc đủ các loại bệnh mãn tính vì nhiều năm làm công tác nghiên cứu khoa học.
Bà Lưu Nguyên Kiệt mắc bệnh tim nghiêm trọng, bên cạnh bà luôn có “Thuốc trợ tim đặc hiệu”. Vì bị bệnh tim, nên bà thường rất yếu ớt và không thể đảm đương được bất cứ công việc chân tay nào, thậm chí những tiếng ồn xung quanh cũng có thể khiến nhịp tim của bà tăng lên. Những việc nhà như giặt giũ, nấu nướng đều do chồng con đảm nhận. Bà Lưu thường xuyên thở dài vì điều này, cảm thấy mình là gánh nặng cho gia đình.
Nhưng không lâu sau khi tu luyện Pháp Luân Công, bệnh tim của bà đã hoàn toàn bình phục. Bà không phải dùng bất kỳ loại thuốc nào. Bà đã chủ động đảm nhận việc nhà. Sau khi bình phục, bà có thể đi bộ 10km đến một công viên rộng lớn. Từ những bước đi mạnh mẽ của bà, không ai có thể biết được trước đây bà là một bệnh nhân tim nặng. Đồng thời, ông Hùng Huy Phong cũng nhận thấy rằng căn bệnh mãn tính của mình đã được chữa khỏi mà không cần thuốc.
Hai vợ chồng bà ngạc nhiên trước những thay đổi về thể chất và tinh thần mà họ đã trải qua sau khi tu luyện, và bắt đầu tích cực tham gia luyện tập các bài công pháp và các hoạt động truyền Pháp.
Có lần, ông Hùng Huy Phong đã chi 10.000 nhân dân tệ (NDT, khoảng 35 triệu VNĐ) mua sách Pháp Luân Công và tặng miễn phí cho những người hữu duyên. Ông cũng tham gia các hoạt động truyền bá Pháp của Pháp Luân Công vào những ngày nghỉ.
Vào thời điểm đó, có khoảng 800 nhân viên trong Viện nghiên cứu 8358. Trong nhóm trí thức cấp cao này, gần 1/10, khoảng 80 người như ông Hùng Huy Phong và vợ ông, đã tập Pháp Luân Công một cách công khai.
Tuy nhiên, vào năm 1999, ĐCSTQ đã phát động một cuộc đàn áp đối với Pháp Luân Công. Ông Hùng Huy Phong và bà Lưu Nguyên Kiệt khi đó đã ở tuổi 60.
Họ đã cống hiến phần lớn cuộc đời mình cho các dự án quốc gia và rất được kính trọng trong lĩnh vực chuyên môn. Có lẽ ông không thể ngờ rằng vợ chồng ông sẽ giống như cha mình, cuối đời lại gặp phải kiếp nạn, lâm vào cảnh thê lương.
Năm 2000, ông Hùng Huy Phong bị kết án 3 năm lao động cưỡng bức phi pháp vì tu luyện Pháp Luân Công. Trong quá trình này, các nhân viên tại đồn cảnh sát liên tiếp quấy rối gia đình ông. Thậm chí họ còn bắt cóc bà Lưu và con trai của ông bà vào “lớp học tẩy não”, buộc 2 người phải từ bỏ đức tin, từ bỏ tu luyện.
Chưa bao giờ gặp phải cảnh tượng tàn bạo và dã man như vậy, vì sợ hãi quá mức, bệnh tim nhiều năm của bà Lưu Nguyên Kiệt đột nhiên tái phát. Khi bị bắt cóc đến trung tâm tẩy não, bà ngã quỵ xuống đất. Cảnh sát đành phải đưa bà ấy về nhà, nhưng con trai bà vẫn bị giam trong một trung tâm tẩy não và bị tẩy não cưỡng bức 1 tháng sau mới được thả.
Một ngày sau khi ông Hùng Huy Phong bị lao động cải tạo phi pháp, gia đình ông tình cờ tìm thấy 25 bức thư cảm ơn khi đang sắp xếp lại tủ sách của ông. Những người gửi đến là từ các tỉnh Hà Nam và Hồ Bắc, các em là những đứa trẻ nghèo được ông Hùng hỗ trợ tài chính. Ngoài ra, còn có hơn 20 thẻ quyên góp do “Quỹ Phát triển Thanh thiếu niên Trung Quốc” cấp.
Lúc này, gia đình ông mới biết rằng từ năm 1995, ông Hùng Huy Phong đã bắt đầu quyên góp tiền, giúp trẻ em ở những vùng nghèo khó, hoàn thành chương trình tiểu học. Ít nhất 22 em đã được ông Hùng giúp đỡ.
Gia đình ông rất ngạc nhiên vì ông chưa bao giờ đề cập chuyện này với ai. Họ đọc từng chữ bức một cách chậm rãi. Một em viết: “Con đã sắp lên lớp 6. Nếu không có sự hỗ trợ của chú, con không biết giờ này đang lưu lạc ở đâu và tương lai con sẽ là một kẻ mù chữ, một gánh nặng cho xã hội. Giờ đây chú đã cho con một cuộc đời mới.”
Có em viết: “Khi cô giáo trao số tiền mà chú gửi cho con, và nói rằng chú Hùng tài trợ học phí cho con, con đã khóc vì xúc động.”
Nhiều em gọi ông Hùng Huy Phong là “ân nhân”. Lời cảm ơn giản dị và chân thành nhất của các em được thể hiện qua từng con chữ. Một em khác viết: “Chú Hùng à, con không biết phải nói gì, con chỉ biết tự nhủ rằng ‘Chú Hùng, chú thật là một người tốt! Cầu mong cho người tốt được sống một đời bình an!’”
Nhưng bọn trẻ không biết rằng chú Hùng, một người tốt trong lòng chúng, lúc này lại đang ở trong trại lao động cưỡng bức, bị tra tấn bằng cách cắm que tre vào đầu ngón tay vì không chịu từ bỏ đức tin.
Sau khi bị giam giữ và bức hại trong trại lao động trong 3 năm, dù đã trở về nhà, nhưng ông Hùng Huy Phong vẫn tiếp tục bị đàn áp. Từ khi bị đưa đi cải tạo lao động, viện nghiên cứu chỉ cấp cho ông một chút sinh hoạt phí. Kể từ đó, trợ cấp đặc biệt của chính phủ cũng bị đình chỉ, việc tăng lương bình thường theo cấp bậc cũng bị hủy bỏ. Lương hưu của ông Hùng ít hơn khoảng 1.000 NDT (khoảng 3,5 triệu VNĐ) so với nhân viên cùng cấp.
Ông Hùng Huy Phong từng là Phó giám đốc Viện nghiên cứu 8358 của Bộ Hàng không và Du hành Vũ trụ, kiêm giám đốc của Hiệp hội Du hành Vũ trụ Trung Quốc. Ông đã cống hiến hết mình cho ngành hàng không vũ trụ suốt 40 năm, có thể nói là đức cao vọng trọng trong lòng mọi người.
Đồng nghiệp của ông rất phẫn nộ khi biết tin chính quyền đàn áp và bắt bớ người anh hùng này. Họ đã tận mắt chứng kiến những đóng góp và tấm lòng trung thành của ông dành cho đất mẹ.
Sáng 26/8/2014, ông Hùng nghe có người gọi cửa, dường như là người quen. Không ngờ, ngay khi cửa vừa mở, một nhóm cảnh sát mặc thường phục đã xông vào. Họ không có lệnh khám xét, không có bất kỳ giấy tờ gì, nhưng giữa thanh thiên bạch nhật, lại trói vị lão nhân đáng kính này trực tiếp đưa vào trại giam.
Sau khi ông bị đưa đi, các nhân viên cảnh sát còn lại đã lục tung các tủ và ngăn kéo. Họ đánh cắp máy tính xách tay, máy in, sách liên quan đến Pháp Luân Công, cùng nhiều vật dụng cá nhân như tiền mặt.
Sau đó vài ngày, cảnh sát gửi danh sách các vật dụng để gia đình ký tên, và mang danh sách đi. Gia đình của ông không thể xác nhận có bao nhiêu vật dụng cá nhân đã bị cảnh sát thu giữ.
Nghe động tĩnh bắt người, lục soát nhà, hàng xóm lặng lẽ thò đầu ra. Họ bàn tán về cách hành xử của công an: “Bọn này như kẻ cướp. Tham quan ô lại, lưu manh côn đồ thì làm ngơ, người tốt như vậy cứ hành lên hành xuống.”; “Chẳng phải chỉ là tu luyện Pháp Luân Công thôi sao?”; “Hài, đây đã là lần thứ 3 rồi … Nhóm người này thật thất đức.” Hàng xóm láng giềng đều cảm thấy bất bình thay cho gia đình ông.
2 tháng sau, Viện Kiểm sát Nam Khai đã đệ đơn truy tố công khai lên Tòa án Nam Khai. Trong khi chờ xét xử, ông Hùng Huy Phong, 76 tuổi, vẫn đang bị giam trong tù.
Việc chồng mình vô duyên vô cớ bị bỏ tù một lần nữa đã khiến tinh thần và thể xác của bà Lưu Nguyên Kiệt đều suy sụp. Sức khỏe bà ngày càng hao mòn, tinh thần ngày càng sa sút. Ban đêm, bà Lưu không thể ngủ được. Bà thường kinh hãi nói với các con: “Công an lại đến rồi, lại muốn bắt cha con đi”.
Hàng đêm, con trai bà Lưu phải đợi mẹ ngủ say rồi mới dám đi nghỉ. Con gái bà đã nghỉ việc ở nhà để lo cơm nước cho mẹ và không thể ra ngoài tìm việc suốt một thời gian dài.
Đồng thời, họ phát hiện ra rằng viện nghiên cứu đột ngột ngừng chi trả toàn bộ số tiền lương hưu của ông Hùng. ĐCSTQ đang cố gắng cắt đứt nguồn kinh tế của gia đình họ, nhằm khiến họ phải khuất phục.
Sau khi ông Hùng Huy Phong bị bỏ tù, người ta thường thấy bà Lưu đứng trước cửa sổ trong một tòa nhà dân cư, già nua, gầy gò và ốm yếu. Bà nhìn về phía xa xăm, đôi mắt đờ đẫn như chờ đợi sự trở về của ông.
Lúc bấy giờ, những người lạ đi ngang qua chắc hẳn không thể ngờ được rằng bà cụ gầy gò này từng là một tài nữ thanh cao. Những người thân quen chỉ biết thở dài khi nhìn thấy dáng vẻ của bà. Hàng xóm họ chỉ biết phẫn nộ trong lòng, và âm thầm giúp đỡ gia đình bà Lưu vượt qua khó khăn.
Cuối cùng, bà Lưu cũng không thể chờ được ngày chồng mình trở về. Ngay sau Tết năm 2015, ngày 3/3, bà đã ngậm oan lìa đời.
Một ngày sau cái chết của bà Lưu, các con của bà đã chạy đôn chạy đáo cả ngày trời giữa trại tạm giam, đồn cảnh sát và tòa án, mong đưa được cha về nhà gặp mẹ lần cuối. Nhưng trước sự đùn đẩy của nhiều đơn vị, cuối cùng ông Hùng đã không thể về nhà gặp vợ lần cuối.
Cặp đôi gắn bó với nhau hàng chục năm nay đã vĩnh viễn âm dương cách biệt.
Ngày 14/8/2015, sau 1 năm ông Hùng bị giam giữ bất hợp pháp dù chưa bị kết án, cuối cùng Tòa án Nam Khai đã tổ chức một phiên tòa xét xử. Tại tòa, ông Hùng Huy Phong, 77 tuổi, tinh thần vẫn rất minh mẫn, đã nghiêm túc chỉ ra một cách công bằng rằng: “Không có luật nào quy định Pháp Luân Công là một tà giáo.” Ông nhấn mạnh, người dân có quyền tự do tín ngưỡng nên việc ông ấy tu luyện Pháp Luân Công theo đức tin của mình là vô tội.
Lúc đó, đôi mắt của ông đen láy, vẫn lấp lánh như thời còn trẻ. Ông không hề sợ hãi nhìn thẳng vào những người đã xét xử mình trước tòa, kiên quyết bảo vệ bản thân và Pháp Luân Công.
Ông Hùng Huy Phong và luật sư bào chữa rất mạnh mẽ, công tố viên và thẩm phán không thể đối chấp. Giống như một trò hề, phiên tòa phi pháp này đã không thể khép lại.
Phiên tòa thứ 2 được tổ chức vào ngày 25/11/2015. Nhưng tòa án chỉ thông báo cho luật sư 1 ngày trước phiên xử, khiến luật sư không kịp liên lạc với người nhà của ông Hùng, và họ đã không thể có mặt tại phiên tòa.
Điều vô lý hơn nữa là phiên tòa này kết thúc vội vàng chỉ trong 10 phút. 2 tuần sau, ông Hùng Huy Phong nhận được bản án dành cho mình, ông bị kết án oan 7,5 năm tù. Ông ngay lập tức gửi đơn kháng cáo.
Gia đình ông đã thuê một luật sư từ Bắc Kinh để bào chữa cho ông trong phiên sơ thẩm thứ 2. Sau khi nói chuyện với ông, luật sư không khỏi cảm thán: “Thật sự rất hân hạnh khi được giao tiếp với một ông cụ đáng kính như vậy.”
Trong quá trình bào chữa lần 2, vị luật sư này đã trình bày rất mạch lạc với bằng cớ xác đáng. Đầu tiên ông chỉ ra rằng luật đã bị lạm dụng và sử dụng sai, vi phạm hiến pháp bảo đảm quyền tự do ngôn luận và tín ngưỡng; quá trình điều tra, thu thập chứng cứ của nhân viên chấp pháp là bất hợp pháp và không rõ ràng.
Luật sư nói: “Ông Hùng Huy Phong đối xử tốt với mọi người, và yêu cầu bản thân làm một người tốt theo tiêu chuẩn Chân – Thiện – Nhẫn. Ông không những không có ý đồ thực hiện bất kỳ hành vi nào gây nguy hiểm cho xã hội hoặc phá hoại luật pháp mà cũng chưa từng làm vậy.”
Cuối cùng, luật sư chỉ ra rằng: “Ông Hùng Huy Phong, người hiện đã 78 tuổi, có lẽ sẽ là bị cáo Pháp Luân Công bị giam giữ lớn tuổi nhất ở Trung Quốc Đại Lục với bản án 7,5 năm. Không biết các công tố viên và thẩm phán xử lý vụ án này có nhờ vậy mà được ‘sử sách lưu danh’ hay không.”
Tuy nhiên, vào ngày 9/3/2016, Tòa án cấp trung số 1 Thiên Tân đã trực tiếp đưa ra phán quyết hình sự mà không qua xét xử hay thông báo cho luật sư và người nhà, trực tiếp bác đơn kháng cáo của ông Hùng Huy Phong, giữ nguyên bản án 7,5 năm. 20 ngày sau bản án, gia đình ông Hùng mới nhận được phán quyết sơ thẩm lần 2. Lúc đó ông đã bị tống vào tù.
Mùa xuân năm 2018, tin tức xuất hiện từ nhà tù Tân Hải rằng trong khi bị giam giữ phi pháp tại nhà tù quận Nam Khai, toàn bộ răng của ông đều bị gãy và ông không thể ăn uống bình thường được nữa, hàng ngày ông chỉ có thể uống canh và ăn bánh quy. Người ông gầy gò, rất khó ngồi dậy đi lại, trước Tết Nguyên đán, ông còn bị “cảm sốt”.
Trong bài Sở từ “Ngư phủ”, Khuất Nguyên từng nói: “An năng dĩ hạo hạo chi bạch, mông thế tục chi trần ai hồ!” Nghĩa là “Sao lại đem cái tiết sáng ngời mà vùi vào bụi bặm của đời?” (Bản dịch của Đào Duy Anh) Còn ông Hùng Huy Phong, người đang ở trong tù, lại nói: “Tôi vô tội, trong sạch và minh bạch. Không bụi trần nào có thể vấy bẩn.”
Dẫu tóc đã bạc phơ, dẫu bị vu oan, hãm hại, thân trong chốn lao tù, ông vẫn kiên định đức tin của mình, không chấp nhận bản án phi pháp, và tuyên bố sự trong sạch của mình với thế giới bằng cách kiên trì khiếu nại. Năm 2016, khi đang ở trong tù, ông vẫn gửi một lá đơn lên Tòa án cấp cao Thiên Tân, cho biết ông sẽ tiếp tục kháng cáo.
Ngay cả khi những người thời đó không hiểu, thì từ lâu lịch sử đã trả lại thanh danh cho Khuất Nguyên. Tin chắc rằng vào một ngày không xa, nỗi oan khuất của ông Hùng Huy Phong, người có những cống hiến xuất sắc cho Trung Quốc trong lĩnh vực hàng không vũ trụ, cũng sẽ được gột sạch. Sự thật về cuộc bức hại Pháp Luân Công cuối cùng sẽ được cả thế giới biết đến.
Theo Minghui.org