Mong chờ hỗ trợ tiền nhà trọ
Sẽ có hơn 3 triệu người lao động nhận được tiền hỗ trợ nhà trọ từ Chính phủ trong thời gian tới, mức hỗ trợ từ 500.000 - 1 triệu đồng/tháng tùy theo nhóm lao động. Thời gian hỗ trợ tiền nhà trọ là 3 tháng.
Theo ông Phan Văn Anh - phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, đây là sự nỗ lực của Chính phủ trong bối cảnh thu ngân sách khó khăn. Và chính sách này cần triển khai sớm để có hiệu quả tối đa.
Công nhân sẽ bớt khó khăn
Anh Lê Xuân Giáp (37 tuổi, công nhân tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, TP Hà Nội) vui vẻ cho biết số tiền nhà nước hỗ trợ từ 500.000 - 1 triệu đồng/tháng không lớn nhưng đây sẽ là khoản tiền quan trọng giúp cho cả gia đình lúc này. Khoản hỗ trợ sẽ bù đắp phần nào cho việc trang trải cuộc sống của hai vợ chồng và các con trong những tháng tới.
Dù làm công nhân đã nhiều năm tại Hà Nội nhưng lương công nhân lắp ráp điện tử của cả hai vợ chồng anh Giáp chỉ khoảng 15 triệu đồng/tháng. Hai vợ chồng phải thường xuyên tăng ca để có thể trả đủ loại chi phí tiền thuê trọ, tiền ăn, tiền học hành và khám chữa bệnh của các con mỗi khi đau ốm.
Anh Giáp nhẩm tính tiền nhà trọ, tiền điện, tiền nước sinh hoạt, mỗi tháng của gia đình từ 2,2 - 2,5 triệu đồng, tiền ăn khoảng 4 triệu đồng/tháng. Từ đầu năm đến nay cái gì cũng tăng giá, mớ rau ngoài chợ cũng tăng nên gia đình anh chi cho khoản tiền ăn thường bị hụt. Cuộc sống khó khăn nhưng anh Giáp cho rằng không thể xin giảm thêm tiền nhà trọ vì giá thuê đã rất thấp rồi.
Thôn Bầu và thôn Hậu Dưỡng, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, TP Hà Nội là nơi hàng ngàn công nhân Khu công nghiệp Bắc Thăng Long đang thuê trọ. Cả thôn lúc nào cũng tấp nập công nhân ra vào giờ tan ca. Lướt qua khu chợ công nhân cuối buổi chiều, lúc tan tầm ai cũng cảm nhận rất rõ cái khó khăn của những người công nhân ở trọ nơi đây. Những gương mặt trẻ vừa tan ca đã tấp vội vào khu chợ bên đường chỉ kịp mua vài bìa đậu, vài lạng thịt ba chỉ và một mớ rau muống về lo bữa tối.
Từ Tuyên Quang xuống Hà Nội làm công nhân gần 10 năm nay nhưng anh Nguyễn Văn Nam - công nhân mài hàn cơ khí - chưa thể mua nổi căn nhà thu nhập thấp để ở. Hai vợ chồng anh Nam vẫn sống trong căn nhà trọ khoảng 25m2 tại thôn Bầu. Anh Nam cho biết tiền nhà trọ của hai vợ chồng 2 triệu đồng/tháng chưa kể điện nước. Nếu được Nhà nước hỗ trợ thêm 500.000 đồng/tháng sẽ giảm bớt phần nào khó khăn của hai vợ chồng, trong lúc mọi thứ sinh hoạt đều tăng giá hiện nay.
Trong khi đó, Truyền - một công nhân từ Yên Bái vừa quay lại thôn Hậu Dưỡng để đi làm trở lại - nhẩm tính với 3 triệu đồng hỗ trợ của Nhà nước trong thời gian tới, anh có thể đóng tiền nhà 6 tháng. Phòng trọ của Truyền chưa đầy 10m2, phía trên lợp fibro ximăng tạm bợ, sàn lát ximăng, trong phòng chỉ có cái giường, tủ quần áo, cái tủ lạnh cũ mua lại từ đồng nát với vài thứ đồ lặt vặt. "Hai vợ chồng đi làm cả ngày, tối về là lăn ra ngủ nên mình quyết định thuê một trong những căn phòng trọ rẻ nhất thôn để dành tiền nuôi con", Truyền tâm sự.
Cần hỗ trợ sớm nhất
Theo nghị quyết số 11 của Chính phủ về chương trình phục hồi kinh tế xã hội 2022 - 2023, tổng kinh phí hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế trọng điểm là 6.600 tỉ đồng. Hai nhóm công nhân, người lao động được hỗ trợ gồm: người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp được hỗ trợ 500.000 đồng/tháng; người lao động quay trở lại thị trường lao động được hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng. Mức hỗ trợ cả hai nhóm công nhân lao động này là 3 tháng tiền thuê nhà và thời gian thực hiện hỗ trợ trong 6 tháng đầu năm 2022.
Hiện Bộ Lao động - thương binh và xã hội đang trình Thủ tướng dự thảo quyết định hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Theo dự thảo tờ trình được bộ này gửi lên Thủ tướng, điều kiện hỗ trợ tiền thuê trọ với người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp là: đang ở thuê, ở trọ trong khoảng thời gian từ ngày 1-3 đến 30-6; có hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên được giao kết và thực hiện trước ngày 1-3; đang làm việc trong các doanh nghiệp.
Đối với nhóm lao động vừa quay lại thị trường lao động được hỗ trợ tiền thuê nhà ở mức 1 triệu đồng/người/tháng, có 3 điều kiện để được nhận hỗ trợ: đang ở thuê, ở trọ trong khoảng thời gian từ ngày 1-3 đến 30-6; có hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên, được giao kết từ ngày 1-3 đến 30-6; đang làm việc trong các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh.
Trao đổi với Tuổi Trẻ về gói hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho công nhân, ông Phan Văn Anh - phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam - cho rằng thời điểm hỗ trợ tiền nhà trọ cho công nhân, người lao động lúc này là phù hợp. Nhưng quy trình, thủ tục phải làm sao để hỗ trợ được sớm cho công nhân vì lúc này họ cần nhất.
Cũng theo ông Anh, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đang nắm rất chắc hệ thống công đoàn cơ sở, thường xuyên nắm bắt tình hình nhà trọ của công nhân. Tổng liên đoàn đã chỉ đạo các cấp công đoàn, đặc biệt là công đoàn cơ sở nắm bắt tình hình thuê nhà, thuê trọ của người lao động ở đâu, địa chỉ chỗ nào và phối hợp cùng với chủ sử dụng lao động để có những đề xuất, kiến nghị lập danh sách hỗ trợ sớm nhất.
"Bản thân người lao động phải thực hiện nhanh xác nhận của chủ cho thuê trọ, của địa phương. Trên cơ sở xác nhận này thì công đoàn cơ sở sẽ phối hợp với chủ doanh nghiệp để sớm lập hồ sơ, danh sách người lao động được hưởng hỗ trợ. Sau đó chuyển tới UBND cấp huyện, cấp tỉnh để quyết định hỗ trợ", ông Anh nói thêm.
Trường hợp hết 6 tháng của năm 2022 chưa thực hiện xong việc hỗ trợ thì có nên kéo dài thời gian thực hiện gói hỗ trợ không? Trả lời vấn đề này, ông Anh cho hay tổng liên đoàn đã kiến nghị kéo dài thời gian thực hiện nhưng thực tế nguồn lực chỉ có khoảng 6.600 tỉ đồng, nếu kéo dài sợ không đủ kinh phí hỗ trợ.
Về mức hỗ trợ, theo phân tích của ông Anh, thường công nhân rất tiết kiệm, 2 - 3 công nhân thuê một phòng trọ. Phòng trọ chủ yếu là nơi ở rộng chỉ hơn 10m2, nếu ở tỉnh lẻ, vùng ven mức thuê thấp chỉ hơn 1 triệu đồng/tháng, mức hỗ trợ 500.000 đồng/tháng đáp ứng được 80-90% tiền trọ hằng tháng của công nhân. Nhưng nếu ở Hà Nội, TP.HCM hay Bình Dương mức thuê trọ rơi vào 700.000 - 800.000 đồng/tháng, như vậy mức hỗ trợ chỉ đáp ứng được khoảng 60-70%.
Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn hiện nay, sản xuất ngừng trệ, thu ngân sách không đáp ứng được yêu cầu, với gói hỗ trợ trên cho thấy Chính phủ đã rất quan tâm tới đời sống công nhân. "Còn mong muốn và nhu cầu của người lao động đương nhiên cao hơn, nhưng nguồn lực của Nhà nước đã cân đối đến mức tối đa rồi", ông Anh nhấn mạnh.
Năm bước trong trình tự kê khai hỗ trợ
Hồ sơ hưởng hỗ trợ tiền thuê nhà gồm: Danh sách người lao động đề nghị hỗ trợ. Trường hợp trong danh sách đề nghị hỗ trợ có người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, người mới được tuyển dụng thì bổ sung thêm danh sách trả lương của tháng liền kề trước thời điểm đề nghị.
Việc kê khai thực hiện hỗ trợ qua 5 bước:
1. Người sử dụng lao động tổng hợp danh sách người lao động đề nghị hỗ trợ trên cơ sở đơn đề nghị của người lao động có xác nhận của chủ cơ sở cho thuê, cho trọ. Người sử dụng lao động chịu trách nhiệm về tính chính xác về quan hệ lao động, đang làm việc thực tế tại doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh của người lao động.
2. Người sử dụng lao động gửi cơ quan bảo hiểm xã hội để xác nhận thông tin về người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội, thời gian xử lý của cơ quan bảo hiểm xã hội là 2 ngày.
3. Người sử dụng lao động nộp hồ sơ hỗ trợ - danh sách người lao động đề nghị hỗ trợ tới UBND cấp huyện để thẩm định trình UBND cấp tỉnh ban hành quyết định hỗ trợ, thời gian xử lý của UBND cấp huyện là 2 ngày.
4. UBND cấp tỉnh xem xét và phê duyệt đối tượng, kinh phí hỗ trợ và chỉ đạo thực hiện chi trả hỗ trợ.
5. Người sử dụng lao động chi trả trực tiếp cho người lao động trong vòng 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kinh phí hỗ trợ.
Nguyên tắc hỗ trợ, thực hiện chi trả hằng tháng hoặc hỗ trợ gộp 2 - 3 tháng.
Thật là vui!
Theo ghi nhận tại TP.HCM, đến nay phần lớn người lao động đều đã biết đến chính sách hỗ trợ tiền thuê trọ và đang mong chờ sớm nhận được tiền. "Tôi là công nhân cũ, làm nhiều năm rồi nên thuộc diện được nhận hỗ trợ 500.000 đồng/tháng, 3 tháng thì 1,5 triệu đồng. Chồng tôi cũng là công nhân nên nếu được nhận cả hai vợ chồng thì được 3 triệu", chị Nguyễn Thị Lan (33 tuổi, quê Hà Tĩnh), công nhân may tại Khu công nghiệp Tân Tạo (quận Bình Tân), nói.
Nói về khoản tiền 3 triệu có thể nhận được, chị Lan cho biết tiền thuê trọ hằng tháng phải 1,5 triệu mới đủ, rồi tiền điện, nước cũng phải lên tới ngót nghét 2 triệu. "Nhưng mà nói bao nhiêu cho đủ thì vô chừng lắm. Công nhân khó khăn, đủ thứ chi tiêu chỉ dựa vào 7 - 8 triệu/tháng tiền lương. Tiền trọ, tiền ăn, tiền xăng xe, tiền gửi con. Nhà hai người đi làm mà nuôi con là hết tiền lương của một người rồi. Vợ chồng tôi đi làm lại tính ra đã nửa năm nhưng công việc cũng chỉ mới ổn định 2 tháng đây thôi nên còn khá khó khăn. Giờ ra chợ cái gì cũng tăng giá, xăng lên, rau gạo lên mà lương thì vẫn vậy. Nếu có được khoản hỗ trợ tiền thuê nhà trọ thì thật là vui", chị Lan chia sẻ.
Nghe thông tin nhận hỗ trợ tiền nhà trọ, chị Lâm Thị Yến (38 tuổi, công nhân may) đang ở trọ tại Củ Chi ngóng chờ xem khi nào công ty sẽ thông báo để làm thủ tục. "Năm nay công ty tăng tiền hỗ trợ nhà trọ lên 500.000 đồng/tháng, công nhân cũng đỡ nhiều lắm. Giờ nếu được Chính phủ hỗ trợ thêm mỗi tháng 500.000 đồng thì mừng quá, coi như được ở trọ miễn phí", chị Yến bày tỏ.
Phòng trọ gia đình chị Yến đang ở là vùng ven nên giá khoảng 1 triệu đồng/phòng. "Ra Tết đến giờ giá cả tăng chóng mặt nên cũng phải nhín ăn, nhín tiêu mới đủ. Công nhân ai cũng khổ, nhận được bao nhiêu đỡ bấy nhiêu chứ cũng chẳng ai chê ít nhiều gì đâu", chị Yến nói thêm.
Ông Nguyễn Thanh An, chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Việt Nam Samho (huyện Củ Chi, TP.HCM), cho biết công ty hiện đang sử dụng hơn 9.000 lao động, trong đó gần 50% là lao động ngoại tỉnh. Do đó, nếu chính sách hỗ trợ tiền thuê trọ được triển khai thì hàng ngàn công nhân công ty sẽ nhận được hỗ trợ. "Hiện nay công ty cũng đã tăng mức hỗ trợ chi phí thuê trọ lên 500.000 đồng/người/tháng. Nhưng so với giá thuê nhà bình quân trên địa bàn huyện vẫn cao hơn, khoảng 1 triệu đồng/phòng/tháng chưa kể điện, nước. Do vậy, việc Nhà nước hỗ trợ thêm tiền thuê trọ sẽ giảm đáng kể gánh nặng của người lao động", ông An chia sẻ.
Mừng trước thông tin được hỗ trợ tiền thuê nhà trọ nhưng không ít người lao động hiện nay vẫn còn băn khoăn về thủ tục nhận hỗ trợ. "Tôi làm công nhân nhà máy, có hợp đồng rõ ràng. Còn chồng tôi làm bốc vác thời vụ thì không biết có được nhận hỗ trợ hay không. Nhưng tôi nghĩ những người như chồng tôi là lao động ngoại tỉnh đến thuê trọ làm việc tại TP cũng cần được hỗ trợ", chị Lâm Thị Yến (38 tuổi, công nhân may) bày tỏ.
Chia sẻ thêm về các thủ tục, ông Lưu Kim Hồng - chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Nidec Việt Nam (TP.HCM) - cũng đề nghị nên bỏ quy định yêu cầu người lao động phải làm giấy xác nhận từ chủ nhà trọ. "Công ty tôi có hàng ngàn lao động ngoại tỉnh đang thuê trọ. Việc làm giấy xác nhận là không cần thiết. Công ty cũng không thể nào đọc hết hàng ngàn xác nhận đó. Đồng thời cũng rất dễ để có thể làm giả xác nhận vì thuê trọ thường không có hợp đồng. Theo tôi, chỉ cần công ty lập danh sách để công nhân tự đánh dấu, ký tên xác nhận có thuê trọ hoặc không thuê trọ. Từ đó công ty căn cứ lập danh sách gửi đến cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận là đủ", ông Hồng nêu đề xuất.
Đó là bày tỏ của hầu hết công nhân khi biết sẽ được Chính phủ hỗ trợ tiền thuê nhà trọ. Khoản tiền ấy sẽ giúp người lao động bớt đi phần nào gánh nặng mà dịch bệnh để lại cũng như tình hình giá cả các mặt hàng đang tăng.
VŨ THỦY
Mong tiền sớm đến tay công nhân
Ông Vũ Minh Tiến - viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn - cho biết việc có thêm chính sách hỗ trợ tiền nhà trọ cho người lao động tại thời điểm sau dịch bệnh cùng với giá cả đang tăng như hiện nay là rất cần thiết.
"Năm nay tiền lương tối thiểu cũng không được điều chỉnh tăng do ảnh hưởng của dịch bệnh đến hoạt động của doanh nghiệp, nên việc thiết kế thêm các chính sách hỗ trợ đời sống cho người lao động từ ngân sách sẽ hỗ trợ phần nào cho đời sống của người lao động. Chủ trương hỗ trợ tiền thuê trọ đã có từ nhiều tháng trước, nên thực hiện sớm để tiền đến tay người lao động", ông Tiến nêu.
Ngoài ra, theo ông Tiến, việc hỗ trợ cho lao động mới ký hợp đồng 1 triệu đồng/tháng cũng sẽ có tác động đến những người còn đang ngập ngừng chưa biết khi nào quay lại làm việc, giúp họ có thêm động lực để trở lại.
Bình Dương đã hỗ trợ thuê nhà trọ 300.000 đồng/người
Ngày 26-3, trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Kim Loan (chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương) bày tỏ người lao động tại Bình Dương rất mong chờ chính sách hỗ trợ tiền phòng trọ của Chính phủ. Bởi đó là điều động viên, chăm lo sát sườn, giúp người lao động gắn bó với công việc, đặc biệt trong bối cảnh khi Bình Dương có tới quá nửa dân số là người lao động nhập cư ngoài tỉnh. Do đó, sự chăm lo cho người lao động, trong đó có chính sách hỗ trợ về tiền thuê nhà trọ đặc biệt có ý nghĩa sau những biến cố của dịch COVID-19 vừa qua cũng như trước tình hình giá cả tăng cao như hiện nay.
Để giúp công nhân yên tâm làm việc, tỉnh Bình Dương đã chủ động chi hỗ trợ người lao động trong dịp COVID-19 một phần tiền thuê phòng trọ mức 300.000 đồng/người và hỗ trợ lương thực thực phẩm mức 500.000 đồng/người. Tổng cộng đã có khoảng 1,4 triệu trường hợp nhận được hai chính sách hỗ trợ này, với tổng số tiền trên 1.124 tỉ đồng. Trong đó, kinh phí được hỗ trợ trích từ ngân sách và cả sự đóng góp của công đoàn cùng các nguồn xã hội hóa khác.
"Một miếng khi đói bằng một gói khi no, nên tuy số tiền hỗ trợ người lao động nhiều hay ít thì cũng là nguồn động lực lớn giúp người lao động cảm thấy ấm áp, yên tâm lao động sản xuất", bà Loan chia sẻ.
BÁ SƠN
Đồng Nai chi 120 tỉ đồng hỗ trợ cho hơn 400.000 người thuê trọ
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 26-3, ông Nguyễn Sơn Hùng - phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - cho biết tỉnh đã chi trả 120,5 tỉ đồng cho gần 402.000 công nhân, lao động thuê trọ trên địa bàn. Đây là chính sách đặc thù của Đồng Nai hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Theo đó, Đồng Nai đã hỗ trợ cho người thuê trọ 300.000 đồng/người bằng nguồn ngân sách địa phương. Riêng về gói chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động khi Chính phủ ban hành thì địa phương sẽ triển khai thực hiện. "Tỉnh đã thực hiện trước đó nên đã nắm được con số, tư liệu rồi. Do đó khi Chính phủ ban hành gói hỗ trợ tiền thuê nhà trọ, tỉnh sẽ triển khai ngay. Đương nhiên tỉnh vẫn sẽ có bước rà soát lại trước khi chi trả tiền cho người lao động", ông Hùng nói.
Theo thống kê, toàn tỉnh Đồng Nai có hơn 20.000 khu nhà trọ với khoảng 150.000 phòng trọ, đáp ứng trên 450.000 chỗ ở cho công nhân, người lao động. Hơn 80% trong đó đang thuê phòng trọ với giá từ 1 - 1,5 triệu đồng/phòng/tháng. Các phòng trọ diện tích nhỏ từ 15-20m2 thường được nhóm lao động 2 - 4 người chọn thuê ở. Còn các gia đình khoảng 5 người trở lên thường chọn các phòng trọ diện tích lớn hơn, từ 30-45m2.
Có 2 đối tượng nhận hỗ trợ được nêu trong dự thảo quyết định, gồm người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp và người lao động trở lại thị trường lao động, với mức 500.000 và 1 triệu đồng/tháng.