Môn tích hợp vẫn chưa gỡ được khó
Ở năm thứ 3 dạy chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, môn tích hợp vẫn là một thách thức không nhỏ.
Dạy học môn tích hợp nảy sinh bất cập trong triển khai. Ảnh: TL.
Mỗi nơi một phách
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội cho biết, qua quá trình giám sát việc triển khai chương trình GDPT 2018 cho thấy các trường triển khai rất khác nhau với các môn tích hợp. Cụ thể, có nơi cho giáo viên tập huấn rồi yêu cầu một giáo viên dạy hết môn (gồm các phân môn khác nhau) trong khi hầu hết giáo viên hiện nay chỉ được đào tạo đơn môn ở trường sư phạm. Có nơi cả 2 - 3 giáo viên cùng dạy 1 môn. Việc đào tạo giáo viên để bảo đảm chuẩn dạy các môn tích hợp hiện chỉ có một số ít trường sư phạm có đào tạo, nhưng chưa cho có khóa nào tốt nghiệp…
“Chương trình các môn khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý hiện nay đã đúng là tích hợp chưa hay đó chỉ là lắp ghép các môn học thành phần lại với nhau?' - bà Hoa đặt câu hỏi và đề nghị cần được làm rõ một số nội dung liên quan đến môn học tích hợp này như sách giáo khoa (SGK) đã thực sự gọi là SGK của môn tích hợp hay chỉ là gộp 2 - 3 môn vào một cuốn.
Bà Hoa đề nghị phải có sự đánh giá về hiệu quả thực hiện, phân tích những vướng mắc đang phổ biến hiện nay. Và nếu duy trì môn học tích hợp, cần đào tạo giáo viên có thể đảm nhiệm môn học mới này.
Thực tế triển khai ở nhiều trường cho thấy, vì chưa có giáo viên tích hợp nên với môn Khoa học tự nhiên, môn Lịch sử và Địa lý, các trường THCS tổ chức 2-3 thầy cô cùng dạy, đến phân môn của thầy cô nào, thầy cô đó dạy. Từ đây, dẫn đến tình trạng mỗi tuần, học sinh có thể phải học 4 tiết Hóa, hoặc 4 tiết Sinh, 4 tiết Vật lý và sau cả tháng mới học lại môn học đó, khiến học sinh có thể quên mất kiến thức. Trong khi đó, có những trường lại sắp xếp thời khóa biểu thay đổi liên tục theo từng tuần để thực hiện học song song các nội dung khiến giáo viên và học sinh cùng áp lực cho việc chuẩn bị bài vở, kiến thức.
Cô Phạm Thị Tuyết (giáo viên dạy phân môn Hóa học ở một trường THCS của thị xã Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) cho biết, khi thiết kế bài kiểm tra, đánh giá môn tích hợp, tổ giáo viên cùng dạy các lớp đó cùng ngồi lại với nhau để thực hiện một đề, sau đó cùng chấm và nhập điểm. Việc này dẫn đến các thầy cô phải thường xuyên họp cùng nhau để thống nhất. “Khó khăn là không phải mọi học sinh đều học đều các môn. Có em tốt môn này, bình thường môn kia nên khi nhận xét, để đảm bảo công bằng, đánh giá đúng năng lực của từng em, chúng tôi phải trao đổi rất kỹ với nhau” – cô Tuyết bày tỏ.
Giải bài toán đội ngũ giáo viên
Thừa nhận những bất cập đang gặp phải khi triển khai môn học tích hợp trong thực tiễn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, việc triển khai môn tích hợp là “một thách thức lớn đang đặt ra”. Trong đó, Nghị quyết 88 của Quốc hội yêu cầu phải tích hợp một số môn học ở cấp THCS. Nếu chương trình không thiết kế môn tích hợp thì các trường sư phạm không có căn cứ để đào tạo giáo viên dạy tích hợp. Khi bắt đầu thực hiện thì phải dùng đội ngũ giáo viên cũ, tập huấn dần để chuyển đổi chứ không thể đợi đến 4 năm đào tạo giáo viên dạy tích hợp ra trường rồi mới thực hiện chương trình này.
Về giải pháp trước mắt, người đứng đầu ngành giáo dục cho rằng tích hợp trước mắt sẽ có hai con đường: một là quay về như cũ thành các đơn môn; con đường thứ hai là vẫn kiên trì đổi mới và sẽ tính toán một lộ trình đến một năm nào đó giáo viên cũ được tập huấn đầy đủ các điều kiện đảm bảo và sẽ hoàn tất. Phải xem đây là vấn đề chuyên môn và cần quá trình triển khai chứ không phải đặt ra yêu cầu về thời gian, tháng mấy phải làm xong vấn đề này.
Tuy nhiên, việc tập huấn trong thời gian một vài tháng chắc chắn chưa thể đáp ứng được hết kỳ vọng đặt ra với môn học “bình mới rượu cũ” này. Không chỉ riêng vấn đề đội ngũ nhân lực, những khó khăn khác khi triển khai chương trình mới như cơ sở vật chất cũng được Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh trong buổi làm việc với Đoàn giám sát của Quốc hội. Vì vậy, người đứng đầu ngành giáo dục và đào tạo đề xuất đoàn giám sát đánh giá và đề xuất giải pháp.