Môn sử nên tự chọn hay bắt buộc?: Thay đổi 'lịch sử' trong dạy học lịch sử

Chia sẻ Facebook
26/04/2022 14:52:43

Có một sự trùng lặp thú vị về thời điểm khi báo Tuổi Trẻ mở diễn đàn 'Môn sử nên tự chọn hay bắt buộc?' thì từ tháng 4-2022, Nhật Bản chính thức đưa vào giảng dạy bắt buộc môn lịch sử hiện đại và đương đại theo cách chưa từng có.

Học sinh Nhật Bản trong một lớp học - Ảnh: Japan Times


Theo đó, kể từ ngày 1-4, nội dung môn lịch sử dành cho cấp trung học phổ thông ở xứ sở hoa anh đào bắt đầu thay đổi. Lần đầu tiên, chương trình tích hợp lịch sử Nhật Bản với lịch sử thế giới và cách dạy cơ bản sẽ thay đổi.


Đột phá

Theo chia sẻ của ông Ogawa Koji, hiệu trưởng Trường trung học Sonan tỉnh Nagano, trên trang Nippon, nếu trong hướng dẫn cũ của Bộ Giáo dục, văn hóa, thể thao, khoa học và công nghệ (MEXT) Nhật Bản, các môn học xã hội ở trường trung học chỉ gồm hai môn học bắt buộc là lịch sử thế giới và xã hội đương đại, thì nay trong hướng dẫn mới nhất, hai môn này được thay thế bằng ba môn bắt buộc gồm: lịch sử hiện đại và đương đại; địa lý và công dân.

Với sự phối hợp của ba môn, các nhà giáo dục mong muốn kiến tạo cho học trò sự hiểu biết cân bằng về Nhật Bản và thế giới từ các góc nhìn về chuỗi sự kiện đã xảy ra gắn với những hiểu biết về bối cảnh không gian địa lý và xã hội.

Sở dĩ nói nội dung của môn lịch sử bắt buộc mới áp dụng từ tháng 4-2022 này là một đột phá đáng kể là vì hai lẽ. Thứ nhất, nó đánh dấu việc lần đầu tiên trong lịch sử hệ thống giáo dục trung học công lập của Nhật Bản (ra đời từ nửa sau thế kỷ 19) chính thức có sự kết hợp giữa môn lịch sử Nhật Bản với lịch sử thế giới vào chung một môn học.

Thứ hai, nó cho thấy sự chuyển đổi đáng kể từ phương pháp giáo dục dựa trên nội dung vốn còn nặng nề tính "học vẹt" sang phương pháp giáo dục dựa trên năng lực, tập trung đào luyện các kỹ năng và năng lực riêng của mỗi học trò.

Cũng cần phải nói thêm là việc dạy lịch sử Nhật Bản như một môn học độc lập và tách biệt với lịch sử thế giới có từ thời Minh Trị (1868 - 1912). Trải qua nhiều tranh cãi, điều chỉnh, tới năm 2011, Hội đồng Khoa học Nhật Bản đề xuất hợp nhất hai môn lịch sử Nhật Bản và lịch sử thế giới thành một môn học.

Sau rất nhiều thảo luận nội bộ, Hội đồng giáo dục trung ương của Bộ Giáo dục Nhật Bản rốt cuộc đã đi tới quyết định đưa môn lịch sử hiện đại và đương đại vào là môn học bắt buộc tại trường trung học phổ thông.


Từ bỏ "học vẹt"

Cách dạy sử theo phương pháp cũ của Nhật (giống như nhiều nước đã và đang áp dụng), tức là thiên về liệt kê sự kiện theo biên niên, có những điểm tích cực và tiêu cực. Ở mặt tích cực, nó cung cấp một góc nhìn chi tiết và có hệ thống về các sự kiện trong quá khứ. Nhưng ở mặt tiêu cực, các cuốn sách giáo khoa lịch sử bậc trung học phổ thông tràn ngập các tên tuổi, ngày tháng, các thuật ngữ... và bất cứ thông tin nào trong đó đều có thể xuất hiện trong các kỳ thi tuyển sinh đại học có môn sử.

Với môn lịch sử hiện đại và đương đại mới, các trường sẽ dạy mỗi tuần hai buổi, mỗi buổi 50 phút, thời lượng dạy không nhiều nhưng kỳ vọng đặt ra thì khá lớn. Những người cải cách chương trình kỳ vọng đề xuất một giải pháp "thoát ly" cách dạy lịch sử đã định hình lâu nay, khi giáo viên chỉ phát các tài liệu photo của môn học và giảng giải, còn học sinh sẽ cố gắng chép lại những thuật ngữ sẽ phải nằm lòng cho tới kỳ thi tiếp theo và sau đó "chữ thầy giả thầy" rất nhanh.

Với chương trình mới, mục tiêu đặt ra là để học sinh đọc các nội dung kiến thức về lịch sử, đặt ra những câu hỏi về các thay đổi đã diễn ra trong giai đoạn lịch sử đang học, và tìm câu trả lời cho những vấn đề đó.

Các cuốn sách giáo khoa được soạn cho chương trình học mới này cũng đề xuất những câu hỏi mẫu và các vấn đề cần tiếp tục tìm hiểu thêm. Bên cạnh việc giúp học sinh suy nghĩ sâu hơn về các xu thế lớn trong lịch sử, các câu hỏi như vậy cũng sẽ tạo tư duy kết nối, liên hệ giữa Nhật Bản với phần còn lại của thế giới. Sách giáo khoa cũng khuyến khích học sinh đọc và hiểu các tài liệu nguồn, mài giũa kỹ năng tư duy, diễn đạt khi xem xét các vấn đề đương đại từ nhiều góc nhìn khác nhau.

Với tất cả những thay đổi đó, nhiều nhà giáo dục ở Nhật kỳ vọng môn lịch sử hiện đại, đương đại mới sẽ mang lại sự thay đổi "lịch sử" trong cách học và dạy môn này, chuyển đổi hoàn toàn từ học vẹt sang học để có kiến thức làm nền tảng cho tư duy phân tích và bày tỏ quan điểm.


Nga dạy sử từ lớp 1

Ngày 19-4, Bộ Giáo dục Nga thông báo kế hoạch sẽ yêu cầu dạy môn lịch sử từ lớp 1 để tăng cường giáo dục "lòng yêu nước" cho các em học sinh từ 7 tuổi, thay vì bắt đầu học môn sử bắt buộc từ lớp 5 như hiện nay. Theo trang Moscow Times, Bộ trưởng Giáo dục Nga Sergei Kravtsov cho biết các bài học lịch sử không được giảng dạy riêng biệt mà sẽ được tích hợp thêm vào các nội dung đã có của chương trình học hiện hành.


Niềm tự hào lớn nhất của thủ tướng New Zealand

Trò chuyện với các học sinh tiểu học hôm 17-3 tại Trường Sylvia Park ở TP Auckland, Thủ tướng New Zealand, bà Jacinda Ardern, nói việc đưa các bài học lịch sử vào chương trình học bắt buộc từ năm 2023 sẽ là một trong những niềm tự hào lớn nhất của bà. Theo hệ giáo dục phổ thông 13 lớp của New Zealand, việc bắt buộc học lịch sử được áp dụng từ lớp 1-10, từ lớp 11-13 lịch sử trở thành môn tự chọn.

Để có chương trình học sử bắt buộc cho các học sinh từ lớp 1-10, các nhóm làm sách giáo khoa đã tiếp nhận các ý kiến đóng góp từ hơn 4.000 người và phải xử lý tương đối thỏa đáng những vấn đề còn gây tranh cãi về nội dung chương trình.

'Mình thích tìm tòi kiến thức về lịch sử nhưng không yêu thích môn sử' - đó là chia sẻ của Phan Duy Anh, học sinh lớp 12D5 Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3, TP.HCM.

Chia sẻ Facebook