Môn sử: 'Điều chỉnh dạy chứ không được bỏ'
Nếu không có sự thay đổi căn cơ thì cho dù môn sử tiếp tục là môn học bắt buộc, học trò vẫn không yêu thích môn học này.
Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ xung quanh câu chuyện môn lịch sử trở thành môn tự chọn trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, TS Lê Hữu Phước - chuyên gia sử học, nguyên phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cho rằng cả chương trình và cách dạy môn lịch sử ở trường phổ thông nhiều năm nay thật sự chưa hiệu quả, dẫn đến học sinh không thích học sử.
Tôi nghĩ rằng môn lịch sử sẽ thu hút người học nếu làm được hai điều: truyền cảm hứng và rèn luyện tư duy phân tích, bình luận. Thực tế cho thấy có một số thầy cô bậc phổ thông đã làm được điều này, từ đó làm lan tỏa đến học sinh tình yêu đích thực đối với môn lịch sử.
TS Lê Hữu Phước
* Từ năm học 2022 - 2023, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ chính thức được triển khai ở lớp 10. Đáng chú ý, ngoài bảy môn học bắt buộc, môn lịch sử trở thành một trong các môn tự chọn cho học sinh. Với tư cách là một nhà giáo, nhà khoa học về lịch sử, quan điểm của ông về việc này ra sao?
- Những ngày qua đã có nhiều ý kiến bày tỏ sự phản ứng và băn khoăn về vấn đề này, không phải chỉ từ các thầy cô dạy sử và những nhà nghiên cứu sử. Ở góc độ cá nhân, tôi cho rằng việc xếp lịch sử thành môn tự chọn cần được cân nhắc lại, nhất là trong bối cảnh đất nước hiện nay. Tôi chia sẻ ý kiến của PGS.TS Trần Đức Cường - chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam - khi ông cho rằng: "Môn lịch sử phải là một môn độc lập và bắt buộc".
* Nếu môn lịch sử thành môn tự chọn ở bậc THPT, nhiều người lo ngại điều này làm môn lịch sử sẽ bị xóa sổ. Theo ông, nếu việc này xảy ra thì sẽ có hệ lụy gì?
- Tôi không nghĩ kết cục của môn lịch sử sẽ đến mức buồn thảm như vậy. Vẫn còn không ít thầy, trò và không ít người trong xã hội trân trọng giá trị của sử học và yêu mến môn lịch sử. Tuy nhiên, điều có thể khẳng định là vị thế của môn học này - vốn chưa được quan tâm và đối xử đúng mức - sẽ tiếp tục bị giảm sút thêm khi trở thành môn tự chọn.
* Môn lịch sử quan trọng, có phải dạy lịch sử là chỉ để giáo dục lòng yêu nước, thưa ông?
- Sử học giáo dục lòng yêu nước - đó là điều chắc chắn, nhưng không phải chỉ có vậy. Là quốc gia có truyền thống dựng nước và giữ nước lâu đời, không ngừng vươn lên làm chủ cuộc sống trước thiên nhiên khắc nghiệt và các thế lực ngoại xâm hung bạo, bản thân lịch sử dân tộc Việt Nam chính là những bài học quý báu để giáo dục tinh thần tự lực tự cường, khát vọng vượt khó... xứng đáng với quá khứ hào hùng và vinh quang của tiền nhân.
Mặt khác, với chức năng "ôn cố tri tân", sử học còn được xem là "thầy giáo của cuộc sống", là "nhân chứng của các thời đại", "ánh sáng của chân lý", là "đời sống của ký ức", "người báo tin của hiện tại", "bó đuốc soi đường đi tới tương lai"...
Chúng ta cũng biết rằng khi khoa học kỹ thuật càng phát triển, nền văn minh nhân loại càng tiến những bước dài, đời sống vật chất - văn hóa càng được nâng cao thì sự quan tâm của con người đối với quá khứ lịch sử lại càng được khơi dậy.
Vai trò, chức trách của sử học nói riêng, của khoa học xã hội và nhân văn nói chung chắc chắn phải được chú trọng hơn trong xã hội văn minh hậu công nghiệp, trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.
* Lâu nay lịch sử là môn học bắt buộc nhưng môn học này học sinh ít mặn mà... Ông có cho rằng nguyên nhân khiến học trò chán môn lịch sử là do cách tiếp cận nội dung, giáo viên bắt học sinh nhớ quá nhiều thông tin, số liệu, ngày tháng... khiến các em sợ hãi?
- Tôi nghĩ trước hết là do nội dung chương trình và cách thức thể hiện lịch sử trong sách giáo khoa. Điều này đã được bàn bạc, thảo luận nhiều và gần đây dường như đã bắt đầu có những chuyển động tích cực.
Bên cạnh đó, cách tiếp cận nội dung môn lịch sử lâu nay nặng về kiến thức cụ thể, yêu cầu phải học thuộc ngày tháng, địa danh, chi tiết sự kiện, bài học kinh nghiệm... hầu như không liên hệ gì đến hiện tại và càng không liên quan gì đến tương lai.
Việc kiểm tra và đánh giá cũng thiên về "trả bài" hơn là thông hiểu, vận dụng, liên hệ thực tế... Điều này khiến học trò ít tìm thấy hứng thú và say mê trong việc học môn lịch sử.
Chưa đạt hiệu quả mong muốn
* Chúng ta không nên bàn việc coi lịch sử là môn học tự chọn hay bắt buộc, mà cần thiết kế lại toàn bộ nội dung chương trình môn học với khối lượng kiến thức phù hợp ở từng bậc học. Việc này cần làm cụ thể thế nào?
- Chuyện này lớn quá và các chuyên gia giáo dục sẽ nghiên cứu, trả lời. Theo tôi biết, việc xây dựng chương trình, nội dung giáo dục môn lịch sử ở bậc phổ thông trong thời gian qua đã được thực hiện với tâm huyết, trí tuệ của rất nhiều chuyên gia đầu ngành.
Tuy nhiên, điều hụt hẫng là thành quả của trí tuệ và tâm huyết đó có nguy cơ không được biết đến nếu lịch sử trở thành môn tự chọn ở giai đoạn định hướng giáo dục nghề nghiệp (bậc THPT).
Về phần mình, tôi chỉ muốn lưu ý: thực tiễn giáo dục phổ thông nhiều năm qua đã cho thấy chương trình và cách thức dạy môn lịch sử ở trường phổ thông chưa đạt hiệu quả mong muốn, thậm chí còn dẫn đến tình trạng học sinh không muốn và không thích học sử. Nếu không có sự thay đổi căn cơ thì cho dù môn sử tiếp tục là môn học bắt buộc, học trò vẫn không yêu thích môn học này.
Khép lại Diễn đàn "Môn sử: nên tự chọn hay bắt buộc?"
Diễn đàn "Môn sử: nên tự chọn hay bắt buộc?" trên báo Tuổi Trẻ thu hút bạn đọc là học sinh, giáo viên, nhà sử học và những người quan tâm đến môn lịch sử tham gia. Những ý kiến gửi đến diễn đàn đã phân tích những vấn đề làm học sinh "sợ" môn sử cũng như gợi mở những giải pháp để thu hút học sinh đến với lịch sử. Diễn đàn xin được khép lại. Trân trọng cảm ơn bạn đọc đã góp ý kiến để làm đa dạng, phong phú hơn góc nhìn về dạy sử trong trường học cho diễn đàn.
Cách đây hơn hai năm, khi dịch bệnh COVID-19 còn chưa hiện diện, thư viện trường tôi bỗng nhiên xôn xao hẳn bởi số lượng học sinh lên đăng ký mượn sách đông đúc.