Môn sử có cả tự chọn và bắt buộc: Các trường sốt ruột chờ bộ

Chia sẻ Facebook
29/06/2022 22:03:21

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành nghị quyết thứ 3 Quốc hội khóa XV.

Học sinh lớp 12A5 Trường THPT Tân Phong, quận 7, TP.HCM trong giờ học môn lịch sử - Ảnh: NHƯ HÙNG


Trong đó, Quốc hội yêu cầu Chính phủ và các cơ quan tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục đại học; triển khai có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó tăng cường công tác tuyên truyền về triển khai chương trình.


Áp dụng từ năm học tới

Bên cạnh đó, đổi mới căn bản và toàn diện phương pháp dạy và học, đặc biệt môn học lịch sử. Quốc hội cũng yêu cầu nghiên cứu ý kiến cử tri, nhân dân và đại biểu Quốc hội, thiết kế môn lịch sử trong chương trình giáo dục cấp THPT bao gồm cả phần bắt buộc và phần lựa chọn một cách hợp lý, khoa học, đảm bảo hiệu quả cao nhất trong việc giáo dục truyền thống và phát triển nhân cách cho học sinh.


Trước đó, tại buổi tiếp xúc cử tri một số quận huyện của Hà Nội ngày 20-6 báo cáo kết quả kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho hay Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo bộ nghiên cứu, xem xét, tiếp thu ý kiến của cử tri đối với môn lịch sử và trong nghị quyết của Quốc hội cũng đề cập đến vấn đề trên. Ông Sơn nói bộ thực hiện các chỉ đạo cũng như tiếp thu các ý kiến của người dân, lên kế hoạch, bắt đầu áp dụng từ năm học 2022 - 2023. Theo tinh thần sẽ bố trí phần giáo dục lịch sử bao gồm phần bắt buộc và phần lựa chọn.

Lựa chọn tức là có thiết kế trong chương trình, các trường căn cứ vào điều kiện, tình hình và nhu cầu để bố trí cho học sinh học. Việc bố trí này trong khung thời gian cho phép của năm học, đảm bảo tính khả thi. Trên cơ sở này, ngay năm tới cũng chưa cần phải điều chỉnh trong sách giáo khoa.

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng nêu rõ trong ít ngày nữa bộ sẽ có hướng dẫn để các nhà trường có thể thực hiện thuận tiện.


Các trường sốt ruột


Trong tháng 7-2022, học sinh ở Hà Nội, TP.HCM và nhiều địa phương phải xác nhận nhập học lớp 10. Trước đó, các trường phải chốt phương án tổ hợp môn học, cơ cấu lớp 10 năm học 2022 - 2023. Đầu tháng 5-2022 hầu hết các trường THPT đã xây dựng tổ hợp môn học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 10 để chuẩn bị cho mùa tuyển sinh. Quy định của Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các trường phải công bố các tổ hợp môn học, tương ứng với cơ cấu lớp 10 để học sinh, phụ huynh được biết và lựa chọn nguyện vọng.


Nhưng môn lịch sử được bàn lại ở nhiều cuộc họp của các chuyên gia và đại biểu Quốc hội và trong kỳ họp thứ 3 của Quốc hội XV vừa qua, Bộ GD-ĐT sẽ phải tiếp thu để có phương án xem xét điều chỉnh. Việc này khiến nhiều hiệu trưởng trường THPT lo lắng kế hoạch được xây dựng sẽ xáo trộn. "Chỉ điều chỉnh đối với một môn học nhưng có thể sẽ ảnh hưởng đến việc xây dựng tổ hợp môn học lựa chọn, kế hoạch giáo dục nhà trường, công tác tuyển sinh lớp 10 và cả kế hoạch biên chế năm học (tính toán số tiết/giáo viên, phân công giáo viên)" - một hiệu trưởng ở Hà Nội cho biết.


Cô Nguyễn Thị Nhiếp - hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội) - cũng chia sẻ: Trường chưa thể chốt được gì trong ba việc tuyển sinh, kế hoạch giáo dục nhà trường và kế hoạch biên chế cho năm học tới. Trường THPT Yên Hòa từng xây dựng sáu tổ hợp môn học lựa chọn cho lớp 10, trong đó có 4/6 tổ hợp có môn lịch sử. Có 11/15 lớp 10 của trường này trong năm học tới được xếp dạy các tổ hợp có môn lịch sử. Dành ưu tiên cho môn lịch sử thế nhưng cô Nhiếp cũng cho biết nếu môn lịch sử là môn học bắt buộc đối với học sinh hoặc có những điều chỉnh tăng số tiết đối với môn lịch sử lớp 10 thì trường sẽ khó khăn về giáo viên. Nhưng hiện chưa thể tính gì cụ thể khi vấn đề môn lịch sử vẫn chưa được Bộ GD-ĐT quyết định.


Tại Hà Nội, những trường như THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, THCS&THPT Marie Curie khi khảo sát chính học sinh lớp 9 của trường số chọn môn lịch sử khá cao ở mức 85% và 52,4%. Căn cứ xu thế này, trường cũng xây dựng các tổ hợp với cấu trúc lớp 10 nghiêng về nhóm môn khoa học xã hội. Với các trường này, việc điều chỉnh môn lịch sử có thể sẽ không gây nhiều khó khăn về giáo viên.


Nhưng hiện có nhiều trường tại Hải Phòng, Nam Định, Hà Nam cho biết xu thế lựa chọn của học sinh các năm trước lệch hẳn về khoa học tự nhiên. Vì thế khi xây dựng cơ cấu lớp 10, nhiều trường dành tỉ lệ cho lớp chọn môn khoa học tự nhiên nhiều hơn hẳn (chiếm 2/3). Cách bố trí này cũng phù hợp với đội ngũ giáo viên hiện có. Nên nếu có điều chỉnh ở môn lịch sử, các trường có thể gặp khó khăn.

Kiểm soát chặt chẽ biên soạn và xuất bản sách giáo khoa

Liên quan đến chương trình và sách giáo khoa mới, nghị quyết của Quốc hội nêu rõ kiểm soát chặt chẽ việc biên soạn và xuất bản sách giáo khoa. Bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá khi sửa đổi Luật giá; trước mắt,

Chính phủ chỉ đạo các bộ liên quan có biện pháp hạ giá thành sách giáo khoa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội. Quốc hội cũng yêu cầu tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ hoặc trợ giá sách giáo khoa đối với học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo quy định; nghiêm túc thực hiện đúng các quy định về tài liệu tham khảo, tránh lãng phí.

Quốc hội yêu cầu thiết kế môn lịch sử trong chương trình giáo dục cấp THPT bao gồm cả phần bắt buộc và phần lựa chọn một cách hợp lý, khoa học, đảm bảo hiệu quả cao nhất trong việc giáo dục truyền thống.

Chia sẻ Facebook