Môi trường tại Australia đang ngày càng xấu đi
Theo báo cáo tình trạng môi trường mới công bố ngày 18/7, mọi hạng mục về môi trường của Australia, ngoại trừ môi trường đô thị, đều "đang xấu đi" so với cách đây 5 năm.
Báo cáo tình trạng môi trường mới nhất tại Australia cho thấy môi sinh tại của quốc gia lớn nhất châu Đại dương đang ngày một xấu đi do những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, khai thác mỏ, ô nhiễm, các loài xâm lấn và mất môi trường sống.
Báo cáo tình trạng môi trường được Chính phủ Australia thực hiện 5 năm/lần. Theo báo cáo mới công bố ngày 18/7, mọi hạng mục về môi trường bao gồm nước nội địa, bờ biển, chất lượng không khí và các hiện tượng khí hậu cực đoan - ngoại trừ môi trường đô thị - đều "đang xấu đi" so với thời điểm cách đây 5 năm.
Báo cáo nêu ra một loạt các vấn đề chứng minh cho tình trạng suy thoái môi trường ở Australia, như có tới 78% diện tích rừng ngập mặn ven biển đã biến mất kể từ khi bắt đầu quá trình thuộc địa hóa và tình trạng này đang tiếp tục xấu đi; chỉ tính từ năm 1990, hơn 6,1 triệu ha rừng trưởng thành đã bị chặt phá; số lượng loài thực vật không phải bản địa hiện nhiều hơn các loài bản địa; số lượng các loài được xếp vào nhóm "bị đe dọa" tăng 8% kể từ năm 2016, Australia đã mất nhiều loài động vật có vú hơn bất kỳ lục địa nào khác.
Tác giả chính của báo cáo - Giáo sư Emma Johnston làm việc tại Đại học Sydney - cho biết, sự khác biệt lớn nhất giữa báo cáo này và báo cáo trước đó là tác hại ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đối với môi trường. Bà Johnston nêu rõ: "Trong các báo cáo trước đây, chúng tôi chủ yếu nói về tác động của khí hậu trong tương lai. Trong báo cáo này hoàn toàn trái ngược, bởi vì chúng tôi đang ghi nhận các tác động rộng rãi của biến đổi khí hậu".
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra những cách thức để chính phủ có thể cải thiện tình hình, bao gồm các biện pháp bảo vệ mạnh mẽ hơn, với sự hợp tác và quản lý sáng tạo. Ngoài việc đầu tư nhiều hơn nữa vào môi trường, một biện pháp quan trọng là thu thập và giám sát dữ liệu tốt hơn và phải được thực hiện với sự phối hợp của các cộng đồng bản địa và địa phương.
Theo Bộ trưởng Môi trường Australia - bà Tanya Plibersek, báo cáo trên là "một trong những tài liệu khoa học quan trọng nhất được công bố về môi trường Australia", đưa ra những lời cảnh tỉnh đối với cả chính phủ và người dân, nhất là về tầm quan trọng của hành động chống biến đổi khí hậu.