Mối thù truyền kiếp của Chanel và Dior: Bất đồng từ quan điểm thiết kế, "sát phạt" đối phương bằng lời miệt thị gắt gao

Chia sẻ Facebook
24/05/2022 13:47:58

Rất có thể, sự đối lập trong quan điểm thiết kế là ngọn nguồn của mâu thuẫn giữa Chanel và Dior.


Mỗi nhà mốt hàng đầu hành tinh là đại diện cho một tư duy xuất chúng, một cái tôi cao ngút ngàn hay một kẻ độc tài có gu thẩm mỹ trác tuyệt. Sự tự tin của ''con chim đầu đàn'' mỗi thương hiệu đem tới cho họ thành công nhưng cũng mang không ít phiền toái cho đối thủ, mà cụ thể ở đây là bản tính thích khẩu nghiệp.

Trước khi chúng ta có những câu xéo xắt hài hước của Gianni Versace dành cho Miucci Prada, hay thói sân si kém duyên của Stefano Gabbana, làng mốt từng chứng kiến một Gabrielle Bonheur Chanel mạnh miệng huỷ hoại sự tự tin, cũng như tài năng của Christian Dior chỉ vì những bất đồng quan điểm xoay quanh cách tôn vinh cơ thể phái nữ.


Nhắc tới mối thâm thù này là phải đề cập tới năm 1947 - thời điểm mà biên niên sử ngành thời trang xuất hiện cái tên Christian Dior như luồng gió mát lành và mới mẻ, vực dậy làng mốt sau Thế chiến thứ 2 bởi sáng tạo tuyệt vời The New Look. Không chỉ gây chấn động bởi lối thiết kế duyên dáng và chưa từng có trước đây, Dior định nghĩa lại sự nữ tính bằng kiểu corset nâng ngực, phồng, xếp tầng và kết cấu khá phức tạp. Chính ông cũng từng bộc bạch: ''Tôi không có thích chủ nghĩa thực dụng đâu, cái tôi thích là một giấc mơ thời trang thanh lịch''.

Và điều trái khoáy là, ngay ở đây, "bà đầm" Chanel cũng tôn vinh nét đẹp thanh lịch nhưng theo cách thực dụng nhất. Sinh ra dưới chòm sao Sư Tử với lòng tự tôn còn cao bằng vạn toà tháp Eiffel xếp chồng lên nhau, Coco Chanel không khỏi "ngứa mắt" trước phát biểu thẳng và thật của hậu bối.

Cũng phải nói qua một chút về tư duy thời trang hai "cây đa cây đề" này. Trong khi Christian Dior tạo nên chiếc Bar Jacket hay corset bó chẽn, ôm lấy thân hình hoặc chí ít là trưng trổ tất tần tật vẻ đẹp nữ giới (theo như chuẩn mực cái đẹp mà xã hội quan niệm); thì Chanel lại lấy nữ quyền làm gốc, giải phóng cơ thể phụ nữ bằng những bộ đồ dáng suông rộng rãi, che hết mọi ưu điểm lẫn khuyết điểm. Điều mà nữ cường nhân này muốn là dùng thời trang để nói lên quyền bình đẳng - thứ mà vốn bị xem nhẹ trong xã hội ở mọi thời kỳ.

Nếu những thiết kế của Chanel (ảnh trái) tạo điều kiện để cơ thể người mặc "bơi" trong đó, thì đồ của nhà Dior lại cứ bó chẽn vào

"Look how ridiculous these women are, wearing clothes by a man who doesn’t know women, never had one, and dreams of being one"

Nhìn mấy bà cô đó lố bịch chưa kìa! Mặc đồ từ một nam nhân chẳng hiểu phụ nữ, chưa từng cặp kè với cô nào, và lại còn mơ tưởng để được trở thành phụ nữ


Christian Dior vốn là một người đồng tính, bởi vậy lời giễu cợt ngoa ngoắt trên không khác gì đòn công kích xu hướng tính dục của ông. Chưa hết, bà tiếp tục bồi thêm mấy cú: "Ôi dào! Dior có làm đồ cho phụ nữ đâu, anh ta chỉ 'nâng' nó lên thôi!" (ý mỉa mai thiết kế corset nâng ngực của Dior), hay là "Trông mấy cô nàng diện đồ Dior giống như một chiếc ghế bành cũ ấy!".

Có người hỏi thì Chanel nói, mà có người chọc vào "chỗ ngứa" thì Chanel phải bỉ bôi đã cái miệng thì thôi. Bà thẳng thắn nêu lên quan điểm: Christian Dior đã làm tốt nhiệm vụ là đưa phụ nữ trở về thời điểm cách đó một thế kỷ, khi mà mọi kiểu trang phục được sáng tạo nhằm chèn ép hình thể phái yếu. Điều đó có nghĩa rằng, ngay tới chiếc áo khoác Bar yêu kiều mang tính biểu tượng cũng chỉ là cỗ máy tra tấn trong mắt Coco Chanel.

Mang những đặc điểm khác nhau về silhouette (vẻ tổng thể của một bộ trang phục khi mặc chúng trên cơ thể), hai nhà mốt đã tạo nên những chiến tuyến khác nhau, khốc liệt nhưng đầy thú vị

Ngay thời điểm Karl Lagerfeld chịu trách nhiệm sáng tạo nghệ thuật ở ngôi nhà Chanel, ông bị chỉ trích dữ dội vì bó chẽn và thu ngắn, xẻ tà những bộ suit, hay đưa lên sàn diễn hàng loạt bikini hở bạo

Màn "võ mồm" hoành tráng với phần thắng nghiêng về Gabrielle Bonheur Chanel đã trở thành giai thoại trong làng mốt, đủ hay ho để được lưu truyền tới muôn đời. Hai thương hiệu tượng trưng cho tinh hoa sáng tạo của ngành may mặc nước Pháp này chẳng những "tức nhau tiếng gáy" mà còn tranh nhau tới đối tượng khách hàng. Dior được cưng chiều ở Châu Âu nhưng chịu phận lép vế khi tới Mỹ, còn Chanel thì hoàn toàn ngược lại.

Phải chăng, cuộc đối đầu này đã được số phận an bài, nhằm khiến thế giới thời trang vốn đã khắc nghiệt lại càng thêm ồn ào hơn?


Ảnh: Tổng hợp


Theo LÝ THẨM

Trí Thức Trẻ

Chia sẻ Facebook