Mối nguy đối với Ukraine nếu viện trợ phương Tây không đến

Chia sẻ Facebook
19/01/2024 04:44:26

Ukraine đang nghèo hơn đáng kể so với phần còn lại của châu Âu, và sẽ gặp rắc rối nếu không có cam kết hỗ trợ nào vào đầu tháng 2, và dòng tiền không đến vào tháng 3


Sự ổn định kinh tế khó khăn mới có được của Ukraine lại bị đe dọa khi chính phủ của Tổng thống Volodymyr Zelensky phải đối mặt với lỗ hổng ngân sách lớn và hai đồng minh và nhà tài trợ lớn nhất của nước này – Mỹ và EU – cho đến nay vẫn chưa thể “chốt” liệu họ có thể gửi thêm viện trợ cho năm nay và các năm tới hay không.


Nếu không có cam kết hỗ trợ nào vào đầu tháng 2, và dòng tiền không đến vào đầu tháng 3, không chỉ mang đến sự kéo lùi cho binh sĩ trên tiền tuyến, mà những tiến bộ Ukraine đã đạt được trong việc chống lạm phát cũng sẽ gặp rủi ro, từ đó khiến cuộc sống thời chiến của người dân thường càng thêm khó khăn.


Sức khỏe nền kinh tế


Gần 2 năm kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở nước láng giềng phía Đông, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, nền kinh tế Ukraine đã cho thấy “khả năng phục hồi đáng chú ý”.


Những tháng đầu tiên của cuộc chiến bắt đầu hồi tháng 2/2022 chứng kiến quốc gia Đông Âu mất 1/3 sản lượng kinh tế do bị chiến tranh tàn phá và Quân đội Nga kiểm soát khu trung tâm công nghiệp nặng của Ukraine.


Lạm phát cũng tăng vọt lên tới 26% do Ngân hàng Trung ương Ukraine (NBU) phải in thêm tiền để bù đắp khoảng trống ngân sách ngày càng lớn.

Một tòa nhà chung cư bị hư hại ở Kharkiv sau cuộc tấn công tên lửa, ngày 17/1/2024. Ảnh: The Guardian


Tuy nhiên, mọi thứ đã phục hồi vào năm ngoái, với lạm phát giảm xuống 5,7% và nền kinh tế tăng trưởng 4,9%. Con số này thậm chí còn cao hơn của một số nền kinh tế lớn như Đức. Hệ thống ngân hàng Ukraine vẫn tiếp tục hoạt động, trường học và phòng khám y tế vẫn mở cửa và lương hưu vẫn được chi trả.


Đó là cứu cánh cho những người như bà Nadiia Astreiko và người mẹ 93 tuổi của bà, những người sống bằng 2 khoản lương hưu tổng cộng 170 USD/tháng.


“Chiến tranh đã thay đổi cuộc đời mọi người”, bà Astreiko, 63 tuổi cho biết. “Về tiền bạc thì cũng khó khăn vì giờ tôi phải tính toán từng xu… Điều đó rất khó khăn với chúng tôi”.


Thành tựu quan trọng


Ukraine chi gần như toàn bộ số tiền thu được từ thuế để tài trợ cho cuộc chiến chống lại Nga. Điều đó để lại một khoản thâm hụt lớn vì còn có những dự luật khác để duy trì hoạt động của xã hội, như lương hưu cho người già và lương cho giáo viên, bác sĩ, y tá và nhân viên nhà nước.


Khi bắt đầu cuộc chiến, Ukraine đã phải viện đến việc yêu cầu NBU in thêm tiền, một biện pháp tạm thời nguy hiểm vì nó có thể gây ra lạm phát và phá hủy giá trị đồng Hryvnia – đồng tiền của nước này.


Khi đóng góp của các nhà tài trợ trở nên thường xuyên hơn và có thể dự đoán được, Ukraine đã có thể tạm dừng biện pháp này, và ngân sách năm 2024 được Quốc hội thông qua vào tháng 11 năm ngoái không còn phụ thuộc vào điều đó nữa.

Người dân trú ẩn trong một ga tàu điện ngầm khi có báo động không kích ở Kiev, Ukraine, ngày 17/1/2024. Ảnh: The Guardian


Một thành tựu quan trọng là điều chỉnh lương hưu cho người già, có thể tương đương với 100 USD/tháng, để bù đắp cho lạm phát, ông Hlib Vyshlinsky, giám đốc điều hành của Trung tâm Chiến lược Kinh tế – một cơ quan nghiên cứu phi chính phủ có trụ sở tại Kiev về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và toàn diện, cho biết.


Nếu phải in thêm tiền, hậu quả là lạm phát “sẽ khiến nhiều người rơi vào tình trạng nghèo đói thực sự”, ông Vyshlinsky nói, cho biết thêm rằng để tránh điều đó một lần nữa, Ukraine cần biết liệu sẽ có cam kết hỗ trợ nào vào đầu tháng 2 và liệu dòng tiền có đến vào đầu tháng 3 hay không.


Mưu sinh khó khăn


Cách duy nhất để mua được những thứ như quần áo hay giày dép là tiết kiệm đồ ăn và thuốc men. Hai người phụ nữ ăn cá 2 lần một tuần và ăn thịt 1-2 lần một tuần. Đối với rau, nấm và trái cây, bà Astreiko tự trồng hoặc hái trong rừng và đóng hộp hoặc đông lạnh để dành cho mùa đông.


Bà khẳng định có những lo lắng lớn hơn vấn đề kinh tế: Thương vong của quân đội và các cuộc tấn công tên lửa thường xuyên ập xuống thủ đô Kiev, nơi các cháu của bà đang sinh sống. “Chúng tôi sẽ sống sót. Giá như chiến tranh kết thúc”, bà Astreiko nói.

Lính cứu hỏa Ukraine nỗ lực dập tắt đám cháy sau cuộc tấn công tên lửa vào Kiev, ngày 2/1/2024. Ảnh: Getty Images


Sự phục hồi kinh tế đã giúp duy trì hoạt động kinh doanh như trang web concert.ua của ông Dmytro Felixov, một trong những trang được sử dụng rộng rãi nhất ở Ukraine để mua vé xem các vở kịch, các buổi hòa nhạc và chương trình hài kịch. Ông Felixov đã trải qua nhiều cuộc khủng hoảng, bao gồm cả việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014.


Ông nói rằng cuộc chiến đã dẫn đến một “sự phục hưng văn hóa nhất định” và làm dấy lên mối quan tâm ngày càng tăng đối với văn hóa Ukraine. Ông hình dung mức lợi nhuận trước xung đột có thể quay lại với ông vào khoảng năm 2025 và nói rằng: “Hoạt động kinh doanh của chúng tôi sẽ tồn tại”.


Ngay cả những cuộc tấn công tên lửa thường xuyên cũng không còn ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động kinh doanh của ông Felixov. Ông cho biết, trong đợt tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái kỷ lục của Nga vào ngày 29/12, doanh thu bán vé đã giảm 20%, nhưng lại phục hồi về mức bình thường vào ngày hôm sau.


Nếu trước đây người ta đi xem biểu diễn nghệ thuật để thư giãn, thì bây giờ là để giúp họ giải tỏa tâm lý. Ông Felixov nói: “Họ đi xem hòa nhạc để chữa lành”.


Ngóng chờ viện trợ


Ngân sách Ukraine năm nay kêu gọi 41 tỷ USD tiền tài trợ để giảm thâm hụt và tránh phải in thêm tiền. Kiev đang trông cậy vào 8,5 tỷ USD từ Mỹ và 18 tỷ USD từ EU, nhưng số phận các khoản viện trợ này hiện vẫn bất định do các xung đột chính trị nội bộ ở cả 2 nhà tài trợ hàng đầu.


Các nhà lãnh đạo EU vào tháng 12 năm ngoái đã không thể nhất trí về gói hỗ trợ trị giá 52 tỷ USD cho Ukraine trong 4 năm (2024-2027). Hungary đã ngăn chặn thỏa thuận, vốn đòi hỏi sự nhất trí của tất cả 27 quốc gia thành viên EU. Tuy nhiên, khối này đang nỗ lực tìm cách để 26 quốc gia còn lại có thể gom đủ tiền trước khi Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo khối diễn ra vào ngày 1/2.


Thêm một tin buồn cho Kiev, Thủ tướng Hu nga ry Viktor Orban đã tìm được đồng minh có tiếng nói chung về kế hoạch hỗ trợ Ukraine. Thủ tướng Slovakia Robert Fico hôm 16/1 cho biết Bratislava và Budapest nhất trí về sự cần thiết phải điều chỉnh lại kế hoạch của EU nhằm cung cấp hỗ trợ tài chính cho Ukraine.


Sau cuộc đàm phán song phương ở Budapest, ông Fico cho biết ông đồng ý với quan điểm của ông Orban rằng EU không nên tài trợ 54 tỷ USD cho Kiev từ ngân sách chung của khối, đồng thời lặp lại khẳng định của ông Orban rằng cuộc chiến ở Ukraine không thể được giải quyết thông qua phương tiện quân sự.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hội đàm với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bên lề hội nghị thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sĩ, ngày 16/1/2024. Ảnh: Kyiv Post


​Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, tình hình cũng rất bất định khi các đảng viên Đảng Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ đã ràng buộc khoản viện trợ cho Ukraine với các biện pháp an ninh biên giới nhằm ngăn chặn làn sóng nhập cảnh bất hợp pháp của người di cư. Chưa có quyết định nào được đưa ra cả.


Nhà Trắng vào tháng 10 năm ngoái đã yêu cầu Quốc hội cấp 11,8 tỷ USD để hỗ trợ ngân sách trong 12 tháng. Bà Shalanda D. Young, Giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách Nhà Trắng, viết trong một lá thư gửi Quốc hội ngày 20/10/2023 rằng khoản tiền này sẽ “đảm bảo rằng ông Putin không thành công trong việc làm sụp đổ nền kinh tế Ukraine”.


Tổng thống Zelensky cho biết hôm 16/1 tại Davos, Thụy Sĩ, rằng ông tin rằng “chỉ còn vài tuần nữa” cho đến khi EU và Mỹ cung cấp thêm viện trợ cho đất nước ông.


Nhưng, ở Washington DC, có rất ít dấu hiệu tiến bộ trong việc phá vỡ thế bế tắc kéo dài nhiều tháng về các chính sách biên giới, vốn đã làm trì hoãn việc Mỹ tài trợ cho Ukraine. Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 17/1 đã có cuộc họp đầu tiên sau nhiều tháng với Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson và các nhà lập pháp hàng đầu khác.


Ông Biden đã nhiều lần nói rằng ông sẽ thỏa hiệp về chính sách biên giới, nhưng chưa nêu cụ thể bất kỳ nhượng bộ nào. Trong khi đó, ông Johnson nói với các phóng viên sau cuộc họp: “Chúng tôi phải nhấn mạnh rằng biên giới là ưu tiên hàng đầu”.


Đã có một cuộc tranh luận về việc tịch thu khoảng 300 tỷ USD tài sản của Nga ở nước ngoài đã bị các chính phủ ủng hộ Ukraine phong tỏa. Về mặt lý thuyết, số tiền đó có thể giải tỏa tình trạng bế tắc về tiền của người nộp thuế ở Washington và Brussels – nhưng phải đối mặt với những lo ngại về tiền lệ pháp lý và tác động kinh tế của một bước đi quyết liệt như vậy .


Minh Đức (Theo AP, Fox News, National News)

Chia sẻ Facebook