Mỗi ngày chỉ tiêu hủy được 1 container, mất 1 năm mới hủy xong 348 container tồn đọng
348 container trong tổng số 682 container hàng tồn đọng là phế liệu của 28 hãng tàu bắt đầu được tiêu hủy theo kế hoạch của Cục Hải quan TP.HCM. Tuy nhiên mỗi ngày chỉ tiêu hủy được 1 container.
Ngày 6-4, trao đổi với Tuổi Trẻ Online , ông Nguyễn Thanh Long - c hi cục phó Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 (Cục Hải quan TP.HCM ) - cho biết sau 2 tuần thực hiện kế hoạch tiêu hủy 357 container phế liệu tồn đọng vì không đủ điều kiện nhập khẩu, không đạt quy chuẩn quốc gia về môi trường, cơ quan này mới xử lý được 15 container của hai hãng tàu.
Trong đó, tuần đầu tiên có 5 container phế liệu được tiêu hủy. Theo kế hoạch tiêu hủy, hải quan sẽ xử lý 357 container của 10 hãng tàu, tuy nhiên, có 9 container của một hãng tàu phải tạm treo lại vì phương án xử lý chưa đảm bảo.
Đây là số container tiêu hủy đợt 1 trong kế hoạch tiêu hủy 682 container phế liệu của 28 hãng tàu t heo quyết định của Tổng cục Hải quan.
Hãng tàu Maersk Việt Nam có lượng phế liệu buộc tiêu hủy nhiều nhất với 112 container, trọng lượng 2.360 tấn, hãng tàu HMM có 69 container với hơn 1.313 tấn, hãng CMA-CGM có 54 container với gần 1.162 tấn…
Theo quy định, các hãng tàu phải ký hợp đồng trực tiếp với các công ty xử lý rác thải, môi trường và phải chịu toàn bộ chi phí. Đồng thời, hãng tàu cũng phải phối hợp, cử người có thẩm quyền chứng kiến việc bàn giao hàng hóa, giám sát công tác tiêu hủy.
Do công suất tiêu hủy phế liệu tồn các nhà máy rất thấp, một nhà máy chỉ xử lý được vài container nên thời gian tiêu hủy kéo dài. Dự kiến với kế hoạch tiêu hủy hiện nay, tổng cộng 357 container loại 40 feet của 10 hãng tàu phải mất gần hết một năm mới xử lý xong toàn bộ.
"Theo kế hoạch đến tháng 11-2022 sẽ tiêu hủy xong nhưng với tiến độ hiện nay, chúng tôi mất rất nhiều công sức để xử lý, chưa kể tác động môi trường cũng rất lớn do đốt rác thải nhựa, bao bì... Mỗi ngày các nhà máy chỉ xử lý được một container phế liệu, do đó chúng tôi đang kiến nghị lên tổng cục phương án khác để đẩy nhanh tiến độ xử lý", ông Long cho biết.
Hiện Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đã phân công 4 tổ công tác thực hiện giám sát việc tiêu hủy. Tổ giám sát có nhiệm vụ giám sát chặt chẽ từ cảng, nơi hàng hóa đi, lập biên bản bàn giao cho công ty xử lý môi trường.
Để việc tiêu hủy đúng quy định, đúng thời gian, các công ty xử lý môi trường sẽ chịu trách nhiệm vận chuyển nguyên trạng hàng hóa tiêu hủy về địa điểm tiêu hủy theo hợp đồng tiêu hủy và biên bản bàn giao. Việc vận chuyển thực hiện trước ít nhất một ngày theo lịch trình tiêu hủy để tạo thuận lợi cho việc giám sát.
Được biết, để xử lý phế liệu tồn đọng tại cảng biển TP.HCM, Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 1 cũng đã gửi 30 thông báo đến các hãng tàu để tái xuất hơn 1.000 container phế liệu tồn đọng, thế nhưng chỉ có 20 hãng tàu phản hồi.
Các thủ tục về giám định, kiểm tra, giám sát và xử lý kéo dài khiến những container này ùn ứ nhiều năm trời, gây ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất kinh doanh của hãng tàu và doanh nghiệp kinh doanh kho bãi.
Chở hàng từ tỉnh Quảng Ngãi vào TP.HCM hỗ trợ người dân vùng dịch COVID-19, khi trở về đến trạm thu phí BOT Cam Thịnh (trên quốc lộ 1 qua TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) thì bị buộc phải mua vé mới được qua.