Mối lo thảm kịch nắng nóng ở châu Âu năm 2003 quay trở lại
Năm 2003, châu Âu đã từng trải qua một trong những đợt nắng nóng tồi tệ nhất trong hàng trăm năm.
Trong suốt mùa hè năm 2022, châu Âu đã phải hứng chịu một đợt nắng nóng khắc nghiệt khi nhiệt độ tăng cao kỷ lục, kéo theo cháy rừng hoành hành trong nhiều tuần liên tục, khiến hàng nghìn người dân phải sơ tán.
Trở lại tháng 12/2014, một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Nature Climate Change cho thấy, không chỉ có khả năng lặp lại đợt nắng nóng năm 2003 đối với châu Âu, mà châu lục này có nguy cơ chứng kiến tình trạng nắng nóng tương tự trong một thập kỷ sau, cao gấp 10 lần do biến đổi khí hậu. Và khi châu Âu tiếp tục chứng kiến mùa hè ngày càng ấm hơn hàng năm, có khả năng đợt nắng nóng năm 2003 là điềm báo về những điều sắp xảy ra - giống như năm 2022.
Và đây chính là câu chuyện có thật về đợt nắng nóng kinh hoàng năm 2003 ở châu Âu.
Mùa hè nóng nhất kể từ năm 1540
Trong suốt mùa hè năm 2003, các nước châu Âu đã chứng kiến mức nhiệt độ tăng vọt. Đợt nắng nóng bắt đầu từ tháng 6 và kéo dài đến giữa tháng 8, theo Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (LHQ), nhiệt độ cao hơn 30% so với mức trung bình.
Nhiệt độ rất khắc nghiệt, đạt đến mức nhiệt giữa thập niên 90 và đạt đỉnh là 40 độ C. Nhiều quốc gia đã chứng kiến làn sóng nhiệt cao kỷ lục, chẳng hạn như Vương quốc Anh với mức 38 độ C.
Đợt nắng nóng này trên thực tế chưa từng có. Theo đó, đợt nắng nóng ở châu Âu năm 2003 là mùa hè nóng nhất kỷ lục ở châu Âu kể từ năm 1540. Riêng tại Thụy Sĩ, tháng 6 năm đó là tháng nóng nhất được ghi nhận trong vòng 250 năm.
Theo một phân tích về ngày thu hoạch nho ở vùng Burgundy của Pháp, người ta ước tính rằng nhiệt độ trong đợt nắng nóng ở châu Âu năm 2003 là cao nhất kể từ năm 1370, trong khi đó, một nghiên cứu khác về vòng cây đã ước tính rằng đây là mùa hè nóng nhất kể từ năm 755 Công Nguyên.
Có tới 70.000 người tử vong
Trong đợt nắng nóng năm 2003 ở châu Âu, có ít nhất 70.000 người đã thiệt mạng (2/3 số người chết vào tháng 8). Thậm chí 3 năm sau đợt nắng nóng, tổng số nạn nhân vẫn chưa được xác định.
Theo Gail Carlson, Phó giáo sư nghiên cứu về môi trường và Giám đốc Phòng thí nghiệm Buck về Khí hậu và Môi trường tại Đại học Colby College: Tại Pháp, đã có từ 15.000 đến 19.000 người chết, là trường hợp tử vong nhiều nhất được ghi nhận trong một mùa hè kể từ Thế chiến thứ hai.
Ở Paris, tỷ lệ tử vong vượt quá 141%. Tại Italy, quốc gia này đã chứng kiến hơn 20.000 ca tử vong. Phần lớn nạn nhân là người cao tuổi và nguyên nhân tử vong có thể từ đột quỵ do nắng nóng và tăng thân nhiệt cho đến các bệnh tim mạch, bệnh hô hấp và bệnh hệ thần kinh.
Pháp chịu ảnh hưởng nặng nề
Theo ghi nhận, Pháp đã bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề bởi đợt nắng nóng năm 2003. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp của châu Âu cũng hứng chịu hậu quả ở một mức độ lịch sử. Năng suất cây trồng giảm mạnh bởi đợt nắng nóng và hạn hán sau đó. Theo báo cáo trên Tạp chí Climatic Change, đợt nắng nóng năm 2003 ở Pháp là nguyên nhân khiến sản lượng ngô của toàn châu lục bị giảm 55%. Theo ước tính, ngành nông nghiệp của Pháp bị thiệt hại hơn 4 tỷ USD.
Đợt nắng nóng cũng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất điện của Pháp. Do các nhà máy điện hạt nhân sử dụng nước sông để làm mát các lò phản ứng, nên Pháp đã phải đóng cửa 4 nhà máy điện hạt nhân vì mực nước sông quá thấp. Đồng thời do nhu cầu điện tăng vọt, Pháp đã phải cắt giảm hơn một nửa lượng điện xuất khẩu.
Theo Tạp chí Y tế Công cộng châu Âu, đợt nắng nóng năm 2003 là đợt nắng nóng tồi tệ nhất được ghi nhận ở Pháp kể từ năm 1873.
Sản lượng nông nghiệp giảm mạnh
Như đã nói, đợt nắng nóng và hạn hán năm 2003 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất cây trồng trên khắp châu Âu. Một số quốc gia đã phải đối mặt với vụ thu hoạch tồi tệ nhất trong năm đó kể từ Thế chiến thứ Hai.
Theo đó, sản lượng lúa mì ở Pháp giảm 21,5% và sản lượng ngô giảm 30%. Trên khắp châu Âu, mùa màng bị tàn phá, đặc biệt là lúa mì. Moldova chứng kiến sản lượng thu hoạch giảm 80% do gần một nửa số cây lúa mì bị thiệt hại. Đức cũng báo cáo thiệt hại về sản lượng tăng lên tới 80%. Các nước như Italy và Vương quốc Anh cũng mất tới 13% lượng lúa mì của họ. Ukraine - nền tảng bánh mì của châu Âu, đã bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng, khi thu hoạch lúa mì của nước này giảm 75%.
Vụ thu hoạch trái cây ở Pháp cũng giảm 25% năng suất do đợt nắng nóng năm 2003.
Cơ quan Môi trường châu Âu ước tính rằng, đợt nắng nóng ở châu lục năm 2003 đã dẫn đến thiệt hại hơn 10 tỷ USD cho trồng trọt, chăn nuôi và lâm nghiệp.
Cháy rừng khắp châu Âu
Cháy rừng thường xuyên xảy ra trong đợt nắng nóng năm 2003 ở châu Âu. Hàng chục nghìn vụ cháy rừng đã được ghi nhận ở Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Italy, Pháp, Áo, Phần Lan, Đan Mạch, Ireland và Hy Lạp. Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, chỉ riêng ở Bồ Đào Nha, hơn 390.000 ha rừng đã bị đốt cháy, xấp xỉ 5,6% diện tích rừng của đất nước và bao gồm một khu vực lớn hơn Luxembourg. Tổng cộng, ít nhất 650.000 ha rừng đã bị cháy ở châu Âu.
Đợt nắng nóng năm 2003 tại lục địa châu Âu dữ dội đến mức, cháy rừng ở Bồ Đào Nha, thường tập trung ở miền Bắc và miền Trung của đất nước, cũng bùng phát ở miền Nam. Ít nhất 20 người thiệt mạng trong các vụ tai nạn liên quan đến hỏa hoạn, trong đó có 4 lính cứu hỏa. Chất lượng không khí ở Tây Âu cũng bị ảnh hưởng do các trận cháy rừng hoành hành. Đây được cho là mùa hỏa hoạn tồi tệ nhất mà Bồ Đào Nha phải đối mặt trong hơn 20 năm qua.
Nga cũng đã chứng kiến những đám cháy rừng ở xa về phía Đông như Siberia, nơi người dân của họ phải chứng kiến những đám cháy lớn nhất trong ít nhất một thập kỷ.
Biển nóng và sông khô
Khi đợt nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tại các vùng nước cũng tăng lên. Dòng chảy của sông Danube ở Serbia đạt mức thấp nhất trong một thế kỷ. Và khi những xác bom và xe tăng bị nhấn chìm trước đây từ Thế chiến thứ hai xuất hiện trở lại, việc bơi trên sông trở nên quá nguy hiểm.
Biển Địa Trung Hải ngoài khơi Tây Ban Nha được ghi nhận có nhiệt độ bề mặt là 25,7 độ C, cao nhất từng được ghi nhận vào thời điểm đó, theo Hiệp hội Khí tượng Mỹ.
Ít nhất 25 loài sinh vật sống dưới đáy biển, bao gồm 9 loài bọt biển, đã bị chết hàng loạt do nhiệt độ nước biển cao. Năm 2003, ít nhất 50.000 con cá cũng chết trên sông Rhine do mực nước sông xuống thấp và nhiệt độ nước sông tăng cao.
Và Pháp không phải là quốc gia duy nhất phải giảm quy mô điện hạt nhân do dòng chảy của các con sông thấp. Đức cũng đã đóng cửa hai nhà máy điện hạt nhân do thiếu nước. Nguồn cung cấp nước công cộng cũng bị đe dọa do các hồ chứa và sông ngòi cạn kiệt.
Mối liên kết đến biến đổi khí hậu
Sau đợt nắng nóng ở châu Âu năm 2003, nhiều nghiên cứu của các nhà khí hậu học đã phát hiện, biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính gây ra mức nhiệt độ cao kỷ lục.
Theo nghiên cứu, 506 trong số 735 trường hợp tử vong vào mùa hè ở Paris là do "đợt nắng nóng trở nên tồi tệ hơn do biến đổi khí hậu nhân tạo". Và mặc dù nghiên cứu đặc biệt này chỉ tập trung vào London và Paris, nhiều thành phố trên khắp châu Âu cũng đã chứng kiến tỷ lệ tử vong gia tăng trong đợt nắng nóng năm 2003 ở châu Âu.
Sau thảm kịch trong đợt nắng nóng năm 2003, sự nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu được coi là "mối đe dọa sức khỏe mới ở một châu Âu già nua".
Dùng bút kích hoạt động cơ hỏng trên tàu vũ trụ, về sau phi hành gia bán với giá 46,8 tỷ