Mối lo của Ukraine nếu phe cực hữu nắm quyền ở Pháp
Người đứng đầu Đảng Tập hợp Quốc gia (RN) cực hữu đã vạch rõ những “lằn ranh đỏ” khi nói đến sự ủng hộ của Pháp dành cho Ukraine.
Mối quan hệ giữa Đảng Tập hợp Quốc gia (RN) của chính trị gia cực hữu Marine Le Pen và Điện Kremlin càng trở thành tâm điểm chú ý khi chỉ còn ít ngày nữa là đến cuộc bầu cử lập pháp trước thời hạn ở Pháp.
“Lằn ranh đỏ”
Càng đến gần ngày bầu cử, Đảng RN càng tích cực tìm cách tranh thủ sự ủng hộ của cử tri. Trong nỗ lực vạch rõ quan hệ với Moscow, Chủ tịch RN Jordan Bardella hôm 24/6 tuyên bố Nga là “mối đe dọa đa chiều cho cả Pháp và châu Âu”.
Nhưng có những lo ngại về động cơ thực sự của đảng này đối với chính sách đối ngoại và điều gì sẽ xảy ra nếu RN giành đủ số phiếu để điều hành chính phủ ở Pháp, một trong những cường quốc hàng đầu châu Âu.
Nếu Đảng RN giành đủ số ghế trong Quốc hội khóa mới sau cuộc bầu cử 2 vòng vào ngày 30/6 và ngày 7/7, ông Bardella có thể trở thành Thủ tướng Pháp – vai trò sẽ giao cho ông phụ trách điều hành quân đội và phê duyệt ngân sách.
Tuy nhiên, Thủ tướng sẽ chia sẻ trách nhiệm về chính sách đối ngoại của mình với Tổng thống, người vẫn là người đứng đầu quân đội và chịu trách nhiệm bổ nhiệm các Đại sứ cũng như phê chuẩn các hiệp ước.
Trình bày các đường lối chính sách của RN, ông Bardella cho biết, với tư cách Thủ tướng, ông sẽ tôn trọng vai trò của Tổng thống nhưng đồng thời cũng vẫn “chung thủy” với các chính sách của đảng mình.
Đảng RN theo chủ nghĩa dân tộc đã thúc đẩy chính sách đối ngoại của Pháp độc lập hơn. Họ đã công khai chuyển từ thái độ hoài nghi châu Âu sang mong muốn chứng kiến một cuộc cải cách ở EU. Cho đến tuần trước, đảng này vẫn tuyên bố sẽ rút Pháp khỏi Bộ chỉ huy quân sự NATO (nhưng không rời NATO).
Nền tảng chính sách của RN được công bố trực tuyến hôm 24/6 tập trung vào vấn đề nhập cư, nhấn mạnh vào sự cần thiết phải bảo vệ nước Pháp khỏi “tình trạng bị nhấn chìm bởi người di cư”.
Nền tảng này cũng gợi lên nhu cầu bảo vệ lãnh thổ của Pháp “trong một môi trường quốc tế suy thoái” mà không đưa ra bất kỳ thông tin cụ thể nào.
Cuộc chiến ở Gaza và Ukraine không được đề cập đến, mặc dù ông Bardella cho biết ông sẽ không từ bỏ sự hỗ trợ của Pháp đối với Ukraine.
“Tôi không có ý định đặt câu hỏi về các cam kết của Pháp trên trường quốc tế và làm tổn hại đến uy tín của chúng tôi tại thời điểm có giao tranh ở ngay ngưỡng cửa châu Âu”, vị chính trị gia cực hữu nói.
Tuy nhiên, ông cho biết sẽ không ủng hộ việc đưa quân Pháp tới Ukraine, cũng như không ủng hộ việc chuyển giao vũ khí tầm xa.
“Lằn ranh đỏ của tôi vẫn là tên lửa tầm xa hoặc bất kỳ thiết bị quân sự nào có thể dẫn đến leo thang, ý tôi là bất cứ thứ gì có thể tấn công trực tiếp vào các thành phố của Nga”, ông nói.
Tình hình phức tạp hơn
Ông Nicolas Tenzer, giảng viên triết học chính trị tại Đại học Sciences Po ở Paris, nói rằng lịch sử bỏ phiếu của Đảng RN về Ukraine kể một câu chuyện khác với những gì ông Bardella đang nói.
“Đảng RN, dù ở Quốc hội Pháp hay Nghị viện châu Âu, chưa bao giờ bỏ phiếu cho bất kỳ một nghị quyết nào có lợi cho Ukraine”, ông Tenzer nói với RFI. “Nếu các nghị sĩ của Đảng RN giành được đa số trong Quốc hội khóa mới, họ có thể chặn bất kỳ khoản ngân sách nào để hỗ trợ Ukraine”.
Một nguồn tin của Ủy ban châu Âu (EC) nói với EurActiv về khoản tài trợ 50 tỷ Euro của EU cho Ukraine, dưới dạng các khoản vay và trợ cấp, nhằm hỗ trợ quá trình phục hồi và tái thiết của đất nước cho đến năm 2027.
“Việc chuyển tài chính tới Ukraine được thực hiện hàng quý và chính các quốc gia thành viên EU phải xác nhận việc đó theo đa số đủ điều kiện. Đảng RN ở Pháp có thể bị lôi kéo để hợp lực với Hungary, Slovakia và các nước khác để cản trở quá trình này”, nguồn tin này giải thích.
Ngay cả khi RN khó có thể chặn đứng ngay việc chuyển viện trợ của EU cho Ukraine, đảng này vẫn có thể làm chậm trễ mọi quyết định, khuấy động sự tranh cãi ở Pháp và gây áp lực về việc không cấp thêm viện trợ, theo nghị sĩ Nghị viện châu Âu Bernard Guetta.
Hệ thống pháo tự hành Caesar 155 mm do Pháp sản xuất được chuyển giao cho Ukraine. Ảnh: Ukrainska Pravda
Các quốc gia thành viên EU hôm 24/6 đã thông qua việc sử dụng 1,4 tỷ Euro lợi nhuận từ các tài sản bị phong tỏa của Nga cho Ukraine, bằng cách loại bỏ Hungary khỏi cuộc bỏ phiếu.
“Ví dụ của Hungary cho thấy rằng nếu một số quốc gia từ chối gửi viện trợ cho Ukraine thì sẽ có những giải pháp sáng tạo để vượt qua những trở ngại này”, bà Gésine Weber, nhà nghiên cứu quốc phòng tại King’s College London, nói với EurActiv.
“Tuy nhiên, tình hình sẽ phức tạp hơn nhiều nếu Pháp cản trở, bởi vì ở đây chúng ta đang nói về quốc gia hùng mạnh thứ hai trong Liên minh châu Âu”, vị chuyên gia nói thêm.
Sự hội nhập EU của Ukraine cũng có nguy cơ lâm vào bế tắc một khi phe cực hữu lên nắm quyền ở Pháp.
Ukraine và Moldova chính thức khởi động đàm phán gia nhập EU hôm 25/6, đánh dấu sự khởi đầu của một quá trình cải cách có thể kéo dài nhiều năm.
Tuy nhiên, có vẻ như sẽ không có thêm tiến bộ nào cho bước tiếp theo trong 6 tháng tới, khi Hungary giữ chức Chủ tịch luân phiên EU từ ngày 1/7.
Khi Budapest công bố chương trình chính thức cho cương vị Chủ tịch vào tuần trước, Bộ trưởng Các vấn đề châu Âu của Hungary János Bóka cho biết “vấn đề mở các chương (tạo nên 6 nhóm chủ đề của các cuộc đàm phán gia nhập) sẽ không được nêu ra trong nhiệm kỳ Chủ tịch của Hungary”.
Nếu RN lên nắm quyền, Thủ tướng Hungary Viktor Orbán sẽ có thể tin tưởng vào sự hỗ trợ vô điều kiện của chính trị gia cực hữu Bardella liên quan đến vấn đề Ukraine.
Lãnh đạo RN luôn nói rằng ông “phản đối” bất kỳ sự mở rộng nào nữa. Trong một cuộc tranh luận vào tháng 5 năm ngoái, ông Bardella cho rằng trường hợp kết nạp Ukraine “có thể đồng nghĩa với sự kết thúc của nền nông nghiệp Pháp”.
Minh Đức (Theo EurActiv, RFI)