Mỗi lần ngự thiện lên tới hơn 100 món, đồ ăn thừa của Hoàng đế triều đại nhà Thanh được xử lý thế nào?

Chia sẻ Facebook
28/05/2022 11:13:03

Bữa ăn của đế Trung Hoa như thế nào? Có bao nhiêu người phục vụ? Những đồ ăn thừa được xử lý ra sao?... là những câu hỏi khiến nhiều người tò mò.


Trong xã hội phong kiến Trung Quốc , hoàng đế là biểu tượng của quyền lực cao nhất. Ở mỗi triều đại, các vị vua đều có khẩu vị ăn uống khác nhau và sự phong phú của những món ăn cũng nhiều khác biệt. Nhà Thanh là triều đại phong kiến gần nhất với thời hiện đại nên có rất nhiều tư liệu cổ được lưu lại.

Trong cuốn hồi ký nổi tiếng "Nửa đời trước của ta" của Vua Phổ Nghi - vị hoàng đế cuối cùng của triều nhà Thanh có tiết lộ những sự thực "giật mình". Số ngân lượng chỉ chi cho việc ăn uống của Phổ Nghi trong quãng thời gian ông còn tại vị lên tới gần 15.000 lượng bạc mỗi năm.

Sở dĩ tốn kém như vậy bởi thời nhà Thanh đặt ra nhiều quy tắc cho các bữa ăn. Cụ thể, bàn ăn dành cho hoàng đế phải đủ 120 món, hoàng hậu gồm 96 món và hoàng phi là 64 món.

Nhà Thanh đưa ra rất nhiều nguyên tắc cho mỗi bữa ăn của Hoàng đế. Ảnh minh họa


Được biết, hoàng thất nhà Thanh là dân tộc Mãn thuộc vùng Đông Bắc. Khi lập triều đại này, họ vẫn giữ tập quán thói quen dùng bữa truyền từ thời tổ tiên. Theo đó, hoàng đế nhà Thanh chỉ ăn ngày hai bữa chính gồm bữa sáng và bữa chiều, ngoài ra sẽ có các bữa phụ, bữa điểm tâm.

Sử sách ghi lại, bếp hoàng tộc bao gồm ba phần: Bếp chính, bếp trà và bếp làm đồ tráng miệng ngọt. Mỗi bếp có một đầu bếp chính và 5 đầu bếp phụ, một người giám sát và một người phụ trách việc mua sắm cũng như theo dõi các nguồn cung cấp.

Trong bữa ăn, hoàng đế phải tuân theo một loạt các thủ tục rườm rà. Như thời Nam Tống, các vệ binh phải canh gác chặt chẽ để đảm bảo không ai được phép đi lại ở nơi hoàng đế dùng bữa. Sau khi thái giám truyền chỉ sẽ có 10 cung nữ mặc y phục màu tím lần lượt dâng đồ ăn lên, tuy nhiên hoàng thượng không ăn ngay mà phải chờ 2 thái giám chuyên "thử độc" và "nếm thử thức ăn" nhằm đảm bảo rằng không xảy ra vấn đề gì.

Tuy nhiên, hoàng đế không được tự do ăn uống theo sở thích mà chỉ được phép ăn nhiều nhất 3 miếng cho mỗi món, như vậy sở thích của nhà vua sẽ không bị lộ, cũng như tránh bị hạ độc.


Theo Qulishi, sau khi hoàng đế dùng bữa, lượng thức ăn còn dư trong mỗi bữa ngự thiện sẽ được xử lý theo 2 cách phổ biến. Đầu tiên, thái giám theo lệnh vua ban thưởng cho các phi tần hoặc quan viên. Đối tượng được ban thưởng các món sơn hào hải vị trong bữa cơm của nhà vua chủ yếu là phi tử hoặc đại thần. Việc được nhà vua ban cho những món ăn được xem là ân huệ lớn lao.

Trong trường hợp nhà vua không chỉ đích danh ban thưởng thức ăn cho phi tần, quan lại thì các món ăn thừa sẽ được ban cho cung nữ, thái giám. Thực tế, những đối tượng này không tranh đoạt các món sơn hào hải vị ấy để ăn. Thay vào đó, họ sẽ lén lút cất giấu các món ăn thừa của nhà vua rồi mang ra bên ngoài cung để bán cho các tửu điếm lớn.

Đặc biệt vào thời nhà Minh và nhà Thanh, có một chuỗi kỹ nghệ chuyên bán lại đồ ăn thừa của hoàng đế trong cung, lợi nhuận thu được rất cao. Ở bên ngoài Tử Cấm Thành, một vài quán rượu cố ý thu thập những thứ bị xem là "cơm thừa canh cặn" của hoàng đế, sau đó nghiên cứu cách thức chế biến để làm ra một phần khác, rồi tuyên bố với thiên hạ đây là món mà Thiên tử từng dùng qua. Vì vậy, dù món ăn có giá cao bao nhiêu, không ít người vẫn sẽ giành mua cho bằng được.

Bên cạnh đó, sau mỗi bữa ăn của hoàng thượng, để tránh lãng phí đồ ăn thái giám liền gửi cho các cung nữ chuyên nuôi động vật trong cung, và làm thành đồ khô.

Thức ăn cho vật nuôi sau đó được phân phát cho nô tài trong cung điện và dùng để nuôi những con vật nhỏ này. Tuy nhiên cũng giống như các thái giám, nô tài trong cung cũng học cách khai gian và nói đây đều là thức ăn mua từ ngoài cung để kiếm lời.

Chia sẻ Facebook