Môi giới bất động sản bắt đầu nếm “trái đắng” của nghề?

Chia sẻ Facebook
19/09/2022 20:07:44

Những thương vụ kiếm tiền chóng vánh nhờ tham gia đầu tư “lướt sóng”, hay làm trung gian cho các giao dịch qua tay của các nhà đầu tư đã từng giúp môi giới BĐS kiếm tiền chục đến hàng trăm triệu trong khoảng thời gian ngắn.

Cơn sốt đi qua để lại "khoảng trống" cho nghề môi giới đất nền

Thế nhưng, những con số hoa hồng lên đến hàng chục hay hàng trăm triệu đồng gần như đã "lắng lại" trong suốt thời gian qua. Thậm chí, thị trường đã xuất hiện hiện tượng môi giới đồng loạt bỏ nghề, chuyển nghề từ giai đoạn giữa năm 2021 đến nay. Nếu còn trụ lại thì đa phần là các môi giới lâu năm, đã có kinh nghiệm và mối quan hệ rộng rãi với các nhà đầu tư. Theo các chuyên gia, sự thanh lọc này dễ thấy nhất vào thời điểm Covid-19 lần 4 xuất hiện vào giữa năm 2021. Đến đầu năm 2022, khi kinh tế mở cửa, thị trường BĐS rục rịch trở lại, nhiều môi giới tiếp tục quay lại với nghề.

Thời điểm này, thị trường BĐS xuất hiện đợt sốt đất cục bộ tại một số địa phương lân cận Tp.HCM. Các khu vực như Cẩm Mỹ, Định Quán, Long Thành, Nhơn Trạch (Đồng Nai); Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận); Đồng Xoài (Bình Phước)…hoạt động mua bán, môi giới BĐS diễn ra khá sôi động. Nhiều môi giới đã kiếm hàng trăm triệu đồng trong vài tháng nhờ môi giới các mảnh đất "sang tay" liên tục giữa các nhà đầu tư với nhau trong đợt sốt. Thậm chí, cùng một mảnh đất, nhà đầu tư mua đi bán lại 5-6 lần, cũng ngần ấy lần, môi giới hưởng hoa hồng.

Ảnh minh hoạ

Tuy vậy, sốt đất "hạ nhiệt" ngay sau đó khi các thông tin về siết phân lô, bán nền; chính sách thuế; tín dụng được ban hành vào tháng 4-5/2022. Nhiều môi giới đất nền tại các tỉnh lân cận Tp.HCM như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận, Bình Phước… dần "rút" về, hoặc khó bán hàng khi mà hoạt động đầu tư chậm lại. Nhiều môi giới BĐS gặp khó từ thời điểm tháng 5/2022 đến nay.

Anh Th, một môi giới lâu năm chuyên đất nền khu vực Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, giao dịch gần như đứng lại hẳn từ giữa năm 2022 đến nay. Các nhà đầu tư, bao gồm cả nhà đầu tư mới và lâu năm đều "im ắng" để quan sát thị trường. Môi giới gần như không phát sinh giao dịch mấy tháng nay. "Hi vọng thị trường cuối năm nay sẽ ổn lại, khi mà thông tin về tín dụng được cởi mở hơn", anh Th cho hay.

Cũng theo môi giới này, thị trường có "sóng" hay "sốt" là thời điểm anh em môi giới kiếm sống tốt. Khi thị trường chững lại cũng là lúc anh em môi giới phải vất vả trụ với nghề hoặc chuyển nghề để "kiếm kế sinh nhai". Đã không ít môi giới, bao gồm cả môi giới có kinh nghiệm (dù có mối quan hệ với các NĐT lâu năm) cũng không vượt qua trước những biến động của thị trường BĐS. Thanh khoản chậm, giao dịch tắt ở một số khu vực khiến một số môi giới vài tháng không có thu nhập, trong khi các chi phí để chạy quảng cáo hay Marketing vẫn phải bỏ ra.

Thực tế, mối đợt sốt đất đi qua, đều để lại "khoảng trống" cho môi giới BĐS và thị trường BĐS khu vực đó. Ngoài hệ lụy về mặt giá cả tăng cao, thì thị trường còn chứng kiến hiện tượng, môi giới BĐS lần lượt rời đi theo kiểu "không bao giờ quay trở lại" hoặc người mua cũng rất khó tìm môi giới sau những đợt sốt đất. Cùng với đó, nhiều môi giới "mùa vụ" cũng nghỉ hành nghề và trở về với công việc hàng ngày khi đất "hạ nhiệt".

Chưa kể, thu nhập lao dốc, không có nguồn hàng để bán hoặc bán mãi không được cũng là những rào cản khiến nghề môi giới BĐS trở nên bấp bênh theo nhịp thị trường. Có không ít môi giới, sau cơn sốt đất đi qua, phải sống nhờ vào tiền trợ cấp thất nghiệp.


Nghề đào thải khốc liệt

Có thể thấy, dù thị trường có BĐS sôi động (như thời điểm đầu năm 2022) nhưng nhìn vào thực tế để thấy: Không còn cảnh môi giới kiếm tiền dễ dàng như thời điểm trước đây.

Năm 2021-2022 là thời điểm mà môi giới bị đào thải khốc liệt nhất. Nhiều công ty dịch vụ BĐS cắt giảm nhân sự hàng loạt do khó khăn nguồn hàng, dòng tiền…Rất nhiều công ty BĐS sau đợt Covid-19 lần 4 đã giải thể các chi nhánh, trả mặt bằng, cho anh em môi giới nghỉ việc. Thời điểm đó, môi giới phải chuyển đổi công ty hoặc tạm nghỉ để tìm việc mới.

Hiện tại, thị trường BĐS đã qua giai đoạn Covid-19 hành hoành, tuy nhiên, những chính sách cộng với nguồn cung BĐS tiếp tục khan hiếm cũng là rào cản không hề nhỏ với nghề môi giới BĐS. Thị trường BĐS chưa thực sự phục hồi đã khiến nhiều môi giới chấp nhận bị đảo thải, bấp bênh với chính nghề nghiệp của mình.

Từng chia sẻ, ông Phạm Lâm, Phó chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, tại Tp.HCM, nghề môi giới phân hóa mạnh mẽ và đào thải kỷ lục trong năm 2021. Do tác động nặng nề của đại dịch, nhiều sàn địa ốc thu hẹp quy mô, đóng cửa tạm thời thậm chí phá sản. Chỉ khoảng 25% các công ty môi giới thật sự có tiềm lực đủ sức trụ lại sau đợt dịch Covid lần thứ tư. Trong khi đó, có đến hơn 70% nhóm các công ty môi giới khó duy trì bộ máy, tan rã, dẫn đến 60% môi giới bị đào thải hoặc tự chủ động bỏ nghề.

Vị này đánh giá, phần lớn các nhân sự môi giới địa ốc thất nghiệp do công ty phá sản, dừng hoạt động hoặc các môi giới bất động sản vào nghề theo trào lưu, chớp thời cơ bắt sóng, chạy theo đám đông, tầm nhìn ngắn hạn. Nhóm này chiếm khoảng 60% nguồn nhân sự ở các công ty gặp khó khăn mùa dịch và thường bị đào thải hoặc tự đào thải (chuyển nghề).

Có thể thấy, nhân sự môi giới đã và đang cũng bước vào cuộc sàng lọc khắc nghiệt. Theo các chuyên gia, năm 2022, nhân sự ngành môi giới bất động sản trở về với quy luật chuyên môn hóa, những ai đến với ngành này để hớt bọt, đón sóng theo hiệu ứng đám đông sẽ bị đào thải hoặc tự rút lui.

Chia sẻ Facebook