"Mỏ vàng" của KIDO đang nằm ở đâu: Dầu ăn, kem lạnh hay bánh kẹo?
Phần lớn doanh thu của KIDO đều đến từ dầu ăn với tỷ trọng từ 79-86%. Năm 2018 và năm 2021 mảng kinh doanh này đem lại khoảng 8.900 tỷ đồng doanh thu.
Bánh kẹo - Tìm lại hào quang cũ
“Năm 2022, KIDO đặt mục tiêu tung 300 tấn bánh ra thị trường và chinh phục vị trí thứ 2 thị trường trong vòng 3 năm. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chúng tôi đã hoàn thành vượt kế hoạch đề ra, tức hơn 300 tấn bánh do KIDO sản xuất đã đến tay người tiêu dùng.", Tổng giám đốc Trần Lệ Nguyên chia sẻ hồi cuối tháng 8 mới đây.
Theo đó bánh trung thu KIDO’s Bakery năm 2022 đã “cháy hàng” trên toàn quốc, chỉ một số điểm bán vẫn còn một vài dòng bánh, tuy nhiên số lượng là rất ít.
Đây là mùa kinh doanh bánh trung thu thứ 3 kể từ khi KIDO quay lại ngành hàng bánh kẹo năm 2020. Kể từ sau năm 2014, hai anh em họ Trần sáng lập của Kinh Đô quyết định bán mảng bánh kẹo cho đối tác ngoại Mondele với giá trị 10.000 tỷ đồng, KIDO - công ty mới của họ - đã xoay trục sang phát triển ngành dầu ăn và kem với những thương hiệu như Tường An, Marvela, Merino, Celano.
KIDO từng ghi dấu ấn trong lòng người tiêu dùng với nhiều thương hiệu bánh kẹo. Nhưng ở hiện tại nếu xét về hiệu quả kinh doanh thì đâu được xem là "gà đẻ trứng vàng" cho tập đoàn này?
Dầu ăn: Vựa doanh thu khủng
Dù xoay trục tập trung sang ngành dầu ăn sau khi bán mảng bánh kẹo từ năm 2015, nhưng phải từ năm 2018 KIDO mới bắt đầu tiết lộ số liệu kinh doanh của từng mảng kinh doanh riêng. Những năm trước đó, doanh thu của KIDO chỉ được bóc tách theo bộ phận chia theo khu vực địa lý.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu mảng dầu ăn đạt 5,3 nghìn tỷ đồng (tăng 30% so với cùng kỳ), với tỷ suất lợi nhuận gộp là 14,8% (tăng từ 13,8% trong 6 tháng đầu năm 2021). Sự tăng trưởng doanh thu của mảng này là do sản lượng tiêu thụ dầu ăn tăng mạnh, với mức tăng trưởng xấp xỉ 24% so với cùng kỳ và giá bán bình quân tăng 5% so với cùng kỳ.
Việc mở cửa trở lại nền kinh tế đã thúc đẩy tiêu thụ, đặc biệt ở kênh HORECA (khách sạn - nhà hàng - quán cafe), trong bối cảnh KIDO đẩy mạnh các kênh bán hàng hiện đại. Đồng thời, nhờ việc quản lý chi phí hiệu quả sau khi tăng tỷ lệ sở hữu tại các công ty con, KIDO đã cải thiện tỷ suất lợi nhuận gộp trong 6 tháng đầu năm 2022.
Theo SSI Research, hiện tập đoàn này đang tái cấu trúc mảng dầu ăn. Từ năm 2022, KIDO phân phối bán lẻ các sản phẩm dầu ăn, trong khi Công ty Dầu ăn Tường An phụ trách hoạt động sản xuất. Công ty Vocarimex sẽ tập trung vào bán buôn dầu ăn.
Từ tháng 12 năm 2019, KDC ra mắt dòng sản phẩm cao cấp - Tường An Premium. Chiến lược của công ty tập trung vào phân khúc dầu ăn cao cấp, nơi công ty kỳ vọng đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn do thu nhập khả dụng tăng.
Theo Kantar Worldpanel, dầu ăn Tường An đã trở thành thương hiệu FMCG phát triển nhanh nhất vào năm 2021 tại thị trường trong nước, dựa vào việc triển khai các phân khúc sản phẩm mới và kênh phân phối hiện đại.
Năm 2021, Dầu ăn Tường An đứng thứ 8 trong Top 10 thương hiệu Thực phẩm đóng gói được lựa chọn nhiều nhất tại 4 thành phố lớn của Việt Nam (Dầu ăn thương hiệu “Simply” của Calofic đứng thứ 10).
Theo Euromonitor, ngành dầu ăn thực vật sẽ ghi nhận mức tăng trưởng kép (CAGR) 3,5% về sản lượng tiêu thụ và 2,3% về giá trị trong giai đoạn 2021-2026. Cũng theo tổ chức nghiên cứu này, KIDO chiếm 19,3% thị phần tính theo giá trị trong mảng này, với các sản phẩm dầu ăn có thương hiệu (không bao gồm phân khúc bán buôn).
Dựa trên ước tính của công ty, xét theo doanh thu, KIDO chiếm 39% tổng thị phần trên thị trường dầu ăn vào năm 2022.
Kem và sữa chua: Sinh lãi tuyệt vời
Nếu tính về con số tuyệt đối ngành hàng lạnh như sữa chua, kem chỉ đem về 12-20% doanh thu cho KIDO nhưng lại là mảng đem lại biên lợi nhuận gộp (*) khủng.
Năm 2021, dầu ăn mang về doanh thu 8.904 tỷ đồng nhưng lãi gộp chỉ đạt 1.227 tỷ đồng, biên lãi gộp khá mỏng với chưa tới 14%. Trong khi ngành hàng lạnh dù chỉ thu về 1.522 tỷ đồng doanh thu thì lãi gộp đã tới 810 tỷ đồng, biên lãi gộp lên tới hơn 50%.
Ghi nhận qua thời gian, biên lãi gộp của ngành dầu ăn của KIDO khá khiêm tốn khi chỉ ở mức 13-17% trong khi đó ngành hàng lạnh đều từ 52-57%. Nói nôm na, cứ 10 đồng doanh thu dầu ăn, KIDO cầm về chưa tới 2 đồng lãi gộp, trong khi với kem và sữa chua giúp KIDO kiếm tới 5-6 đồng lãi gộp.
6 tháng đầu năm 2022, doanh thu mảng thực phẩm đông lạnh (bao gồm kem và sữa chua) đạt 986 tỷ đồng, tăng 19,6% so với cùng kỳ, với tỷ suất lợi nhuận gộp là 52%.
Nguyên nhân giúp doanh thu ngành lạnh nửa năm vừa qua có mức tăng trưởng tốt là bởi các kênh tiêu dùng tại chỗ như các điểm du lịch, trung tâm giải trí và trường học đã bắt đầu mở cửa trở lại hoàn toàn kể từ tháng 3/2022, điều này đã hỗ trợ tăng trưởng cho mảng này. Tỷ suất lợi nhuận gộp được cải thiện do việc tối ưu hóa chi phí và sản lượng tiêu thụ cao hơn.
Theo Euromonitor, ngành kem sẽ tăng trưởng với tốc độ kép (CAGR) 5,5% về sản lượng tiêu thụ và 6,1% về giá trị trong giai đoạn 2022-2027. SSI Research cho biết năm 2021, KIDO chiếm 43,7% thị phần về giá trị trong ngành kem . Những đối thủ khác có thị phần khá bé so với KIDO như Unilever chiếm 12%, Vinamilk chiếm 10%, Fanny chiếm 5%, Tràng Tiền giữ 4%, Nestle ở mức 3%.
(*) Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xem xét việc sinh lãi dựa theo lợi nhuận gộp - tức là khoản lãi thu về sau khi lấy doanh thu bán hàng trừ đi chi phí chính.
Tỷ suất lợi nhuận gộp (biên lãi gộp (%) = Lãi gộp / Doanh thu) sẽ đánh giá được tình hình hoạt động của doanh nghiệp cũng như so sánh hiệu quả của các mảng kinh doanh.
Mộc An