Mở rộng quốc lộ 13: Bình Dương khởi động, sao TP.HCM chưa rục rịch?

Chia sẻ Facebook
27/04/2022 10:36:27

Nhiều người dân đã thắc mắc như vậy khi tỉnh Bình Dương đã khởi công mở rộng tuyến đường huyết mạch kết nối TP.HCM với các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nguyên này.

Quốc lộ 13 đoạn qua TP Thuận An, tỉnh Bình Dương - Ảnh: QUANG ĐỊNH


Ngày 26-4, UBND tỉnh Bình Dương và chủ đầu tư là Tổng công ty Becamex IDC đã khởi công dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13 đoạn giáp ranh TP.HCM đến TP Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) dài 12,6km. Quốc lộ 13 sẽ được mở rộng thêm hai làn xe về bên phải, hướng từ TP.HCM đi Bình Dương, để tuyến đường đạt quy mô 8 làn xe, nền đường rộng 40,5m. Dự án có tổng mức đầu tư 1.367 tỉ đồng được triển khai theo hình thức BOT.

Ông Nguyễn Văn Dành - phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - cho biết trước mắt sẽ triển khai mở rộng đoạn từ nút giao đại lộ Tự Do (Khu công nghiệp VSIP 1, TP Thuận An) đến ngã tư Lê Hồng Phong (TP Thủ Dầu Một). Đoạn đường này giao nhau với dự án đường vành đai 3 TP.HCM, là tuyến đường kết nối vùng quan trọng đang được Chính phủ và các tỉnh Đông Nam Bộ tích cực chuẩn bị triển khai bằng vốn trung ương kết hợp với địa phương. Việc mở rộng quốc lộ 13 cũng sẽ cộng hưởng với dự án mở rộng đường tỉnh 743 (từ ngã tư Miếu Ông Cù, tỉnh Bình Dương đến nút giao Sóng Thần, TP.HCM) lên 6 làn xe sắp hoàn thành.

Theo Ban quản lý dự án công trình giao thông tỉnh Bình Dương, ngoài dự án mở rộng quốc lộ 13, dọc tuyến này cũng sẽ có thêm các dự án xây cầu vượt tại các nút giao thông lớn như nút giao đại lộ Hữu Nghị - ngã tư Bình Hòa, nút giao Hòa Lân... và xây hầm chui tại ngã năm Phước Kiến (giao giữa quốc lộ 13 và đường Huỳnh Văn Cù nối sang Củ Chi, TP.HCM), ngã tư Chợ Đình (giao giữa quốc lộ 13 và đường Phú Lợi).

Quốc lộ 13 qua địa bàn tỉnh Bình Dương dài hơn 60km được đặt tên "đại lộ Bình Dương", là con đường quan trọng bậc nhất cho sự phát triển của Bình Dương và Bình Phước, kết nối các tỉnh Tây Nguyên với TP.HCM. Khi phát triển những khu công nghiệp đầu tiên hơn 25 năm trước, trong bối cảnh ngân sách, cơ chế thời bấy giờ còn khó khăn, tỉnh Bình Dương đã mạnh dạn đề xuất trung ương cho tỉnh huy động vốn xã hội hóa để mở rộng đường. Quốc lộ 13 ban đầu được mở rộng từ TP.HCM tới Khu công nghiệp VSIP 1, sau đó tiếp tục mở rộng tới các khu công nghiệp Mỹ Phước, Bàu Bàng... và hiện nay đã được nối liên thông qua Bình Phước, tới biên giới. Quốc lộ 13 được mở rộng tới đâu đã tạo ra sức bật mới tới đó với hàng loạt khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ chạy dọc tuyến đường này.

Trong khi đó, quốc lộ 13 qua địa bàn TP.HCM đoạn từ chân cầu Bình Triệu đến cầu vượt Bình Phước (TP Thủ Đức) lâu nay được xem là nút "thắt cổ chai" ở cửa ngõ hướng từ Tây Nguyên về TP.HCM. Dự án nâng cấp, mở rộng đoạn quốc lộ 13 này có tổng mức đầu tư gần 9.992 tỉ đồng đã được bàn thảo từ nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn chưa rục rịch. Khi đoạn quốc lộ 13 qua Bình Dương được khởi công mở rộng, người dân TP.HCM càng bức xúc về sự chậm trễ này.

Ông Trần Quang Lâm - giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM - nhìn nhận đây là dự án mang tính chất liên kết vùng và dự án đã nằm trong nhóm ưu tiên triển khai đầu tư trong đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông TP. Tuy nhiên, hiện nay loại hình đầu tư theo hình thức BOT không còn phù hợp vì nằm trên tuyến đường cũ, hơn nữa chi phí giải phóng mặt bằng rất lớn. Do đó TP sẽ nghiên cứu đầu tư mở rộng tuyến đường này bằng vốn đầu tư công từ nay đến 2030.

Ngoài ra, ông Lâm cho hay TP.HCM đang nghiên cứu nguồn vốn để cân đối cho dự án quốc lộ 13, trong đó kiến nghị trung ương tăng tỉ lệ điều tiết cho TP hoặc tăng thêm vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn. Đồng thời, TP cũng đang nghiên cứu có thể phát hành trái phiếu địa phương để xây dựng hạ tầng đô thị nhằm thực hiện dự án này.

Tuyến giao thông huyết mạch quốc lộ 13 nối TP.HCM - Bình Dương qua địa bàn tỉnh Bình Dương sẽ được mở rộng thêm 2 làn xe và xây thêm các cầu vượt, hầm chui nhằm chống ùn tắc, tạo điều kiện thông thương hàng hóa.

Chia sẻ Facebook