Mở phòng công chứng, vợ nguyên Giám đốc Sở Tư pháp mặc sức lừa đảo

Chia sẻ Facebook
29/06/2022 21:11:18

Mở Văn phòng công chứng Đoàn Quang Lưu, móc nối với công chứng viên nơi khác ở thành phố Đà Lạt, Bùi Thị Mai Liên mặc sức thực hiện hàng loạt phi vụ lừa đảo người mua đất.

Từ đầu năm 2019 đến quý 1 năm 2020, Bùi Thị Mai Liên (48 tuổi, Trưởng phòng Hành chính tư pháp thuộc Sở Tư pháp Lâm Đồng, vợ của giám đốc sở này) đã mua nhiều thửa đất có diện tích lớn ở thành phố Đà Lạt rồi mượn người vẽ họa đồ, tách thành 60 lô để bán kiếm lời.

Theo cơ quan điều tra, để có thể mua nhiều đất như thế, Liên giở nhiều thủ đoạn như lừa bán đất khi sổ đỏ đang cầm cố ở ngân hàng; chỉ với 1 sổ đỏ nhưng lừa bán cho 2 người... Đến tháng 3/2020, nhiều người gửi đơn tố cáo hành vi lừa đảo của Liên.

Thủ đoạn cao tay nhất của Liên là mở hẳn một Văn phòng công chứng (VPCC) mang tên Đoàn Quang Lưu; đồng thời móc nối với công chứng viên của Phòng công chứng số 1 để dễ bề thực hiện các phi vụ lừa đảo.

Liên soạn thảo hợp đồng đặt cọc với hình thức thanh toán thành 3 đợt: Đợt đầu, hai bên ký hợp đồng đặt cọc và nhận tiền cọc. Đợt 2, bên mua thanh toán từ 70-80% số tiền nhận chuyển nhượng đất ngay sau khi làm hợp đồng công chứng việc chuyển nhượng. Đợt 3, bên mua thanh toán số tiền còn lại sau khi nhận sổ đỏ đứng tên mình.

Để nhanh chóng thu tiền cọc và tiền thanh toán đợt 2 trên các hợp đồng đặt cọc, Liên yêu cầu Chu Văn Sửa (công chứng viên, Trưởng VPCC Đoàn Quang Lưu) chứng nhận nhiều hợp đồng chuyển nhượng sổ đỏ, trong khi bản chính những cuốn sổ này đang được thế chấp vay tiền tại một số ngân hàng.

Trong nhiều thương vụ, với sự tiếp tay của Chu Văn Sửa, Bùi Hữu Quang Luận (công chứng viên) và Trần Thị Quỳnh Lâm (nhân viên VPCC Đoàn Quang Lưu), Liên đã làm giả hợp đồng đặt cọc, hợp đồng chuyển nhượng… để nhận tiền đặt cọc, chiếm đoạt nhiều tỷ đồng.

Để tránh sự phát hiện của các ngân hàng và người nhận chuyển nhượng, sau khi chứng nhận các hợp đồng chuyển nhượng, đóng dấu công chứng, Chu Văn Sửa sẽ không đăng tải thông tin lên mạng dữ liệu của tổ chức hành nghề công chứng.

Về phía những người mua đất, do tin tưởng vào hợp đồng chuyển nhượng được công chứng nên đồng loạt thanh toán tiền đợt 2 theo tiến độ đã ký trên các hợp đồng đặt cọc. Từ đó Liên đã chiếm đoạt số tiền này.

"Con nợ" cầm biển đòi nợ tại phòng làm việc của ông Đ.X.S -Giám đốc Sở Tư pháp, chồng của Liên

Hầu hết sổ đỏ của Liên đều bị thế chấp ở các ngân hàng để vay tiền. Khi nào khách hàng cần, Liên vay tiền bên ngoài chuộc sổ đỏ ra và sang tên cho khách. Đến quý 1/2020, khi bị nhiều khách hàng hối thúc, Liên không đủ khả năng tất toán cho ngân hàng để rút sổ ra. Khi bị khởi tố, bắt tạm giam, Liên không trả được nợ nên bị các ngân hàng phát mãi hàng chục tài sản đất, nhà, xe ô tô để xử lý, thu hồi nợ.

Đến nay, trong số hơn 60 đơn tố bị nhóm bị can nói trên lừa hơn 120 tỷ đồng, các cơ quan chức năng đã điều tra xác định 40 người bị lừa đảo chiếm đoạt gần 56 tỷ đồng. Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng đang sắp xếp lịch xét xử 4 bị can này về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.


Kim Anh

Tiền Phong

Chia sẻ Facebook