Mở lại đường bay Hà Nội - Busan, TP HCM - Phuket
Vietnam Airlines, Vietjet hôm nay 3-6 đã nối lại các đường bay Hà Nội - Busan, TP HCM - Phuket.
Ngày 3-6, Vietnam Airlines đã thực hiện chuyến bay nối lại đường bay Hà Nội - Busan (Hàn Quốc) và trở thành hãng hàng không nước ngoài đầu tiên thực hiện việc khai thác đến sân bay Busan kể từ khi Hàn Quốc hạn chế các chuyến bay đi/đến vì dịch Covid-19.
Hành khách đi chuyến bay VN427 Busan - Hà Nội làm thủ tục tại sân bay Busan.
Chuyến bay mang số hiệu VN426 khởi hành từ Hà Nội đã hạ cánh an toàn tại sân bay Busan lúc 07:59 (giờ địa phương) với 148 hành khách. Sau đó, chuyến bay mang số hiệu VN427 đã khởi hành từ sân bay Busan lúc 11:57 với 175 hành khách trên khoang.
Vietnam Airlines khai thác đường bay giữa Hà Nội - Busan với tần suất 3 chuyến/tuần, vào các ngày thứ 2, 3, 6 hàng tuần.
Bên cạnh đó, từ tháng 7-2022, Vietnam Airlrines sẽ mở lại đường bay TP HCM - Busan với tần suất 4 chuyến/tuần và lên kế hoạch khai thác hàng ngày các chuyến bay giữa Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Nha Trang với thủ đô Seoul (Hàn Quốc).
Hãng đẩy mạnh khai thác máy bay thân rộng Boeing 787 trên các đường bay này.
Cùng ngày, Vietjet đã nối lại đường bay đến "thiên đường du lịch biển" Phuket của Thái Lan. Với 4 chuyến bay khứ hồi mỗi tuần vào các ngày thứ Hai, Tư, Sáu và Chủ nhật, người dân và du khách có thể dễ dàng di chuyển, du lịch giữa TP HCM và Phuket chỉ với 2 giờ bay mỗi chặng.
Hành khách tại quầy làm thủ tục bay đi Phuket tại sân bay Tân Sơn Nhất
Chuyến bay khởi hành từ TP HCM lúc 9 giờ và hạ cánh tại Phuket lúc 11 giờ (giờ địa phương). Chiều ngược lại khởi hành từ Phuket lúc 12 giờ và hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM) lúc 13 giờ 50. Vietjet là hãng hàng không đầu tiên mở lại đường bay TP HCM - Phuket, mang tới thêm lựa chọn cho khách hàng khi đến với Thái Lan bên cạnh điểm đến quen thuộc Bangkok. Trước đó, Vietjet đã khôi phục các đường bay kết nối TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng với thủ đô Bangkok.
Trước đó, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho biết thị trường hàng không đã có dấu hiệu hồi phục nhưng mới chỉ ở thị trường nội địa trong khi phân khúc quốc tế, nơi mang lại hơn 60% doanh thu cho các hãng - vẫn gặp khó. Theo dự kiến của Cục Hàng không Việt Nam, đến hết năm 2022, thị trường quốc tế sẽ cần một thời gian dài để phục hồi, sản lượng vận chuyển hành khách quốc tế giảm 72-80% so với năm 2019.
Hiện tại, mặc dù các hãng hàng không Việt Nam cũng như quốc tế đã khôi phục phần lớn các đường bay đến các thị trường truyền thống, tuy nhiên lượng khách quốc tế vẫn chủ yếu là khách công vụ, thăm thân, kinh doanh mà lượng khách du lịch (bao gồm cả khách vào - in bound và khách ra - out bound), nguồn khách chính của ngành hàng không vẫn còn rất hạn chế.
Tuy nhiên, Cục trưởng cũng cho rằng bên cạnh khai thác tiềm năng to lớn của thị trường hàng không du lịch nội địa, các hãng hàng không cũng cần mở rộng khai thác thị trường quốc tế.
Với việc mở cửa hoàn toàn các đường bay quốc tế đi đến Việt Nam từ 15-3-2022 và mới đây nhất là việc dỡ bỏ yêu cầu về xét nghiệm Covid-19 đối với người nhập cảnh vào Việt Nam từ 15-5-2022, Việt Nam là một trong không nhiều quốc gia sớm triển khai các biện pháp mở cửa, nới lỏng quy định nhập cảnh cho khách quốc tế để kích cầu du lịch.
Hiện tại, có trên 50 quốc gia đã triển khai các biện pháp mở cửa, nới lỏng quy định nhập cảnh và điều này tạo điều kiện cho khách quốc tế và công dân của chính họ đi du lịch là yếu tố khách quan và là cơ sở thuận lợi để Việt Nam triển khai chính sách mở cửa, thu hút du khách.
Ở thời điểm này, khi nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ còn chưa mở cửa, đặc biệt là các quốc gia trong khu vực Đông Bắc Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) vẫn đang duy trì các biện pháp hạn chế nhập cảnh ở các mức độ khác nhau thì sự lựa chọn của du khách cũng chưa thể đa dạng như trước đại dịch và ưu thế sẽ thuộc về những điểm đến mở cửa sớm với cơ hội quảng bá, làm mới hình ảnh du lịch, thu hút được sự quan tâm của du khách. Thêm nữa, Việt Nam đã khôi phục lại chính sách thị thực nhập cảnh, miễn visa cho công dân 13 nước, trong đó có các nước Tây Âu và điều này sẽ thu hút được lượng khách từ các nước này.
Từ góc độ này, có thể thấy có nhiều tín hiệu tích cực đối với việc phục hồi và phát triển của du lịch quốc tế đến Việt Nam và đây chính là cơ hội để các hãng hàng không khôi phục từng bước các hoạt động khai thác quốc tế và là tiền đề để khôi phục toàn bộ cũng như mở rộng, phát triển các hoạt động khai thác quốc tế.
Dương Ngọc