Mô hình trường chuyên - Những hiệu quả hiện hữu và cơ hội phát triển của học sinh

Chia sẻ Facebook
30/11/2022 12:27:20

Việc ban hành dự thảo về quy chế mới của mô hình trường chuyên cấp THPT đang gây chú ý với giáo viên, học sinh và những người quan tâm tới giáo dục.

Những điểm mới trong dự thảo quy chế trường chuyên


Từ nhiều năm nay, trường THPT chuyên luôn có sức hút đặc biệt đối với học sinh và phụ huynh ở mỗi địa phương. Chính vì thế việc ban hành dự thảo về quy chế mới của mô hình trường học này ngay lập tức gây chú ý trong cộng đồng những người quan tâm tới giáo dục.

Chỉ còn 2 tuần nữa, Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ĐT) sẽ kết thúc việc lấy ý kiến Dự thảo về Thông tư ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường THPT chuyên.

Cụ thể, dự thảo Thông tư mới chỉ còn 22 điều so với 32 điều trước đây. Nhiều điều đã được lược bớt, hoặc thay đổi: bỏ quy định lớp thường trong trường chuyên; bỏ quy định học sinh chuyển khỏi lớp chuyên; giới hạn quy định chuyển trường của học sinh trường chuyên; bãi bỏ bộ phận nghiên cứu khoa học trong trường chuyên; bỏ yêu cầu trình độ của quản lý trường chuyên...


Băn khoăn xung quanh đề xuất bỏ lớp cận chuyên


Điểm đáng chú ý của dự thảo lần này là quy định không tổ chức lớp không chuyên trong trường chuyên . Trước đó, mô hình lớp không chuyên hay thường gọi là cận chuyên trong trường chuyên từng được Bộ GD&ĐT quy định tại Thông tư 06/2012 ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trường THPT chuyên.

Em Bùi Hoàng Mai Anh - trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên - bày tỏ: "Không nên bỏ hệ thống cận chuyên. Hệ thống cận chuyên cung cấp cho học sinh rất nhiều cơ hội".

Cô giáo Nguyễn Khánh Hà - trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên - chia sẻ: "Vẫn nên duy trì lớp không chuyên vì đó chính là cơ hội lớn cho các em thể hiện bản thân và vươn xa hơn trong tương lai".

Cô giáo Vũ Thị Thu Trang - trường THPT chuyên Sư phạm Hà Nội - cho biết: "Thực tế học sinh lớp không chuyên có nhiều em tham gia thi học sinh giỏi và đạt giải, thậm chí thủ khoa, đạt học bổng".

Em Đinh Bảo Khánh - trường THPT chuyên Sư phạm Hà Nội - cho hay: "Em được giải quốc gia để cố gắng khẳng định mình học hệ cận chuyên nhưng vẫn không thua kém gì học sinh chuyên".


Phát triển trường chuyên cần chính sách đặc thù


Từ chia sẻ của người học và người dạy, có thể hiểu phần nào về vị trí thúc đẩy chất lượng giáo dục của mô hình lớp cận chuyên trong hệ thống các trường chuyên. Từ góc độ những người đứng đầu các trường chuyên hiện nay, việc duy trì các lớp cận chuyên còn có một vai trò khác. Thực tế không chỉ đóng góp trong đào tạo học sinh khá, giỏi mà nhờ có nguồn kinh phí thu được từ các lớp cận chuyên đã giúp các trường duy trì hoạt động tốt hơn.

Với mức kinh phí được cấp 4,7 tỷ đồng/năm, trường THPT chuyên Sư phạm Hà Nội chỉ đủ trả lương cho giáo viên và duy trì hoạt động của trường trong 7 tháng. Vì thế, nhờ có nguồn thu mức học phí cao hơn 300.000 đồng của hệ không chuyên so với hệ chuyên đã giúp trường giải được bài toán thiếu hụt cho 5 tháng còn lại.

Hiện, sĩ số các lớp không chuyên chiếm từ 20% đến 40% tổng số học sinh ở các trường. Không chỉ đóng góp về nguồn thu mà sĩ số này cũng đảm bảo quy mô để các trường chuyên dễ dàng tổ chức các hoạt động giáo dục toàn diện.

Sau 10 năm triển khai các lớp cận chuyên, mô hình này đã dần định hình và phát huy nhiều hiệu quả trong thực tế. Vì vậy, việc xóa bỏ các lớp này để trường chuyên trở lại sứ mệnh đào tạo mũi nhọn thì ngành giáo dục và các địa phương phải xây dựng được các cơ chế đặc thù.


Hiện, việc bỏ hay không bỏ lớp không chuyên trong trường chuyên vẫn nhận được ý kiến đa chiều từ phía dư luận. Dù lựa chọn tổ chức trường chuyên theo phương án nào thì theo các chuyên gia Bộ GD&ĐT vẫn cần phải tính toán để đặt quyền lợi học sinh trong vị trí trung tâm.

Nỗ lực phát triển trường chuyên thành điểm sáng giáo dục

Ngoài thông tin gây chú ý về đề xuất bỏ lớp không chuyên thì việc công bố dự thảo lần này đang cho thấy mô hình này sẽ tiếp tục được đầu tư phát triển hơn. Cụ thể, rất nhiều ưu tiên cho trường chuyên được nêu trong dự thảo này như: bố trí cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên bảo đảm đủ định mức, đạt tiêu chuẩn quy định; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất; được liên kết, hợp tác với các cơ sở giáo dục, cơ sở nghiên cứu khoa học; bố trí kinh phí chi thường xuyên để bảo đảm cho các hoạt động giáo dục, chế độ đãi ngộ người dạy, chế độ ưu tiên cho người học…

Thực tế thời gian qua, trước khi có dự thảo quy định cụ thể các chính sách ưu tiên cho trường chuyên, nhiều địa phương đã đẩy mạnh quan tâm đầu tư cho mô hình này trở thành điểm sáng giáo dục tại các tỉnh.


Từ các huyện xa xôi của tỉnh Phú Thọ, khi trúng tuyển vào trường THPT chuyên Hùng Vương, Phương Lan và các bạn bè của em được bố trí chỗ ăn chỗ ở đầy đủ. Trở thành thành viên của đội tuyển học sinh giỏi quốc gia, Phương Lan tiếp tục nhận được sự hỗ trợ đặc biệt của nhà trường từ học bổng, tài liệu cho tới chương trình bồi dưỡng.

Đầu tư cho giáo dục mũi nhọn nên công tác bồi dưỡng học sinh giỏi của nhà trường đã đem lại kết quả đột phá. Năm học 2021 - 2022, trường THPT chuyên Hùng Vương có 50 học sinh đạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia. Những chính sách ưu tiên cho giáo viên và học sinh sẽ tiếp tục được bổ sung khi quy chế đặc thù của nhà trường chính thức được triển khai trong thời gian tới.

Một cơ sở mới khang trang với mức đầu tư hơn 400 tỉ đồng cũng sẽ chính thức hoạt động trong tháng 12 này, đúng dịp kỉ niệm 40 năm thành lập trường THPT chuyên Hùng Vương.

Không riêng Phú Thọ, thời gian qua, nhiều địa phương đã quan tâm hơn đến công tác bồi dưỡng nhân tài, gia tăng chất lượng đào tạo thông qua đầu tư phát triển hệ thống trường chuyên. Sự phát triển của các trường chuyên chính là cú hích để phát triển cho hệ thống giáo dục phổ thông tại các tỉnh.


Nhìn nhận phát triển trường chuyên trong đổi mới giáo dục và đào tạo, hiện nhiều địa phương đang tiếp tục củng cố, phát huy tính tiên phong, mũi nhọn của mô hình này để lan tỏa trong hệ thống các trường phổ thông, đặc biệt là về phương pháp, cách thức tổ chức và khoa học giáo dục.

Chia sẻ Facebook