Mô hình thời trang bền vững tại Thái Lan
Một số hãng thời trang của Thái Lan đã dần chuyển sang mô hình thời trang bền vững để góp phần bảo vệ môi trường.
Theo Liên hợp quốc, ngành công nghiệp thời trang là lĩnh vực sản xuất lớn thứ ba trên thế giới và thải ra 10% lượng khí carbon toàn cầu. Chính vì vậy, một số hãng thời trang của Thái Lan đã dần chuyển sang mô hình thời trang bền vững, nhiều sáng kiến ra đời giúp kéo dài vòng đời của quần áo.
Benchaya, người sáng lập ra hãng thời trang Benela đã làm việc trong lĩnh vực này hơn một thập kỷ. Cô bắt đầu sự nghiệp thiết kế của mình với thứ mà ngày nay được gọi là quần áo thời trang nhanh. Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi cách đây 5 năm khi cô phát hiện ra những tấm vải tuyệt đẹp được dệt bằng tay ở các ngôi làng phía bắc nước này.
Cô Benchaya Sangjaroenlapsakul - Người sáng lập Benela chia sẻ: "Tôi từng kinh doanh thời trang nhanh. May quần áo với số lượng lớn và bán số lượng lớn, nhưng tôi thấy việc tạo ra một số lượng lớn như vậy rất mệt mỏi và gây hại cho môi trường. Sau đó, tôi nghĩ có lẽ mình nên thực hiện chậm hơn và tạo ra những sản phẩm tốt hơn, độc đáo hơn để đáp ứng nhu cầu của khách hàng một cách tốt hơn".
Ý thức được thời trang nhanh đang gây hại nhiều cho môi trường, cô Benchaya đã chuyển hướng sang thời trang bền vững. Cô bắt đầu tìm kiếm những nguyên vật liệu có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó việc nhuộm sấy các sản phẩm cũng theo phương pháp tự nhiên không tốn nhiều nước và không gây hại cho môi trường.
"Tôi nghĩ nếu chúng ta tiếp tục tạo ra thời trang nhanh, nó sẽ không tốt cho thế giới. Chúng ta cần lan tỏa ý thức về thời trang bền vững đến người sản xuất quần áo cũng như cả người tiêu dùng", cô Benchaya nói.
Để giúp kéo dài vòng đời cho quần áo, những hội chợ hoán đổi quần áo cũ đã được tổ chức vào dịp cuối tuần ở Thủ đô Bangkok.
Kamonnart Ongwandee - Điều phối viên Hội chợ hoán đổi quần áo cũ ở Bangkok cho biết: "Mọi người mang quần áo không mặc nữa đến hội chợ và nhân viên của chúng tôi sẽ ước tính giá trị của chúng rồi quy ra điểm. Mọi người có thể dùng số điểm đó để đổi lấy thứ mà họ cần".
Khách tham gia hội chợ có được trải nghiệm giống như thể họ đang mua sắm trong một cửa hàng vậy. Tuy nhiên, điểm khác biệt là họ không cần phải chi tiêu bất kỳ khoản tiền nào.
"Chúng tôi đang cố gắng thay đổi nhận thức của người tiêu dùng, đặc biệt là các bạn trẻ. Thay vì mua sắm tràn lan, chúng ta có thể kéo dài tuổi thọ cho quần áo và cùng chung tay bảo vệ môi trường", Kamonnart Ongwandee nói.
Xu hướng thời trang bền vững ra đời là một biện pháp khắc phục tình trạng tàn phá môi trường trầm trọng của ngành thời trang nhanh.