Mô hình SIB góp phần trao cơ hội cho những người yếu thế trong xã hội
Theo bà Bùi Thu Thuỷ, mô hình kinh doanh tạo tác động xã hội (SIB) là mô hình tuyệt vời, trao quyền cho người yếu thế vươn lên bằng chính nỗ lực của mình.
SIB rất thiệt thòi về yếu tố con người
Ngày 12/12 , tại sự kiện SIB Connect 2023, nói về vai trò của tổ chức kinh doanh tạo tác động xã hội (SIB), bà Bùi Thu Thuỷ - Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, các tổ chức SIB Việt Nam tuy còn khiêm tốn về số lượng, quy mô còn nhỏ nhưng đã được ghi nhận đóng góp vai trò tích cực trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững nhằm giúp các doanh nghiệp thuận lợi hơn khi tiếp cận các thị trường nước ngoài, tiếp cận được các nguồn vốn xanh.
“Mô hình kinh doanh tạo tác động là một mô hình kinh doanh tuyệt vời nhằm trao cơ hội cho những nhóm yếu thế trong xã hội, cho những bà con ở vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa. Chúng ta không làm chính sách xã hội theo kiểu truyền thống là đưa tiền để nuôi sống họ mà trao quyền để họ vươn lên bằng chính nỗ lực kinh doanh của họ”, bà Thuỷ nêu quan điểm.
Ông Brian Allemenkinders, Tham tán phát triển, Đại sứ quán Canada tại Việt Nam cho rằng, nếu chỉ có nguồn lực nhà nước là không đủ để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững mà cần sự tham gia của các khu vực tư nhân.
Theo đó, các Tổ chức Kinh doanh Tạo tác động Xã hội đã và đang đóng góp cho các thành tựu của Việt Nam hướng tới đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG). Đóng vai trò quan trọng trong việc xóa đói giảm nghèo. Giúp tạo thu nhập cho phụ nữ và những người yếu thế trong xã hội.
Tuy nhiên, theo bà Thuỷ, doanh nghiệp còn rất nhiều những khó khăn. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid cũng như tình hình kinh tế thương mại toàn cầu hiện nay tác động rất lớn đến các doanh nghiệp.
Đặc biệt, theo ông Đàm Quang Thắng – Tổng Giám đốc Bizcare, 2 vấn đề lớn nhất mà doanh nghiệp SIB đang gặp phải đó là sự thiệt thòi về yếu tố con người, là sự thiếu hụt từ nhân lực trong việc quản trị doanh nghiệp đến xây dựng mô hình kinh doanh. Tiếp đó là thiếu sự kết nối với thị trường.
Dù doanh nghiệp lớn đã rất cố gắng để hỗ trợ. Tuy nhiên, bản thân họ cũng cần duy trì thực hiện các hoạt động kinh doanh, phát triển, nuôi nhân công. Chính vì vậy, việc hỗ trợ doanh nghiệp SIB rất cần sự chung tay của xã hội.
Nói về những chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp SIB, bà Trịnh Thu Hương – Phó Cục trưởng Phụ trách Cục phát triển doanh nghiệp – Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Bộ đã đề ra Luật doanh nghiệp đã đưa ra Khái niệm, tiêu chí xác định doanh nghiệp xã hội;
Luật Hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa ưu tiên các doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ, sử dụng nhiều lao động nữ, doanh nghiệp xã hội, doanh nghiệp thuộc địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn…
Đặc biệt, các chương trình, sáng kiến hỗ trợ SIB đã được thực hiện như dự án Hỗ trợ hệ sinh thái doanh nghiệp tạo tác động xã hội tại Việt Nam ứng phó với Covid-19, Sáng kiến ESG Việt Nam (USAID IPSC)… đã góp phần hỗ trợ 500 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; 10.000 lao động, người thu nhập thấp.
Tạo điều kiện cho doanh nghiệp SIB
Tại sự kiện, Sách Trắng về các tổ chức kinh doanh tạo tác động xã hội Việt Nam 2023 lần đầu tiên được ra mắt, tạo điều kiện cho SIB được nhận dạng một cách rõ ràng, từ đó nâng cao khả năng được hưởng lợi từ các chương trình hỗ trợ từ chính phủ và các bên liên quan khác.
Sách Trắng các Tổ chức Kinh doanh tạo tác động xã hội được xây dựng trong khuôn khổ Dự án “Hỗ trợ Hệ sinh thái các doanh nghiệp tạo tác động xã hội tại Việt Nam ứng phó với COVID-19" (ISEE-COVID), do Cục Phát triển Doanh nghiệp (AED) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) thực hiện với sự hỗ trợ của Bộ Các Vấn Đề Toàn Cầu Canada (GAC).
Theo bà Ramla Khalidi – Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, Sách Trắng tạo điều kiện cho các tổ chức kinh doanh tạo tác động xã hội được nhận dạng chính thức, giúp họ tiếp cận với các chương trình hỗ trợ của chính phủ và các chương trình khác. Cùng với báo cáo về hệ sinh thái hỗ trợ SIB, Sách Trắng cung cấp thông tin và hiểu biết toàn diện về bối cảnh hệ sinh thái.
Ông Brian Allemenkinders cho rằng, việc ra mắt Sách Trắng không chỉ là là sự ghi nhận các hoạt động giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường từ các tổ chức này m à còn cung cấp cơ sở dữ liệu tham khảo hữu ích cho các cơ quan ban ngành có các quyết sách thúc đẩy phát triển nhóm tổ chức kinh doanh này, cũng như mở ra các cơ hội kết nối và đầu tư với các thành tố khác trong hệ sinh thái.
Sách trắng về các tổ chức kinh doanh tạo tác động xã hội Việt Nam năm 2023 được biên soạn nhằm phản ánh quá trình phát triển và ghi nhận những đóng góp quan trọng, đồng thời cung cấp bức tranh tổng thể về SIB tại Việt Nam phục vụ hoạt động thống kê, nghiên cứu, góp ý và xây dựng chính sách của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế.
Thu Hương