Mô hình 'nông trại điện thoại' bị coi là bất hợp pháp tại nhiều quốc gia
Đã có nhiều lo ngại về việc mô hình "nông trại điện thoại" tác động đến xu hướng người dùng.Tại nhiều quốc gia, hoạt động của dịch vụ này còn bị coi là bất hợp pháp.
Daily Mail từng chỉ ra một nghịch lý từng xảy ra tại Trung Quốc, nơi có thị trường smartphone lớn nhất thế giới và cũng được xem là nơi 'nông trại điện thoại', hay còn gọi là Phone Farm, phát triển mạnh nhất. Đó là vào năm 2017, có hai chương trình truyền hình của nước này ghi nhận hơn 1 tỷ lượt xem trực tuyến trong một ngày, trong khi số người dùng mạng Internet của Trung Quốc khi đó mới chỉ chạm con số 750 triệu.
Đài CCTV của nước này từng khẳng định, 90% số lượt xem của một số chương trình nổi tiếng trên các kênh video của Trung Quốc là giả.
Về cơ bản, Phone Farm là hệ thống gồm hàng loạt những chiếc điện thoại cũ. Chỉ cần cài một ứng dụng duy nhất, tất cả điện thoại sẽ nhận lệnh điều khiển giống hệt nhau: đọc thông báo, kết bạn, tương tác, xem video, tham gia nhóm... thậm chí cả những thủ thuật phức tạp như đổi mật khẩu.
Nông trại điện thoại là hệ thống gồm hàng loạt những chiếc điện thoại cũ được thiết lập để nhận lệnh điều khiển giống hệt nhau (Ảnh minh họa: Vice)
Phone Farm rất phổ biến tại các nước đang phát triển như Ấn Độ, Indonesia, Philippines... Tại Ấn Độ, các chuyên gia công nghệ thông tin làm thêm trong lĩnh vực này có thể kiếm được số tiền tương đương 1 tháng lương chỉ trong 3 ngày.
Tại Mỹ, hai nền tảng truyền thông phổ biến nhất là Facebook và Google cũng phải lên kế hoạch hoàn tiền cho các nhà quảng cáo vì vấn nạn này, từ khoảng 7 - 10% số tiền mà họ đã bỏ ra.
Tại Trung Quốc, Phone Farm được coi là vi phạm luật cạnh tranh không lành mạnh.
Năm 2017, cảnh sát Thái Lan đã triệt phá mạng lưới 'Click Farm' và tịch thu hàng nghìn điện thoại thông minh. Các cáo buộc của cảnh sát liên quan đến việc buôn lậu điện thoại và sử dụng SIM không đăng ký hợp pháp.
Về bản chất, Phone Farm lợi dụng cơ chế đề xuất của các nền tảng mạng xã hội, đó là nếu có nhiều tương tác cho một nội dung thì nền tảng sẽ phổ biến nội dung đó rộng rãi hơn đến người dùng. Vì vậy, nếu như nó bị lợi dụng cho mục đích xấu như lan truyền tin giả hay các nội dung bôi nhọ, xấu độc, thì sẽ là mối nguy cho cộng đồng.
Tại Việt Nam, hiện chưa có chế tài để quản lý dịch vụ nông trại điện thoại nên tính pháp lý của dịch vụ này vẫn đang để ngỏ. Tuy nhiên, bản thân các nền tảng mạng xã hội cũng luôn tìm cách để hạn chế những lượt xem ảo, tương tác ảo từ những nông trại điện thoại này. Mọi chiêu trò gian lận đều không mang lại kết quả bền vững.